Nhiều góp ý về việc giao dịch bất động sản buộc phải qua sàn

(PLO)- Có nhiều nội dung góp ý của các đại biểu trong hội thảo rất thực tế và ban soạn thảo dự thảo Luật kinh doanh bất động sản cần tổng hợp, tiếp thu, rà soát thật kỹ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi chiều 30-9 tại TP.HCM do Bộ Xây dựng chủ trì, nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc dự thảo quy định giao dịch bất động sản (BĐS) phải thông qua sàn giao dịch.

Có nên bắt buộc giao dịch qua sàn?

“Điều 60 trong dự thảo luật chỉ nên là khuyến khích chứ không nên bắt buộc vì khách hàng có quyền chọn mua BĐS trực tiếp từ chủ đầu tư hay qua sàn. Nếu bắt buộc qua sàn giao dịch BĐS thì dễ dẫn đến tình trạng độc quyền” - ông Phạm Văn Luận - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ phát biểu trong hội thảo.

Theo ông Luận, nếu phải thông qua sàn môi giới thì cần phải quy định chi tiết hơn như tăng cường quản lý nhà nước, tiêu chuẩn thành lập sàn giao dịch, đặc biệt là sàn điện tử…

Phân tích thêm về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, Luật Kinh doanh BĐS năm 2006 bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn, đến năm 2014, cũng Luật Kinh doanh BĐS đã bãi bỏ quy định trên.

“Bất ngờ là đến nay lại đề xuất bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch. Chúng tôi tiếp tục kiến nghị bỏ vì không phù hợp. Doanh nghiệp có quyền tự chủ kinh doanh, lựa chọn thị trường và khách hàng cũng vậy” - ông Châu nói.

Theo ông Châu, nên để khách hàng và thị trường tự sàng lọc. Đơn cử như ở Mỹ, họ không bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn nhưng hầu hết khi mua bán BĐS đều thông qua các văn phòng môi giới này.

Điều này xuất phát từ nhu cầu các bên, minh bạch một cách tự nguyện, tính chuyên nghiệp hóa của họ cũng rất cao, làm gì cũng phải có chứng chỉ hành nghề.

“Chúng ta nên xem xét vì sao trước đã bãi bỏ nay lại bắt buộc. Tất nhiên, sàn giao dịch BĐS là một bộ phận không thể thiếu nhưng nếu muốn sàn giao dịch trưởng thành thì đề nghị phải có mã số định danh cho người hành nghề môi giới” - ông Châu kiến nghị.

Ngược lại, một công ty môi giới BĐS trong hội thảo nêu quan điểm ủng hộ các giao dịch BĐS phải thông qua sàn môi giới.

“Ngoài ra, mẫu hợp đồng kinh doanh dịch vụ BĐS nên là mẫu tham khảo chứ không bắt buộc vì hợp đồng là tự nguyện giữa các bên nên không cần cứng nhắc. Các bên nên tự thỏa thuận miễn là không trái quy định pháp luật” - đại diện công ty môi giới nói.

Toàn cảnh hội thảo chiều 30-9 tại TP.HCM. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Toàn cảnh hội thảo chiều 30-9 tại TP.HCM. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Nhiều vấn đề liên quan cần góp ý dự thảo

Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Nghị cho rằng có nhiều nội dung góp ý của các đại biểu trong hội thảo rất thực tế và ban soạn thảo dự thảo cần tổng hợp, tiếp thu, rà soát thật kỹ các nội dung được góp ý.

Ông Nghị cho biết có các vấn đề được đại biểu quan tâm. Thứ nhất là liên quan đến chuyển nhượng dự án BĐS, ví dụ như điều kiện chuyển nhượng cần nghiên cứu cho thuận lợi và phù hợp thực tiễn và khả thi, rồi khi nhận chuyển nhượng dự án thì thời hạn thực hiện dự án có cần điều chỉnh không…

“Thứ hai liên quan đến giao dịch qua sàn, đây là việc thể chế hóa Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng với mong muốn là thị trường BĐS minh bạch, công khai. Chúng ta tiếp tục nghiên cứu theo hình thức nào cho phù hợp, có phương án để làm rõ các băn khoăn của các đại biểu về vấn đề này” - ông Nghị nói.

Nội dung thứ ba là việc quy định về các hình thức BĐS mới (như condotel, officetel…), chúng ta cần nghiên cứu tiếp thu để có quy định cho rõ, để quản lý, vừa quản lý vừa tạo điều kiện để phát huy những mặt tích cực của các hình thức này.

Thứ tư, theo Bộ trưởng Xây dựng là nguyên tắc áp dụng pháp luật, như ban hành văn bản pháp luật thì phải thống nhất đồng bộ giữa các luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm