Đại diện VietinBank cùng các luật sư trao đổi khi toà giải lao
Trong vụ án có hàng loạt cán bộ, nhân viên Vietinbank phải hầu toà vì vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thiếu trách nhiệm. Trong nhóm này đặc biệt có bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên (Phó trưởng phòng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng) kêu oan.
Xuất hiện tình tiết mới nhưng chưa được xem xét
Trước đó trong phần luận tội, VKS đã đề nghị HĐXX bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Tiên. Còn luật sư của bị cáo cho là từ phần thẩm vấn trong trường hợp của Tiên có những tình tiết mới nhưng không được VKS xem xét. Án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo này 11 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể những bản sao kê liên quan đến thời gian giải ngân các khoản tiền bị Huyền Như chiếm đoạt. Theo luật sư, những chứng cứ này đầy đủ cơ sở kết luận có 5 hồ sơ liên quan đến ACB và Navibank bị Như chiếm đoạt không liên quan đến bị cáo Tiên. Luật sư nhấn mạnh "Có chăng bị cáo Xuân Tiên liên quan 290 triệu đồng giải ngân ngày 9-8-2011. Đối với hợp đồng giải ngân này, khi giải ngân đã đầy đủ thủ tục”.
Từ đây, luật sư đề nghị HĐXX thận trọng xem xét lại tội danh của bị cáo Tiên. Hoặc tuyên hủy một phần bản án liên quan đến bị cáo để điều tra lại hoặc tuyên bị cáo vô tội nhằm tránh oan sai.
Nạn nhân của Huyền Như
Cho là "bản chất của vụ án, các bị cáo đều là nạn nhân của Huyền Như", luật sư bào chữa cho bị cáo Huỳnh Trung Chí (nhân viên tín dụng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng) xin giảm án. Dẫn chứng luật sư nói bị truy tố hành vi liên quan đến vụ án Huyền Như lừa đảo, Chí đã rất bất ngờ.
Bị cáo Chí bị án sơ thẩm tuyên phạt 15 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. VKS tại phần luận tội cũng đã đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì có thêm một số tình tiết giảm nhẹ về nhân thân.
Theo luật sư, hành vi của Chí chỉ là tai nạn nghề nghiệp, là nạn nhân của vụ lừa đảo. Chí không tiên lượng được đằng sau những bản hợp đồng gửi tiền của Huyền Như. Bản thân Chí không có động cơ phạm tội, không có mục đích vụ lợi, Chí cũng chỉ là nhân viên trong phòng giao dịch và làm theo chỉ đạo.
Ngoài ra, luật sư này cho là bản án sơ thẩm chưa xem xét trách nhiệm của nhân viên ACB liên quan đến ủy thác. Các nhân viên này đã thiếu trách nhiệm, có thái độ bỏ mặc, lại giao phó tài khoản, thẻ tiết kiệm cho Huyền Như giúp Như chiếm đoạt tài sản. Nhân viên ACB còn ký lệnh chi chuyển sang tiền tài khoản tiết kiệm mà chưa có tài khoản tạo thuận lợi cho Huyền Như chiếm đoạt tiền. Từ đây, luật sư chỉ ra chính các nhân viên ACB tạo điều kiện thuận lợi cho Huyền Như chiếm đoạt chứ không phải là nhân viên của Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng vi phạm quy định để Huyền Như lừa đảo.
Cạnh đó, luật sư cũng đem vụ Bầu Kiên ra so sánh. Cụ thể hậu quả thiệt hại mà bị cáo Chí gây ra chỉ bằng 1/3 hậu quả thiệt hại 719 tỷ đồng của các lãnh đạo ACB. Trong khi đó, Chí cũng bị quy kết tội danh như vậy nhưng mức án tòa sơ thẩm đưa ra rất nặng. "Như vậy không đảm bảo công bằng với bị cáo”, luật sư nói.
Bào chữa cho bị cáo Đoàn Lê Du cùng tội với hai bị cáo trên và bị án sơ thẩm tuyên phạt 17 năm tù, luật sư dẫn công văn của lãnh đạo Vietinbank đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh đối với các bị cáo là nhân viên của Vietinbank trong vụ án Huyền Như. Luật sư nhấn mạnh theo công văn đó lãnh đạo Vietinbank cho rằng, hành vi của các bị cáo trong đó có Đoàn Lê Du chỉ là vi phạm quy định nội bộ Và trong vụ án này Du là không cố ý, không vụ lợi. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX cân nhắc lại tội danh cho bị cáo.
Còn Du nói "vì cả tin Huyền Như nêu bị cáo mới vướng tội. Bị cáo rất dằn vặt và đau khổ. Nếu bị cáo có tội thì xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt”.
Chiều nay toà nghỉ và thứ hai 29-12 phiên xử tiếp tục với phần đối đáp giữa công tố với luật sư.
Luật sư cộng, trừ lòng vòng, chủ tọa phát cáu! Tại toà, luật sư của bị cáo Nguyễn Thiên Lý về tội cho vay lãi nặng phát biểu bài bào chữa khá dài với hàng loạt con số cộng trừ về lãi suất khiến chủ tọa phát cáu. Chủ tọa phải ngắt lời luật sư để hỏi về phép toán và con số. Luật sư đưa ra con số 445 tỷ đồng bị cáo này thu lợi bất chính trong khi án sơ thẩm chỉ bị cáo phải nộp 414 tỷ đồng. Từ đây, chủ toạ hỏi luật sư: "Bài bào chữa của luật sư buộc bị cáo phải nộp thêm số tiền thu lợi bất chính". |