Nhiều ĐBQH đề nghị giảm thuế VAT 2% đến hết 2024

(PLO)- Kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết năm 2024, thay vì hết năm 2023 để tiếp tục bồi dưỡng sức cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 1-6, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận tại hội trường về nhiều nội dung, trong đó có việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết 43/2022/QH15 và vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Nên kéo dài thời gian giảm VAT 2%

Phát biểu tại hội trường, đại biểu (ĐB) Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho rằng việc chỉ thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% trong sáu tháng cuối năm (từ ngày 1-7 đến 31-12) là quá ngắn, khó đạt được hiệu quả như mong đợi.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các đại biểu Quốc hội đề nghị giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024 để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Chính sách ban hành cũng cần một khoảng thời gian đủ để đảm bảo có thể hấp thụ, đưa vào cuộc sống… có như vậy chính sách mới đảm bảo sự ổn định, phát huy được hiệu quả tốt nhất” - ĐB Cường nói.

Cùng quan điểm, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho hay nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đang gặp khó khăn, trong đó có những DN lớn phải bán bớt tài sản mà bên mua lại là người nước ngoài. “Việc này rất đáng lo ngại. Chúng ta cần có chính sách nuôi dưỡng, hỗ trợ DN trong nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn” - bà Hoa nói và cho rằng phương án kéo dài thời gian giảm 2% VAT đến hết năm 2023 là quá ngắn, khó đạt hiệu quả, cần kéo dài chính sách đến hết năm 2025 hoặc ít nhất đến hết năm 2024.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay năm 2022, chính sách giảm và gia hạn các loại thuế, phí lên đến hơn 200.000 tỉ đồng, trong đó miễn gần 90.000 tỉ đồng và giãn, hoãn hơn 100.000 tỉ đồng với nhiều chính sách nổi bật như giảm thuế VAT xuống 8%, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu 50%… Năm 2023 dự kiến chính sách giảm và gia hạn lên tới hơn 195.000 tỉ đồng, trong đó miễn, giảm khoảng 74.000 tỉ đồng, còn gia hạn hơn 121.000 tỉ đồng.

Về lý do chỉ kéo dài giảm VAT 2% trong sáu tháng tới, ông Phớc cho hay phương án trình của Chính phủ về đối tượng, thời gian kéo dài sáu tháng đã được Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra và Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến. Mặt khác, Nghị quyết 43 của QH chỉ có hiệu lực đến hết năm 2023 và việc giảm theo như tờ trình cũng phù hợp với cân đối ngân sách.

Phát sinh thủ tục mới, DN… khốn cùng

ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa được như mong muốn. Ông Khải dẫn khảo sát của VCCI cho thấy 20% các địa phương đình trệ trong giải quyết công việc, các sở, ngành có xu hướng không làm gì trong năm 2022.

ĐB cũng nêu con số báo động khi năm 2022 có tới 143.000 DN rút khỏi thị trường; quý I-2023, số DN đóng cửa vượt số DN đăng ký mới.

“Phải chăng hàng ngàn thủ tục mới phát sinh đã góp phần không nhỏ đẩy hàng trăm ngàn DN đến cảnh khốn cùng như thế” - ông Khải nói và cho rằng những điều này sẽ làm lãng phí niềm tin của người dân và DN.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay hiện vấn đề phân cấp, phân quyền của đầu tư công đã triệt để, giao hết tất cả quyền cho các bộ, ngành và địa phương. “Nhiều ĐB cũng băn khoăn là tại sao cùng một mặt bằng pháp lý mà địa phương này, bộ kia triển khai tốt, tỉ lệ cao nhưng địa phương khác, ngành khác tỉ lệ lại thấp, tôi cho rằng chính là vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện” - ông Dũng nói.

Về khó khăn của DN, ông Dũng khẳng định đây là vấn đề mà Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thời gian qua cũng có rất nhiều chính sách để hỗ trợ DN và người dân như giảm lãi suất cho vay, điều kiện vay, giảm thuế, phí, lệ phí, xúc tiến mở rộng thị trường. “Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để chỉ đạo, có những biện pháp, chính sách mạnh hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn hỗ trợ ngay cho DN và người lao động để hỗ trợ nền kinh tế” - ông Dũng nói.

Vì sao cả triệu tỉ đồng bị “nhốt” ở ngân hàng

Giải trình câu hỏi của ĐBQH về 1 triệu tỉ đồng đang bị “nhốt” ở ngân hàng và 430.000 tỉ đồng chưa phân bổ vốn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thực tế tồn dư ngân sách là 1.043.000 tỉ đồng, hiện gửi Ngân hàng Nhà nước là 895.000 tỉ đồng, lãi suất 0,8%/năm, số còn lại gửi tại ngân hàng thương mại, gửi ngắn hạn.

“Số tiền này gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, tức nguồn này là nguồn nhàn rỗi tạm thời có trong dự toán được QH phê chuẩn, chẳng hạn như bố trí vào các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia... và nguồn có nhiệm vụ chi chi tiết. Còn tồn đọng là bởi chúng ta chưa giải ngân hết, chứ không phải là nguồn để phân bổ vào việc khác” - ông Phớc nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm