Nhạc sỹ Phú Quang: "Chúng ta nghèo nhưng không biết cách tiêu tiền"

Là người đã để lại dấu ấn trong đời sống âm nhạc hiện nay. Nhạc sĩ nghĩ gì về âm nhạc đô thị?

Âm nhạc đô thị là vấn đề rất đáng quan tâm không chỉ với những người làm âm nhạc. Tuy nhiên, điều đáng nói là âm nhạc của chúng ta hiện nay rất lộn xộn. Nhiều khu phố ở Hà Nội cứ 5-6 giờ sáng đã phát loa oang oang. Có lúc lại phát bài hát của tôi như: Em ơi Hà Nội phố... Những lúc ấy tôi thấy rất ân hận vì mình cũng góp phần làm lộn xộn phố phường bằng âm nhạc.

Nhạc sỹ Phú Quang: "Chúng ta nghèo nhưng không biết cách tiêu tiền" ảnh 1

Đấy là bề nổi, còn bề chìm lại khác. Tôi nghĩ âm nhạc đô thị không chỉ là nhạc sến, nhạc nhẹ. Trong cách đánh giá âm nhạc chúng ta mắc bệnh chân voi. Bệnh chân voi cần được cân đối, bởi cơ thể không chỉ có 2 cái chân to. Âm nhạc cũng vậy, cần phải cân đối giữa các thể loại.

Chúng ta thường nói về những thể loại nhạc nhiều người nghe là: âm nhạc quần chúng. Nhưng tôi nghĩ cái gì cũng có quần chúng. Âm nhạc nào thì có quần chúng đó. Có những lúc tôi nói đùa: Bây giờ cứ có tiền thì ai cũng có thể làm nhạc sĩ, giống như ai cũng có thể làm nhà thơ... Một xã hội phải có đủ mọi thứ. Vì vậy, tôi thấy rất đáng mừng nếu ai cũng có thể làm nhạc sĩ, nhà thơ...

Vậy trong thế giới âm nhạc lộn xộn hiện nay, nhạc chính thống đứng ở đâu?

Âm nhạc thể loại nào cũng cần, nhưng chúng ta cần phải cân đối. Âm nhạc chính thống chúng ta cần phải đầu tư, nuôi nấng chúng. Đất nước chúng ta có quá nhiều điều còn phải lo lắng, nhưng chúng ta vẫn cần quan tâm đến âm nhạc chính thống. Không ai hy vọng nhạc giao hưởng có thể kiếm sống. Nhưng chỉ cần có lượng công chúng bằng 1/10 nhạc nhẹ cũng là hạnh phúc lắm rồi. Ở châu Âu đằng sau những dàn nhạc giao hưởng thường có những Mạnh Thường Quân.

Nhà nước cũng rất quan tâm đến các nghệ sĩ đó chứ. Bằng chứng là hàng năm vẫn có kinh phí đầu tư rót về Hội nhạc sĩ Việt Nam..

Nhạc sỹ Phú Quang: Tôi luôn muốn cúi đầu kính phục với những người theo đuổi nhạc cổ điển ở Việt Nam. Có một điều nếu nói ra nhiều người sẽ tưởng là chuyện đùa. Chẳng hạn lương khởi nghiệp của con rể tôi (nghệ sĩ violon Bùi Công Duy - PV) chỉ bằng... một cậu bé đánh giày lười (10 đôi/ngày). Nghĩa là chỉ khoảng 1 triệu đồng/ tháng. Bây giờ tăng gấp đôi, được khoảng 2 triệu đồng/ tháng. Vậy là bằng lương của 2 cậu bé đánh giày...

Trước đây, tôi cũng đã từng được Nhà nước đầu tư cho trên 10 triệu đồng để viết nhạc kịch. Tôi biết Nhà nước vẫn đầu tư hàng tỷ đồng cho nghệ thuật. Nhưng đồng tiền “rót” xuống nghệ thuật như thế nào cho đỡ phí mới là điều đáng bàn, đáng suy nghĩ. Thậm chí có những người chẳng làm được gì mấy cho âm nhạc cũng nhận tiền đầu tư. Nếu cứ phân phối tiền Nhà nước theo kiểu đồng đều sẽ triệt tiêu sự cạnh tranh.

Theo nhạc sĩ, đời sống âm nhạc tác động tới đời sống xã hội hay ngược lại?

Thời chiến tranh, âm nhạc có tác dụng lắm. Âm nhạc tác động đến đời sống rất lớn. Nhiều người lính sẵn sàng xung phong ra trận chỉ vì nghe những đoạn nhạc, bài hát thôi thúc. Đó là một thời kỳ rất đáng tự hào. Nhưng bây giờ nhiều lúc tôi cũng thấy ngạc nhiên vì âm nhạc đô thị của chúng ta. Vào những dịp lễ, tết, việc tổ chức những chương trình âm nhạc ngoài trời là rất cần thiết. Tuy nhiên sân khấu ngoài trời nên dựng ở đâu lại là điều đáng bàn. Chúng ta phải biết chọn địa điểm. Chẳng hạn, chúng ta không nên dựng sân khấu ngoài trời trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội để biểu diễn chương trình ca nhạc, trong khi đó phía trong Nhà hát lại vẫn diễn ra những sự kiện khác.

Vậy nếu có một môi trường lý tưởng thì âm nhạc đô thị ở Việt Nam có phát triển?

Ở Việt Nam không có những môi trường âm nhạc chuyên nghiệp. Chẳng hạn, công chúng thích nghe nhạc nào sẽ có sẵn những “địa chỉ đỏ” để đi đến. Tính chuyên nghiệp thiếu là ở chỗ đó. Cần có những không gian riêng cho từng loại nghệ thuật: tấu hài, sân khấu, opera, nhạc nhẹ... Chúng ta thì tiện cái nào làm cái đó. Có khi một sân khấu, tối qua vừa diễn ra chương trình nhạc cổ điển rất trang trọng, đêm hôm sau lại cũng chính sân khấu ấy lại mua vui khán giả bằng những vở hài kịch. Nghệ thuật như thế chẳng khác nào “món” hổ lốn.

Chúng ta đang trong tình trạng nghèo nhưng không biết cách tiêu tiền. Tôi nghĩ chúng ta cần học cách tiêu tiền. Cần tạo ra những địa chỉ âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật thường xuyên, chuyên nghiệp để công chúng đến thưởng thức. Cần có một nơi quảng cáo các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Ở Hà Nội hiện nay, có mỗi nhà múa rối Thăng Long là hoạt động liên tục và có lịch diễn...

Theo Mạnh Thắng (NNVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm