Giáo sư Carl Thayer (trái) tại Hội thảo "Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử" tại Đà Nẵng tháng 6 vừa qua.
Trong bài viết với tiêu đề “Lawfare or Warfare?: History, International Law and Geo-Strategy” (Tạm dịch: Cuộc chiến pháp lý hay chiến tranh: Lịch sử, luật pháp quốc tế và Địa-chiến lược) trên tạp chí Diplomat ngày 4/7 về Hội thảo “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử” được tổ chức tại Đà Nẵng vào từ 19-21/6 vừa qua, Giáo sư Carl Thayer, một học giả tham dự hội thảo, đã tổng kết lại những ý kiến được đưa ra tại hội thảo.
Theo Giáo sư Carl Thayer, có 3 vấn đề quan trọng được đã được đưa ra tại Hội thảo tại Đà Nẵng, đó là các bằng chứng lịch sử, vai trò của luật pháp quốc tế và sự vận dụng về mặt địa-chiến lược đối với các tranh chấp biển.
Bằng chứng lịch sử
Giáo sư Carl Thayer viết: “Các sử gia Việt Nam và nước ngoài đã thách thức cơ sở thực tế trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, cho rằng Triều đại nhà Tống (960-1126) đã thiết lập quyền thực thi pháp lý hiệu quả đối với Hoàng Sa. Các chuyên gia luật pháp quốc tế cũng chỉ ra rằng các quyền lịch sử, theo luật pháp quốc tế, không còn là cơ sở để đưa ra tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Họ cho rằng các bằng chứng liên quan đến việc chiếm hữu liên tục và quản lý hiệu quả mới có sức nặng để các tòa trọng tài xem xét trong các tranh chấp chủ quyền”.
Giáo sư cũng nhận định, về khía cạnh này, các nhà sử học Việt Nam “đã trình bày bằng chứng thuyết phục về việc Việt Nam đã thiết lập quyền thực thi chủ quyền hiệu quả đối với quần đảo Hoàng Sa vào thế kỷ 17, khi các vua Nguyễn cử hải đội Hoàng Sa ra quần đảo Hoàng Sa tới 5 tháng mỗi năm. Truyền thống này được kéo dài tới thế kỷ 19, dưới triều đại nhà Nguyễn. Hải đội Hoàng Sa đã tiến hành khảo sát, vẽ vùng biển và các thực thể trong quần đảo, đánh bắt cá, xây dựng chùa và đặt một tấm bia chính thức xác lập chủ quyền của Việt Nam”.
Ông cũng cho biết “các nhà lịch sử Việt Nam và nước ngoài cũng trình bày bằng chứng cho thấy cả Vương quốc An Nam, nằm dưới chế độ bảo hộ của Pháp, và thực dân Pháp khi đó tiếp tục duy trì sự hiện diện thường trực ở nhóm đảo Lưỡi Liềm trên quần đảo Hoàng Sa từ 1920-1974, và chỉ bị gián đoạn khi bị Nhật đô hộ trong Thế chiến II”.
Giáo sư Carl Thayer cũng viết: “Năm 1974, trong hành động xâm lược, Trung Quốc đại lục đã chiếm các đảo ở nhóm Lưỡi Liềm và đẩy lùi một đơn vị đồn trú của Việt Nam Cộng hòa”.
“Các nhà sử học Việt Nam và các học giả nước ngoài cũng kịch liệt lên án điều mà họ gọi là sự cố tình bóp méo của Trung Quốc, khi cho rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa trong lá thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào tháng 9/1958. Các nhà sử học chỉ ra rằng nội dung của lá thư không đề cập đến Hoàng Sa hay Trường Sa, mà chỉ ghi nhận tuyên bố chủ về vùng lãnh hãi của Trung Quốc”, giáo sư Carl Thayer viết.
Các nhà sử học Việt Nam cũng đưa ra một loạt bản đồ lịch sử của Trung Quốc cho thấy đảo Hải Nam được thấy là vùng mở rộng lãnh thổ xa nhất của Trung Quốc cho tới tận thế kỷ 19. Bên cạnh đó, “các luật gia quốc tế cũng chỉ ra rằng bản đồ không có giá trị pháp lý, nếu nó không gắn liền với một hiệp ước. Bản đồ chỉ có thể dùng làm thông tin hỗ trợ nhưng bản thân nó không thể dùng làm bằng chứng cho chủ quyền.”
Việt Nam, Philippines, Mỹ, Nhật cũng có thể kiện “đường 9 đoạn”
Về khí cạnh luật quốc tế, giáo sư Carl Thayer đã nêu bật quan điểm của giáo sư Jerome Cohen, trường Luật, Đại học New York, người “được nhìn nhận là luật sư quốc tế lão thành trong các luật sư quốc tế, đặc biệt là trong vấn đề luật pháp liên quan đến Trung Quốc”. Theo Giáo sư Cohen, tranh chấp Biển Đông vô cùng phức tạp, cần phải có nhiều cách giải quyết khác nhau. Mặc dù phương thức đàm phán song phương và đa phương vẫn nổi trội, nhưng ông nhấn mạnh tòa quốc tế và tòa trọng tài “nên được ưu tiên hơn trong tiến trình giải quyết tranh chấp”.
Về việc Trung Quốc từ chối tham gia vào tòa trọng tài (trong vụ kiện của Philippines), Giáo sư Carl Thayer ấn tượng với đánh giá mỉa mai của Giáo sư Cohen: “Các lãnh đạo chính trị sợ rằng một tòa án công bằng có thể phủ nhận niềm kiêu hãnh lớn lao của họ rằng luật pháp quốc tế ủng hộ hoàn toàn cho quan điểm của nước họ”.
Giáo sư Carl Thaye trích gợi ý của giáo sư Cohen cho rằng, Việt Nam nên đưa vụ việc ra Tòa án công lý quốc tế (ICJ), mặc dù Trung Quốc sẽ từ chối tham gia, nhưng nó sẽ chứng tỏ được cam kết thực thi theo luật quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ của Việt Nam.
“Giáo sư Cohen cũng bày tỏ hi vọng Tòa Trọng tài…sẽ làm sáng tỏ một số điều khoản quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Ví dụ Tòa trọng tài có thể xác định tuyên bố lịch sử của Trung Quốc có thể sống sót theo UNCLOS ở mức độ nào và …phân biệt giữa đảo (được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) và đá (được hưởng vùng lãnh hải).” – Giáo sư Carl Thayer viết.
Giáo sư Thayer cho biết Giáo sư Cohen đã đưa ra các lựa chọn cho Việt Nam, như tham gia kiện cùng Philippines, hoặc khởi kiện riêng lên tòa án của UNCLOS đối với “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Và “nếu Việt Nam muốn thách thức chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa, Việt Nam cần đưa vụ việc lên ICJ. Mặc dù Trung Quốc sẽ từ chối tham gia, nhưng Việt Nam sẽ thành công khi chứng tỏ với thế giới mong muốn giải quyết tranh chấp hòa bình và công bằng của mình”.
“Giáo sư Cohen cũng gợi ý Nhật nên xem xét khởi kiện “đường 9 đoạn” của Trung Quốc lên một tòa án UNCLOS. Và Giáo sư Cohen cũng gợi ý Mỹ, dù không phải là thành viên của UNCLOS, cũng có thể khởi kiện “đường 9 đoạn” của Trung Quốc lên tòa ICJ, thậm chí ngay cả khi Trung Quốc từ chối tham gia” , Giáo sư Carl Thayer cho biết.
Trong bài viết của mình, Giáo sư Car Thayer cũng nhấn mạnh đến những đề xuất của Giáo sư Erik Franckx, tiến sỹ Luật của Bỉ, thành viên tòa Trọng tài thường trực. Ông gợi ý Việt Nam đệ kiến nghị chính tức lên Tòa trọng tài đang xem xét vụ kiện của Philippines, tuyên bố Việt Nam quan tâm đến vụ việc. Theo giáo sư Franckx, các thành viên trọng tài sẽ đặc biệt ghi nhận điều này.
Trung Quốc theo đuổi “Đại chiến lược” 3 mục tiêu
Về những ứng dụng địa chính trị trong căng thẳng Biển Đông hiện nay, Giáo sư Carl Thayer cho biết, “hội thảo và các cuộc thảo luận bàn tròn về vấn đề địa-chiến lược cho thấy có sự đối lập “chan chát” giữa luật quốc tế và chính sách thực dụng”.
Giáo sư Carl Thayer dẫn lời Tiến sỹ Patrick Cronin, Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi chính sách áp bức ở Biển Đông, lôi kéo sự tham gia của một loạt công cụ chính sách từ “lực lượng hải quân và không quân, hải cảnh, các cơ quan chấp pháp khác, luật nội địa và quốc tế, ngoại giao, cũng như thương mại, du lịch, năng lượng và các nguồn tài nguyên”. Và theo ông, Trung Quốc có thể tăng hoặc giảm mức độ ngoại giao áp bức đó “tùy theo ý mình”.
Giáo sư Carl Thayer cũng dẫn ý kiến của Subhash Kapila, cựu tướng trong quân đội Ấn Độ, với nhiều kinh nghiệm trong vấn đề an ninh quốc gia, cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi một “Đại chiến lược”, nhằm đạt được 3 mục tiêu chính: nổi lên là một cường quốc tối thượng ở Tây Thái Bình Dương và sau đó là châu Á-Thái Bình Dương; trở thành đối trọng với Mỹ; và xóa sổ sự hiện diện số một của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Vũ Quý/Dân trí
Theo Diplomat