Ngày 10-9, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái đã có văn bản tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết thứ bảy (ngày 14-9-2024) để phòng, tránh mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra.
Sở GD&ĐT yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc sở trong thời gian nghỉ học không tổ chức các hoạt động giáo dục trong và ngoài trường để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, sức khỏe con người.
Trong thời gian học sinh nghỉ học, các đơn vị chủ động theo sát tình hình, ngay sau khi nước rút, huy động các lực lượng tập trung nhanh chóng vệ sinh trường, lớp, đồ dùng, thiết bị dạy học; thực hiện tiêu độc, tẩy trùng, phòng bệnh phát sinh, vệ sinh môi trường sau bão đảm bảo an toàn để đón học sinh đến trường.
Các đơn vị rà soát, điều chỉnh kế hoạch dạy học, phân công giảng dạy từ ngày 16-9-2024 đảm bảo theo khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến 6 giờ ngày 11-9, mưa lũ đã làm chết 38 người, mất tích 3 người và bị thương 17 người.
Sở GD&ĐT Phú Thọ vào tối 10-9 cũng thông báo cho học sinh nghỉ học. Theo đó, đối với các trường THPT, trường phổ thông có cấp THPT, các Trung tâm GDNN-GDTX, Trung tâm KTTH-HN tỉnh, Trung tâm GDTX tỉnh, các trung tâm giáo dục ngoài nhà trường sẽ cho học sinh nghỉ học từ hôm nay cho đến khi có thông báo mới. Các cấp còn lại do UBND huyện căn cứ tình hình quyết định.
Tại Thái Nguyên, mực nước sông Cầu tiếp tục dâng cao, nhiều khu vực bị ngập sâu đặc biệt là TP Thái Nguyên. Nhiều trường học bị gió bão làm tốc mái, đổ cây, gây ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, TP Thái Nguyên cho học sinh nghỉ học ngày 10 và 11-9.
Tại Lào Cai, thông tin từ Sở GD&ĐT, qua thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh có hơn 40 trường, điểm trường bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3. Nhiều trường học bị ngập trong nước lũ vì thế học sinh chưa thể tới trường.
Tại Hà Nội, sau bão số 3, mưa lớn tiếp tục diễn ra trên diện rộng gây ngập lụt nhiều nơi trên thành phố, để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhiều trường học chuyển sang dạy học trực tuyến từ hôm nay.
Trước thực tế trên, chiều 10-9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có công điện khẩn yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo đó, các Sở GD&ĐT phối hợp với các cơ quan y tế để khử trùng, làm vệ sinh trường lớp, phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão; đảm bảo điều kiện an toàn trường học, vệ sinh môi trường trước khi đón học sinh trở lại trường.
Thời gian mưa lâu, kéo dài làm cho đất ngấm nước bị mềm, yếu, nguy cơ gây sạt lở đất rất cao, cần chủ động rà soát, kiểm tra các công trình có nguy cơ mất an toàn để có phương án sửa chữa, khắc phục; cương quyết không đưa vào sử dụng các công trình không đảm bảo chất lượng, có nguy cơ đổ sập.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các địa phương lên kế hoạch và triển khai ngay việc sửa chữa cơ sở hạ tầng trường học, đặc biệt ưu tiên các hạng mục có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của giáo viên và học sinh; di dời học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học khỏi các khu vực bị hư hại nặng hoặc chưa an toàn.
Các trường cần rà soát hệ thống cây xanh, tường rào, cổng trường, có phương án tỉa cành, phòng chống sập tường, đổ cây. Đặc biệt, cần kiểm tra các điểm trường, các cơ sở giáo dục gần sông suối, gần khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để cảnh báo hoặc ngừng cho học sinh đến trường nếu mất an toàn.