Nhiều chủ quán nhậu ký cam kết với CSGT: Không để khách uống say vẫn lái xe

(PLO)- Hàng loạt quán nhậu trên địa bàn TP.HCM đã cam kết nhắc nhở khách hàng không lái xe sau khi đã uống rượu bia và treo băng rôn cho khách hàng dễ quan sát.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, các đội, trạm thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM đã liên tục đến các quán ăn nhậu trên địa bàn để vận động chủ quán treo băng rôn “Vì sức khỏe của chính bạn. Không lái xe sau khi uống rượu, bia” và cam kết nhắc nhở khách hàng không lái xe sau khi uống rượu bia.

Đội CSGT Tân Sơn Nhất dán băng rôn tuyên truyền ngay khu vực bàn nhậu. Ảnh: MINH VƯƠNG

Đội CSGT Tân Sơn Nhất dán băng rôn tuyên truyền ngay khu vực bàn nhậu. Ảnh: MINH VƯƠNG

Theo ghi nhận của PV, Đội CSGT Chợ Lớn đã phối hợp cùng Đội CSGT-TT quận 5, quận 10 tổ chức tuyên truyền tại các địa điểm kinh doanh ăn uống có sử dụng rượu, bia như: nhà hàng tiệc cưới, karaoke, quán ăn.

CSGT đã vận động các điểm kinh doanh ăn uống có sử dụng rượu, bia viết cam kết, treo banner với nội dung “không lái xe sau khi uống rượu bia” ngay trong quán và ở bãi giữ xe của quán.

Đội CSGT Chợ Lớn cho hay, bước đầu đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của các chủ quán.

Một chủ quán ăn trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 5 vui vẻ cho biết: “Quán của tôi cũng thấy được sự nguy hiểm của việc khách hàng sau khi uống rượu bia mà lái xe. Do đó, quán có ý định đặt banner để treo nhưng chưa kịp thực hiện thì các anh CSGT đã đến treo tại quán”.

Vị này khẳng định sẽ nhắc nhở khách hàng thường xuyên và dặn dò nhân viên trông xe của khách khuyến cáo khách hàng dùng xe ôm công nghệ, hoặc đưa xe cho người không uống rượu, bia chở về.

Trên địa bàn quận 5, quận 10, một số quán nhậu cho hay, có hỗ trợ khách hàng sau khi uống rượu bia bằng nhiều hình thức như: giữ xe qua đêm, hỗ trợ gọi grab, xe công nghệ cho khách về an toàn.

Trạm CSGT Tân Túc cho chủ quán nhậu ký cam kết. Ảnh: MINH VƯƠNG

Trạm CSGT Tân Túc cho chủ quán nhậu ký cam kết. Ảnh: MINH VƯƠNG

Còn theo Đội CSGT Tuần tra - Dẫn đoàn, qua khảo sát trên địa bàn của đội có khoảng gần 50 quán ăn nhà hàng, các điểm có kinh doanh rượu bia. Đội đã lần lượt đến các quán ăn trên tuyến đường Điện Biên Phủ để tổ chức tuyên truyền.

Qua kiểm tra, hầu hết quán ăn, nhà hàng đều treo băng rôn ở những nơi dễ quan sát, để nhân viên của quán cũng như hành khách đến ăn uống đều thấy.

Đội CSGT An Sương cũng thông tin đã làm tốt việc tuyên truyền nên nhiều chủ nhà hàng, quán ăn tự nguyện ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và trật tự an toàn giao thông.

Trong đó sẽ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành quy định không điều khiển xe tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia; không để xe lấn chiếm lòng lề đường.

Trạm CSGT Tân Túc thì cho biết qua thực tế, nhiều chủ quán ăn trên đường Đoàn Nguyễn Tuân (xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh) đều tỏ ra rất thích thú với băng rôn được CSGT yêu cầu được treo ngay trước cổng ra, vào quán.

Theo Phòng PC08, thực hiện cao điểm xử phạt vi phạm giao thông từ ngày 20-6 đến hết ngày 20-9, các đơn vị của phòng trực tiếp đến các nhà hàng, quán ăn, vũ trường, karaoke, các điểm có kinh doanh rượu, bia để tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở kinh doanh ký cam kết có các nội dung như: nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia; tổ chức treo băng rôn, banner với nội dung “Không lái xe sau khi uống rượu, bia” tại cơ sở kinh doanh.

Đồng thời kịp thời thông báo cho lực lượng CSGT gần nhất biết, xử lý nghiêm túc đối với các trường hợp đã sử dụng rượu bia những vẫn cố tình điều khiển phương tiện.

Ngoài ra, Phòng CSGT cũng phối hợp với chính quyền địa phương, Ban quản lý các khu công nghiệp để tuyên truyền cho công nhân các công ty và công nhân sinh sống ở các khu nhà trọ.

Hơn 10.000 vi phạm giao thông bị xử lý

Trong 10 ngày đầu tiên thực hiện cao điểm, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM đã lập biên bản xử lý 10.788 trường hợp vi phạm giao thông.

Trong đó có 1.369 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn; 135 trường hợp chở hàng quá tải; 23 trường hợp chở hàng quá khổ; 33 trường hợp vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe; 810 trường hợp vi phạm về tốc độ.

Tạm giữ: 45 xe ô tô, 1.801 xe mô tô và 19 phương tiện khác; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe đối với 1.470 trường hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm