Nhè giờ ăn cơm để phát quảng cáo nhạy cảm

Sáng 29-9, Bộ VH, TT và DL đã phối hợp với TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Quảng cáo.

Phát biểu tại hội nghị, bà Ninh Thị Thu Hương (Phó Cục trưởng phụ trách Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH,TT&DL) cho biết, hiện nay nội dung quảng cáo một số sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đang không thể hiện đầy đủ các thông tin bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm quảng cáo.

Đặc biệt, là các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, bên cạnh đó một số sản phẩm quảng cáo cho các loại thực phẩm như: sữa, thức ăn dinh dưỡng có nội dung, hình ảnh phóng đại quá mức về tác dụng, gây ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng, nhất là trẻ em.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng phát sóng quảng cáo một số thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ nhạy cảm vào giờ ăn cơm, sinh hoạt gia đình của các gia đình. Quảng cáo rượu dưới 15 độ cồn và bia ngay sau bản tin giao thông gây phản cảm, ảnh hưởng đến tâm lý người tiếp nhận.

Quảng cáo trên internet đang thực sự bùng nổ và khó quản lý hơn. Ảnh: HOÀI AN.

“Hiện ở Việt Nam có hơn 7.000 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tập trung ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Tuy nhiên, trong 7.000 doanh nghiệp thì chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp thực sự thực hiện đầy đủ chức năng từ tư vấn chiến lược đến thực hiện các chiến lược quảng cáo”- bà Hương nói thêm.

Cũng theo bà Hương, hiện nay một số trang thông tin điện tử xuyên biên giới có doanh thu quảng cáo tại Việt Nam trong quá trình hoạt động không có quy trình kiểm duyệt tin, bài. Do vậy có nhiều nội dung không lành mạnh, xuyên tạc, phản động vẫn được đăng phát cùng với nội dung quảng cáo, gây ảnh  hưởng đến xã hội và hình ảnh doanh nghiệp.

Còn theo đại diện Sở VH,TT&DL Cần Thơ cho hay, hiện nay tình trạng các doanh nghiệp thực hiện việc treo băng rôn không đúng quy định, không đảm bảo mỹ quan, dựng bảng quảng cáo không đúng phối cảnh, không đúng kích thước, dựng trên nóc nhà, lấn chiếm lề đường, vỉa hè còn khá phổ biến.

Nhưng công tác thanh, kiểm tra tại các quận, huyện chưa được kịp thời. Nguyên nhân do việc quản lý, hậu kiểm tra trên địa bàn rộng nên khi doanh nghiệp thực hiện không đúng thông báo rất khó để phát hiện kịp thời.

“Hiện nay, các công ty du lịch họ quảng cáo hình ảnh Việt Nam trên các màn hình Led nhưng lại không có hình ảnh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khiến nhiều người dân bất bình. Tuy nhiên, theo quy định nếu nội dung phát trên ti vi, màn hình LCD không đúng với quy định thì doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm nên công tác quản lý cũng còn gặp nhiều khó khăn”- đại diện sở VH,TT&DL Cần Thơ cho biết.

Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Vương Duy Biên (Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL) cho biết sau 5 năm thực hiện Luật Quảng cáo, hoạt động quảng cáo ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực.

“Tôi đã đi nhiều quốc gia, tuy mỗi Châu lục có mỗi kiểu quảng cáo khác nhau, nhưng nhìn chung công tác quản lý quảng cáo ở các quốc gia này rất chuyên nghiệp, chúng ta cần phải học hỏi rất nhiều”- Thứ trưởng Vương Duy Biên nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm