Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói về quy định thời hạn sở hữu chung cư

(PLO)- Các doanh nghiệp đều muốn Bộ Xây dựng không quy định sở hữu chung cư có thời hạn trong Luật Nhà ở sắp tới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Đây là vấn đề lớn, rất lớn nên Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục lắng nghe và bàn bạc kỹ lưỡng và thận trọng về quy định thời hạn sở hữu chung cư" - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết tại hội nghị góp ý dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi ngày 30-9 tại TP.HCM.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao. Ảnh VH

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao. Ảnh VH

Tại dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, về thời hạn sở hữu căn hộ chung cư, Bộ Xây dựng đưa ra hai phương án hoặc giữ nguyên như hiện hành hoặc quy định có thời hạn sở hữu. Đây là vấn đề được đa số doanh nghiệp, chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh phía Nam quan tâm.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp lớn như Novaland, Hưng Thịnh hay như Tập đoàn Hàn Quốc Lotte cũng đề xuất Bộ Xây dựng giữ nguyên quy định hiện hành là sở hữu chung cư vô thời hạn.

Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, việc này Bộ Xây dựng phải xem xét rất kỹ lưỡng. Ông Nghĩa cho rằng, có ba loại quyền liên quan đến căn hộ chung cư: quyền sử dụng, quyền sở hữu căn hộ và quyền sử dụng đất. Ba loại quyền này phải được thiết kế như thế nào và bằng giải pháp rõ ràng.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa nói về quy định sở hữu chung cư có thời hạn. Ảnh VH

Luật sư Trương Trọng Nghĩa nói về quy định sở hữu chung cư có thời hạn. Ảnh VH

Ông Nghĩa cho rằng, trước khi đưa ra quy định này thì cần phải nghiên cứu xem thực chất nhu cầu sở hữu chung cư có thời hạn đối với người dân cũng như các đối tượng mua nhà chung cư (như người nước ngoài) như thế nào.

Nếu việc quy định thời hạn sở hữu là của đại đa số và đỏi hỏi phải có một quy định riêng thì nên thiết kế còn nếu chỉ là một phạm vi nhỏ thì chỉ cần áp dụng như quy định hiện hành là đủ.

Nếu đặt ra thời hạn sở hữu để đảm bảo an toàn cho chủ sở hữu căn hộ thì ông Nghĩa cũng cho rằng cần phải có giải pháp cụ thể đi kèm. Chẳng hạn, đối với nhà phố thì sau 30 năm căn nhà xuống cấp thì chủ nhà cũng phải bỏ tiền ra sửa chữa. Đối với căn hộ chung cư cũng thế, sau thời gian dài sử dụng căn hộ xuống cấp thì chủ sở hữu cũng phải bỏ tiền ra để sửa chữa.

Ở nước ta, việc mua căn hộ có quyền sử dụng đất đi liền với quyền sở hữu khiến người dân mới lựa chọn nhà chung cư và rất yên tâm để mua căn hộ. Người mua nhà cũng hiểu khi chung cư xuống cấp phải xây dựng lại thì việc có quyền sử dụng đất gắn liền với quyền sở hữu sẽ là điều kiện để người dân được quay trở về ở lại chỗ cũ khi đã xây dựng lại.

Vì vậy, ông Nghĩa cho rằng không nhất thiết phải tách rời quyền sở hữu và quyền sử dụng mà có thể tồn tại song song, không nên xóa quyền sở hữu khi căn hộ hết thời hạn.

Nếu quy định sở hữu có thời hạn thì cũng phải đi kèm các giải pháp cụ thể. Chẳng hạn như chung cư chỉ có thời hạn 20 năm thì sau khi hết 20 năm, người mua phải trả lại trả lại cho chủ đầu tư. Khi chủ đầu tư xây dựng, mua bán cũng phải đi công khai minh bạch thời hạn và giá tiền cũng phải tương ứng với thời gian sở hữu.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa đề nghị, đây là vấn đề có phạm vi ảnh hưởng lớn, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, điều tra xã hội học thật kỹ rồi mới bàn bạc, thảo luận để cân nhắc nên hay không nên quy định thời hạn sở hữu chung cư.

Chuyên gia Sử Ngọc Khương góp ý tại hội nghị. Ảnh VH

Chuyên gia Sử Ngọc Khương góp ý tại hội nghị. Ảnh VH

Đồng tình với quan điểm của nhiều doanh nghiệp và chuyên gia, TS Sử Ngọc Khương cho rằng, cần phải có lộ trình để quy định việc sở hữu chung cư có thời hạn. Theo TS Khương, hiện nay vấn đề này đã được áp dụng trên nhiều quốc gia nhưng nếu hỏi ý kiến của người dân ở nước ta thì đa số người dân sẽ không đồng ý.

TS Khương đề nghị, về vấn đề này, nhà nước cần có lộ trình, có thể sau năm 2030 mới quy định hoặc chỉ quy định đối với các chung cư từ sau từ thời điểm đó trở về sau...

Bộ Trưởng Nguyễn Thanh Nghị ghi nhận và tiếp thu ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, chuyên gia. Ông cho rằng, Bộ Xây dựng sẽ rất thận trọng khi xem xét vấn đề này. "Việc quy định phải tuân thủ hiến pháp, thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, đảm bảo thể chế cho được cái chủ trương nghị quyết của Đảng và Nhà nước" - ông Nghị nói.

Theo ông Nghị, tại sao đưa ra quy định này thì phải quay trở lại mục tiêu quy định như vậy để giải quyết cái gì?. "Phải nghiên cứu tách bạch hay kết hợp cái quyền này như thế nào? Hay chúng ta tiếp tục nghiên cứu xem là thời hạn sở hữu hay thời hạn sử dụng? Nội dung này chúng tôi sẽ ghi nhận tất cả và sẽ trao đổi thật kỹ, thận trọng về việc này?" - ông Nghị nói.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, việc đưa ra thời hạn sở hữu chung cư vì hiện nay nhà nước đang gặp khó khăn trong việc cải tạo, xây mới các chung cư cũ đã xuống cấp.

Nhiều chung cư mới 30-40 năm đã xuống cấp và đa số là các chung cư từ 8-10 tầng nên rất nguy hiểm. Trong khi đó, xu hướng hiện nay các chung cư sẽ xây cao 30-40-50 tầng. "Việc quy định thời hạn sở hữu chung cư sẽ tác động đến các doanh nghiệp bất động sản nhưng cần phải nhìn ở góc độ an toàn cho người dân" - ông Sinh nói.

Thêm vào đó, ông Sinh còn cho rằng, ở các nước trên thế giới đều quy định về tuổi thọ và thời hạn sở hữu công trình. Vì vậy, Bộ Xây dựng muốn đưa ra quy định này và sẽ lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu các góp ý để cân nhắc xem xét khi soạn thảo Luật Nhà ở sửa đổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm