Sáng 4-2, anh Li Zichao (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) được BV Chợ Rẫy TP.HCM cho xuất viện sau khi được điều trị khỏi bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới do virus Corona (nCoV) gây ra.
Nhiễm virus Corona, chữa khỏi rồi cần làm gì?
Trả lời thắc mắc của khá nhiều người rằng liệu anh Li Zichao có bị mắc bệnh trở lại? TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, nói: “Tôi không thể trả lời vì ngay cả thế giới cũng chưa trả lời được câu này”.
Theo BS Hùng, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sau khi các bệnh nhân nhiễm virus Corona điều trị khỏi và được ra viện thì vẫn phải tiếp tục cách y tại nhà, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày hoặc hơn.
“Trong thời gian này, nếu có biểu hiện bất thường như sốt, ho… người đó phải trở lại BV ngay” - BS Hùng lưu ý.
BS Hùng cho hay bệnh do virus Corona là bệnh mới nổi nên phải cẩn thận. Tới một thời điểm nào đó, khi có đủ bằng chứng khoa học thì các chuyên gia y tế sẽ công bố.
“Chẳng hạn giai đoạn đầu, không ai công bố bệnh do virus Corona có thể lây từ người qua người. Tuy nhiên hiện nay sau khi có bằng chứng khoa học rõ ràng thì thông tin trên đã được công bố” - BS Hùng nói thêm.
Anh Li Zichao (áo vàng) đã được điều trị khỏi bệnh do virus Corona. Ảnh: TRẦN NGỌC
Các bệnh nhân được chữa khỏi đều theo phác đồ điều trị chung?
Về câu hỏi: “BV Chợ Rẫy chữa khỏi một bệnh nhân Corona, BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa cũng điều trị khỏi một bệnh nhân mắc bệnh tương tự. Phải chăng cả hai BV thực hiện chung phác đồ điều trị?”.
BS Hùng cho biết tùy mỗi bệnh nhân mà áp dụng phương pháp điều trị bệnh khác nhau. Quan trọng là điều trị nâng đỡ thể trạng (chuyên ngành y tế gọi là điều trị hỗ trợ), đồng thời phát hiện những biến chứng sớm để xử lý, dự trù trước những biến chứng có thể xảy ra để kịp thời ngăn chặn.
"Một bệnh nhân có nhiều bệnh nền đi kèm như đái tháo đường, cao huyết áp, suy tim, suy mạch vành thì phải điều trị khác bệnh nhân không có bệnh nền đi kèm. Tuy nhiên, phương pháp điều trị từng bệnh nhân phải báo cáo ra Bộ Y tế từng ngày. Do vậy, cơ sở y tế này và cơ sở y tế khác đều biết những thông tin liên quan trong điều trị để trao đổi với nhau” - BS Hùng nói.
TS-BS Hùng cũng giải thích lý do 28 nhân viên y tế BV Chợ Rẫy không bị nhiễm virus Corona trong quá trình chăm sóc hai bệnh nhân người Trung Quốc là tất cả bác sĩ điều trị đều có thể truy cập vào hệ thống camera để xác định diễn tiến bệnh tình của bệnh nhân. Cạnh đó, trưởng hoặc phó khoa cũng quan sát qua camera để kiểm tra nhân viên y tế có thực hiện đúng quy trình phòng, chống nhiễm khuẩn hay không.
Nhân viên y tế vào phòng cách ly bệnh nhân nhiễm virus Corona lấy bệnh phẩm xét nghiệm. (Ảnh chụp qua màn hình)
“Nhân viên y tế sau khi vào phòng cách ly lấy mẫu bệnh phẩm phải thay đồ, khử khuẩn đúng quy trình. Tiếp theo, qua phòng khác tiến hành vệ sinh cá nhân trước khi ra khỏi phòng cách ly” - BS Hùng nói.
Nói về tình trạng hiện tại của ông Li Ding (66 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, cha anh Li Zichao), BS Hùng cho biết hiện tại ông này khỏe, đi lại bình thường.
Do ông Li Ding là ca mắc bệnh do virus Corona đầu tiên ở Việt Nam nên rất cẩn thận khi công bố hết bệnh hoặc không hết bệnh. Nhân viên y tế thường xuyên lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm để đánh giá từng chút thay đổi diễn tiến của bệnh.
“Điều đáng nói ông Li Ding lớn tuổi, có nhiều bệnh nền như đái tháo đường, suy tim, suy mạch vành, cao huyết áp. Đặc biệt ông còn bị u phổi đã phẫu thuật, do vậy chúng tôi phải theo dõi kỹ càng và ghi nhận lại tất cả diễn biến trong quá trình điều trị. Mọi thông tin liên quan điều trị ông Li Ding được chúng tôi xem như tư liệu để có thể chia sẻ với các đồng nghiệp trong và ngoài nước” - BS Hùng cho biết.
Hiện có nhiều người dùng dung dịch súc miệng để ngăn ngừa sự lây nhiễm virus Corona. Theo quan điểm và kinh nghiệm cá nhân của tôi, dung dịch súc miệng có tác dụng diệt các tác nhân gây bệnh như virus, vi trùng, nấm… nên mang lại hiệu quả khá cao. TS-BS LÊ QUỐC HÙNG, Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy |