Sáng nay, HĐXX tập trung làm rõ tại sao Navibank không trực tiếp gửi tiền vào VietinBank mà phải thông qua các nhân viên với các hợp đồng gửi tiền riêng lẻ. Đại diện Navibank cho biết, có 18 hợp đồng tiền gửi tại VietinBank và đã tất toán 12 hợp đồng, vẫn còn 6 hợp đồng tương đương 200 tỷ đồng liên quan trong vụ án này. Sáu hợp đồng này đứng tên bốn nhân viên Navibank ký với VietinBank.
Navibank cho biết, chỉ khi cơ quan điều tra thông báo mới phát hiện tiền trong tài khoản đã bị lợi dụng chiếm đoạt, không nhận được bất kì thông báo nào (tin nhắn, văn bản, sao kê) từ Vietinbank trước đó. Sau đó VietinBank có cử người đến trao đổi làm việc nhưng không có kết quả. Nay Navibank yêu cầu gốc lãi Vietinbank phải trả.
Người đại diện cho bốn nhân viên Navibank gửi tiền vào VietinBank cũng đưa yêu cầu buộc VietinBank phải trả tiền. Tuy nhiên yêu cầu lại không rõ ràng, khi thì đề nghị trả Navibank, khi lại yêu cầu trả cho bốn nhân viên gửi tiền.
Chủ toạ hỏi đại diện này: Số tiền 200 tỷ có phải tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bốn nhân viên không? Nếu của cá nhân sao họ không đòi mà đòi cho Navibank? Có gì mờ ám trái luật ở đây không. Vị này im lặng.
VKS truy Navibank "Vì sao Navibank lại ký cho các nhân viên mình vay tiền?"
Đại diện Navibank cho biết là để có tiền gửi tại VietinBank. Tuy nhiên khi VKS hỏi tiếp theo chủ trương của ai thì Navibank đáp “không trả lời”. Viện hỏi sao không trả lời. Navibank đáp: Phải về xem lại.
Không đồng tình với cách trả lời này, VKS nói "Hồ sơ thể hiện rõ chỉ hỏi làm rõ thêm tại toà" thì đại diện này cũng không trả lời. VKS dẫn CQĐT xác minh rõ có văn bản chính thức theo chủ trương của HĐQT Navibank về việc gửi tiền vào VietinBank thông qua nhân viên. Và đặt lại vấn đề với đại diện Navibank sao lại né tránh vấn đề này?
Cạnh đó tại toà, VKS cũng muốn làm rõ việc Navibank nói cho nhân viên vay tiền để đi gửi tại Vietinbank nhưng vay tại chi nhánh nào, có đúng quy định không. Bởi theo hồ sơ thể hiện trường hợp cụ thể cho nhân viên vay tiêu dùng rồi dùng chính hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank sau đó làm thế chấp. Với quy trình ngược như vậy là vừa không tuân thủ quy định chi vay và phải chăng hợp đồng vay này là giả tạo. Đại diện ngân hàng im lặng, không trả lời câu hỏi này.
Bị chủ toạ chất vấn có đúng là Navibank ký cho nhân viên vay tiền để gửi tiền vào Vietinbank đúng không? Và việc gửi tiền tại Vietinbank hưởng lãi suất thì hưởng lợi cho cá nhân hay tổ chức. Navibank trả lời: Tiền huy động thừa đưa nhân viên vay thông qua họ để hưởng lãi. Chủ toạ nhấn mạnh thêm vậy mới giải thích được việc Navibank có bao nhiêu cán bộ, nhân viên sao chỉ ưu ái cho 14 người này đem tiền đi gửi. Đại diện Navibank im lặng.
Huyền Như trong phiên tòa sáng nay. Ảnh: HY
Mẹ Huyền Như dõi theo con sau mỗi lần bị cáo được dẫn giải sau phiên xử. Ảnh: HY
Còn Huyền Như khai, thông qua Đoàn Đăng Luật, Trưởng Phòng nguồn vốn Navibank, từ ngày 19-11-2010 đến ngày 27-5-2011, Võ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè huy động của Navibank thông qua 14 cá nhân là nhân viên Ngân hàng này đứng tên để gửi hơn 1.543 tỉ đồng vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè với lãi suất từ 16,5% đến 22,5%. Đến ngày 14-7-2011, Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè đã quyết toán cho Navibank tiền gốc là hơn 1.043tỉ đồng, còn lại 500 tỷ đồng và chưa đến hạn quyết toán.
Theo hồ sơ, xác minh tại VietinBank Chi nhánh TP.HCM: Ngân hàng này xác định số tiền 200 tỉ đồng có trong tài khoản tiết kiệm của 4 nhân viện Navibank mở tại VietinBank do các cá nhân này không giữ thẻ tiết kiệm và không mở tài khoản tiết kiệm đúng trình tự nên đã bị Như chiếm đoạt trả cho nhiều đơn vị và cá nhân. Như khai đã trả lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng cho Luật hơn 30 tỉ đồng. Luật thừa nhận đã nhận 9,4 tỉ đồng.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục