Thí sinh tại điểm thi THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội. Ảnh: PHI HÙNG
Mức điểm phổ biến chỉ 5-6
Cô Hà Thị Kim Liên, giáo viên dạy Hóa học trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP. HCM cho rằng, đề Hóa năm nay rất "khó nuốt" đối với các HS, ngay cả những em chuyên Hóa. Có nhiều câu cho dù các em học chuyên nhưng nếu không ôn luyện thường xuyên, không luyện thi chắc chắn thì sẽ không làm được, buộc phải đánh "lụi".
Trong đề có 30 câu đầu thuộc dạng dễ và vừa sức, dành cho những HS chỉ thi môn Hóa để xét tốt nghiệp. Trong đó có 2,5 điểm thuộc kiến thức lớp 10 và 11, còn lại thuộc kiến thức lớp 12.
Với đề này, HS trung bình làm được khoảng 4 điểm, mức điểm phổ biến nhất sẽ là 5 và 6.
Học sinh trung bình chỉ làm khoảng 30 câu
Theo thầy Trần Trung Trực,THPT Vĩnh Viễn – TP.HCM, cũng như các môn khác, đề thi môn hóa năm nay cũng được sử dụng cho 2 mục đích: xét tuyển TNPT và tuyển sinh đại học.
Cấu trúc đề thi được sắp xếp từ câu dễ đến câu khó, tuy nhiên học sinh trung bình chỉ có thể làm được khoảng 30 câu đầu ở mức độ dễ; khoảng 5 câu tiếp theo có mức độ hơi khó dành cho học sinh khá, còn từ câu 36 đến câu 41 thì ở mức độ khó hơn dành cho học sinh khá giỏi. Riêng từ câu 42 trở đi có mức độ cực kỳ khó, chỉ có những học sinh thực giỏi mới có thể làm được với thời gian làm bài rất nhiều.
Đề thi môn hóa năm nay khó hơn đề thi tuyển sinh khối B năm 2014.
Học sinh để tốt nghiệp TNPT chỉ cần làm các câu hỏi lý thuyết, không cần suy luận nhiều. Nhưng những học sinh muốn vào đại học thì cần phải suy luận và tính toán rất nhiều mới có thể làm được các câu tiếp theo.
Nhìn chung, học sinh trung bình có thể đạt được điểm 5, học sinh khá giỏi có thể đạt được điểm 7 đến 8. Điểm 10 rất khó đạt được.