Nhiều giải pháp về chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

(PLO)- Chính phủ cần hỗ trợ tài chính và chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững và kinh tế tuần hoàn.

Ngày 17-12, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM)-ICED tổ chức hội thảo Giải pháp về chuyển đổi số thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững và kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong lĩnh vực thương mại bán lẻ tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo Giải pháp về chuyển đổi số thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại bán lẻ tại Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã đưa ra một số rào cản trong áp dụng chuyển đổi số thúc đẩy tiêu dùng bền vững và KTTH trong lĩnh vực bán lẻ.

Cụ thể, chi phí đầu tư công nghệ lớn, việc lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp đòi hỏi sự tham gia của chuyên gia tư vấn, gây áp lực tài chính lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, chi phí bảo trì và nâng cấp, các hệ thống công nghệ cần duy trì và cải tiến định kỳ sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ thiếu nguồn lực tài chính dài hạn.

Hơn nữa, vấn đề bảo mật dữ liệu cũng là một trong những rào cản khi áp dụng chuyển đổi số thúc đẩy tiêu dùng bền vững và KTTH.

"Theo báo cáo từ Trung tâm Viễn thông Quang Trung, trong 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 5.000 vụ tấn công mạng, tăng 40% so với năm trước với nhiều vụ tấn công vào các cơ sở quan trọng.

Việc sử dụng nền tảng và công nghệ do bên thứ ba cung cấp, đặc biệt là các công ty nước ngoài, có thể dẫn đến rủi ro về việc họ thu thập hoặc phân tích hành vi khách hàng của doanh nghiệp. Chi phí xây dựng hệ thống bảo mật toàn diện đòi hỏi chi phí lớn và sự hợp tác chặt chẽ với đối tác công nghệ để ngăn chặn các mối đe dọa như hacker và rò rỉ thông tin" - TS Nguyễn Thị Thúy Hạnh nói.

Để giải quyết những khó khăn trên, ICED đã đề xuất nhiều giải pháp về chuyển đổi số thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững và KTTH trong lĩnh vực thương mại bán lẻ tại Việt Nam.

Trong đó, doanh nghiệp cần có chiến lược triển khai công nghệ hợp lý, từ giải pháp đơn giản đến công nghệ phức tạp, đảm bảo tính đồng bộ và tích hợp giữa các hệ thống công nghệ, các công nghệ cơ bản như POS (điểm bán hàng), thương mại điện tử là bước khởi đầu.

Chính phủ cần hỗ trợ tài chính và chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng hạ tầng công nghệ vững chắc (máy chủ, điện toán đám mây, bảo mật) để xử lý dữ liệu và tối ưu hóa hoạt động. Tích hợp các hệ thống như quản lý khách hàng, tồn kho và thanh toán phải kết nối liền mạch để tăng hiệu quả và giảm sai sót. Đầu tư hạ tầng công nghệ giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững...

Góp ý tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng ICED đánh giá lĩnh vực kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi, ứng dụng và vận hành các mô hình kinh doanh tuần hoàn, công nghệ phát thải thấp và công nghệ sạch. Do đó cần có các chính sách và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, trong quá trình chuyển đổi sang KTTH.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng ICED. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Theo đề án phát triển KTTH tại Việt Nam, các mục tiêu cụ thể được đặt ra nhằm nâng cao nhận thức và đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào KTTH. Để đạt được điều đó, các giải pháp bao gồm tăng cường đối thoại công-tư về phát triển KTTH dựa trên việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tìm hiểu nhu cầu và vấn đề của doanh nghiệp để có các giải pháp và hỗ trợ phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới