Nhật cử tàu ngầm, tàu sân bay trực thăng diễn tập ở Biển Đông

Nhật đã điều ba tàu chiến trong đó có một tàu ngầm, một tàu sân bay trực thăng, một tàu chiến nổi và ba trực thăng tới Biển Đông tham gia tập trận chống ngầm hôm 9-10, hãng tin Reuters cho hay.

Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật đã điều tàu ngầm JS Shoryu với nhóm hộ tống gồm tàu sân bay trực thăng JS Kaga và tàu hộ vệ JS Ikazuchi mang theo tổng cộng ba trực thăng đến Biển Đông tập trận.

Bộ Quốc phòng Nhật thông báo đây là một hoạt động huấn luyện tác chiến chống ngầm để "tăng cường khả năng chiến thuật".

Vị trí diễn tập không được nêu rõ. 

Ba tàu Nhật tham gia tập trận ở Biển Đông hôm 9-10 (từ trái sang phải): tàu ngầm JS Shoryu, tàu hộ vệ JS Ikazuchi và tàu sân bay trực thăng JS Kaga. Ảnh: LỰC LƯỢNG PHÒNG VỆ BIỂN (Nhật)

Bình luận về cuộc tập trận chống ngầm của Nhật hôm 9-10, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết Trung Quốc kiên quyết phản đối việc làm của Nhật, theo tờ Hoàn cầu Thời báo - một phụ san của cơ quan ngôn luận của chính quyền Bắc Kinh Nhân dân Nhật báo.

Ông Ngô một lần nữa lặp lại cáo buộc của Bắc Kinh về việc các quốc gia bên ngoài khu vực đang tăng cường các hoạt động quân sự và gia tăng hiện diện ở Biển Đông.

Tờ báo Trung Quốc nhắc lại rằng, hồi đầu tháng 9, các hình ảnh vệ tinh cho thấy một tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga đã xuất hiện ở Biển Đông và lưu ý rằng, có thể chiếc tàu có thể đang trên hải trình về Nhật sau khi tham gia tập trận RIMPAC 2020.

Hyuga là một trong hai lớp tàu sân bay trực thăng, gồm hai tàu là JS Hyuga (đóng năm 2006) và JS Ise (đóng năm 2008). Lớp tàu sân bay trực thăng còn lại mang tên Izumo, được phát triển sau và gồm hai chiếc là JS Izumo và JS Kaga.

Hoàn cầu Thời báo cũng lưu ý rằng chưa đầy nửa tháng trước khi đến Biển Đông tập trận, tàu JS Kaga đã tới biển Ả Rập để tham gia diễn tập chung với hải quân Ấn Độ - đối thủ của Trung Quốc ở Nam Á và Ấn Độ Dương.

Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền vô lý đối với gần hết diện tích Biển Đông. Dựa vào luận điệu đó, Bắc Kinh coi các quốc gia không giáp Biển Đông, bao gồm Nhật, là "quốc gia bên ngoài khu vực".

Việt Nam liên tục phản đối yêu sách chủ quyền và các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong khi đó, Nhật là một thành viên trong "Bộ tứ kim cương" Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc (nhóm QUAD), liên minh nòng cốt trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Không chỉ ở Biển Đông, Nhật còn tăng cường hoạt động ở biển Hoa Đông (nằm giữa Nhật và Trung Quốc). Ngày 9-10, tờ Nikkei Asia cho hay Nhật sẽ thành lập ba đơn vị phòng thủ điện tử tại biển Hoa Đông vào tháng 3-2022 để tăng cường khả năng phản ứng trước các hành động quân sự của Trung Quốc.

Tokyo cũng thông báo sẽ phối hợp cùng quân đội Mỹ tổ chức diễn tập đổ bộ trên các đảo của Nhật vào ngày 26-10 tới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới