Nhận chở thuê hàng hóa: Luật có buộc kiểm tra nguồn gốc?

(PLO)- Theo quy định của luật, khi nhận chở thuê hàng hóa, bên chở thuê không có nghĩa vụ bắt buộc phải kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa trước khi vận chuyển.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (4-7), TAND tỉnh Tây Ninh tiếp tục phiên tòa phúc thẩm vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, theo Điều 189 BLHS (Pháp Luật TP.HCM gọi là vụ án chở thuê xe máy cũ bị tội).

Trước đó, thay vì tuyên án vào chiều 30-6 như dự kiến, tòa bất ngờ quay lại phần xét hỏi rồi hoãn phiên tòa.

Không thực hiện quyền… rồi bị kết tội

Theo hồ sơ, bị cáo Giàu (31 tuổi) có mua ba mô tô ở Campuchia, khi xe về đến Việt Nam thì Giàu nhờ Quốc và Kiệt vận chuyển về nhà Giàu vào ngày 27-9-2020.

HĐXX phúc thẩm vụ chở xe máy cũ bị tội. Ảnh: MINH HOÀNG

HĐXX phúc thẩm vụ chở xe máy cũ bị tội. Ảnh: MINH HOÀNG

Một ngày sau (28-9-2020), Giàu thuê nhà xe của Bảo chở xe về TP.HCM, rồi Bảo điều tài xế là Nghi lái ô tô từ TP.HCM đến nhà Giàu để nhận xe. Khi nhận xe, Nghi cũng không kiểm tra giấy tờ do Bảo nói để chủ xe giải quyết.

Đến tối cùng ngày, Công an huyện Tân Biên kiểm tra xe, Nghi không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nên bị tạm giữ tất cả phương tiện.

Xử sơ thẩm ngày 17-2, TAND huyện Tân Biên đã tuyên các bị cáo Giàu, Quốc, Kiệt, Bảo, Nghi phạm tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo Điều 189 BLHS.

Tòa sơ thẩm nhận định: Các bị cáo là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, các bị cáo kinh doanh vận tải hàng hóa “có quyền” yêu cầu người thuê vận tải cung cấp thông tin cần thiết về hàng hóa để ghi vào giấy vận chuyển và có quyền kiểm tra tính xác thực của thông tin đó; có quyền từ chối nhận vận chuyển tài sản cấm giao dịch... nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết.

Tuy nhiên, khi nhận vận chuyển ba mô tô cho bị cáo Giàu, mặc dù có sự nghi ngờ về nguồn gốc hàng hóa nhưng các bị cáo lại không yêu cầu Giàu cung cấp thông tin về nguồn gốc, giấy tờ hợp pháp của các mô tô và cũng không từ chối thực hiện việc vận chuyển.

“Mặc dù giữa các bị cáo Nghi, Bảo và Giàu không có sự bàn bạc, thỏa thuận về việc thực hiện hành vi phạm tội nhưng các bị cáo Nghi, Bảo nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra nên các bị cáo đồng phạm với bị cáo Giàu với vai trò giúp sức cho bị cáo Giàu trong việc vận chuyển các mô tô nêu trên” - trích nhận định của bản án sơ thẩm.

Đến phiên tòa phúc thẩm mới đây, các câu hỏi của HĐXX đối với Bảo, Nghi cũng tập trung vào các vấn đề như: Các bị cáo có biết xe đó là hàng hóa không rõ nguồn gốc, được nhập lậu không? Các bị cáo có nghi ngờ không? Các bị cáo sao không từ chối vận chuyển?

Cần minh định giữa quyền và nghĩa vụ

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM về những nhận định tại bản án sơ thẩm nêu trên, chánh tòa hình sự một tòa án tại TP.HCM nêu quan điểm cần phân biệt rõ giữa quyền và nghĩa vụ.

Cụ thể, giữa Giàu và Bảo, Nghi đã xác lập hợp đồng vận chuyển tài sản theo Điều 530 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS).

Tại khoản 4 Điều 535 BLDS quy định về quyền của bên vận chuyển: “Từ chối vận chuyển tài sản cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết”.

Ngoài ra, theo Điều 534 BLDS, về nghĩa vụ của bên vận chuyển thì cũng không có quy định nào nói bên vận chuyển phải có nghĩa vụ kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa mà mình vận chuyển.

Điều này có nghĩa rằng Bảo, Nghi được quyền chọn lựa việc kiểm tra nguồn gốc hàng hóa trước khi vận chuyển hoặc không, đó không phải là nghĩa vụ bắt buộc.

“Ngay cả khi Bảo, Nghi biết được các xe máy cũ là tài sản bị cấm giao dịch mà vẫn vận chuyển cũng không thể nào là đồng phạm với Giàu. Trách nhiệm kiểm tra nguồn gốc, tính hợp pháp của những chiếc xe máy này là của chủ hàng, của bên thuê vận chuyển. Khi nào chứng minh được Bảo, Nghi có sự thỏa thuận trước đó với Giàu về việc vận chuyển ba xe máy cũ mới có thể khép vào đồng phạm với Giàu” - vị chánh tòa hình sự nói.

Không có chuyện bàn bạc từ trước

ThS - luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Muốn xử lý Bảo, Nghi đồng phạm với Giàu thì phải chứng minh có sự thỏa thuận trước đó giữa Giàu với Bảo, Nghi về việc vận chuyển ba xe máy cũ hoặc hành vi của Bảo, Nghi tham gia khi tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới “chưa kết thúc”.

Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ vụ án và lời khai thực tế của các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đều khẳng định giữa Giàu và Bảo, Nghi không hề có sự bàn bạc từ trước.

Cần nhấn mạnh rằng bản án sơ thẩm cũng khẳng định điều tương tự: “… giữa các bị cáo Nghi, Bảo và Giàu không có sự bàn bạc, thỏa thuận về việc thực hiện hành vi phạm tội…”.

Ngoài ra, ThS - luật sư Ý phân tích: Khi ba xe máy về đến Việt Nam, Giàu nhờ Quốc, Kiệt vận chuyển về nhà Giàu. Như vậy, hành vi của Giàu và Quốc, Kiệt có dấu hiệu của tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trong trường hợp này, nếu giữa Giàu với Quốc, Kiệt có sự bàn bạc, thống nhất, phân công nhiệm vụ từ trước thì đây được xem là đồng phạm.

Tuy nhiên, thời điểm Giàu, Quốc, Kiệt đưa ba chiếc xe về đến nhà của Giàu thì hành vi phạm tội đã hoàn thành, hậu quả đã xảy ra. Bảo và Nghi đã thực hiện việc chở thuê ba xe máy cũ từ Tây Ninh về TP.HCM khi mà tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã kết thúc (tội phạm do các bị cáo Giàu, Quốc, Kiệt thực hiện).

Các hành vi sau đó liên quan đến hành vi này không thể đồng phạm về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng phạm chỉ có thể xảy ra khi tội phạm chưa kết thúc.

Không có dấu hiệu “qua biên giới”

Trong suốt quá trình tố tụng ở giai đoạn sơ thẩm của vụ án trên, Pháp Luật TP.HCM đã có các bài báo dẫn ý kiến, phân tích của TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng hành vi của Bảo và Nghi không thể là đồng phạm của Giàu.

Đến nay, ở giai đoạn phúc thẩm, trao đổi với PV vào ngày 2-7, TS Phan Anh Tuấn cho biết vẫn luôn theo dõi sát sao diễn biến của vụ án và một lần nữa khẳng định: Ngay cả khi Bảo, Nghi biết đây là xe được vận chuyển trái phép qua biên giới thì cũng không thể là đồng phạm, bởi không hề có sự thỏa thuận trước với Giàu; các bị cáo vận chuyển hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam, không có dấu hiệu “qua biên giới” nên việc kết án hai người này về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là oan.

Ngoài ra, thông qua các bài viết của Pháp Luật TP.HCM được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội về vụ án này, nhiều bạn đọc cùng chung quan điểm và cho rằng việc xử hình sự các bị cáo không những không đúng pháp luật mà còn tạo tiền lệ xấu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm