Nhiều ngành đại học xét tuyển bổ sung lên đến 9 điểm/môn

(PLO)- Trong các ngành có điểm sàn xét tuyển bổ sung cao nhất hiện nay, không ít ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên ở một số trường đại học tại các tỉnh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tính đến thời điểm này, cả nước có khoảng hơn 90 cơ sở đào tạo đại học (ĐH) thông báo tuyển sinh bổ sung cho các ngành ĐH chính quy.

Các phương thức tuyển bổ sung khá đa dạng, như xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, xét kết quả học bạ, sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM…

Nhìn chung, mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển đều ở mức trung bình, chủ yếu từ 15-18 điểm, theo tổ hợp 3 môn xét tuyển.

Cá biệt, có những ngành học nhận xét tuyển bổ sung với mức điểm sàn rất cao, trên 24 điểm, thậm chí trên 27, 28 điểm. Với mức điểm này, thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024 phải đạt ít nhất từ 9 điểm/môn mới có thể đăng ký xét tuyển bổ sung.

Xét tuyển bổ sung đại học chính quy
Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: HCMUE

Cụ thể, thông báo của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), trường xét tuyển bổ sung cho 31 ngành học theo 2 phương thức, thời hạn nhận hồ sơ đến ngày 9-9.

Trong đó, với xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trường nhận hồ sơ từ 15-28,58 điểm. Dẫn đầu là ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lí.

Theo trường, có 6 ngành xét bổ sung với điểm rất cao đều là nhóm ngành đào tạo giáo viên. Lý do, chỉ tiêu tuyển bổ sung rất ít, chỉ 2-3 thí sinh và trường chỉ nhận hồ sơ của những thí sinh có hộ khẩu Thanh Hóa theo diện đào tạo đặt hàng của tỉnh. Các ngành còn lại chỉ từ 15-16 điểm.

Còn ở phương thức xét điểm học bạ, trường nhận hồ sơ xét cho 23 ngành học, điểm nhận xét tuyển từ 16,5-21.

Điểm xét tuyển từng ngành như sau:

xet-tuyen-bo-sung-dai-hoc (1).JPG
xet-tuyen-bo-sung-dai-hoc (2).JPG

Tương tự, theo thông báo mới nhất của Trường ĐH Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), trường xét tuyển bổ sung cho 6 ngành học với chỉ tiêu dự kiến gần 100 thí sinh. Trường nhận hồ sơ đến ngày 6-9.

Trường cũng xét theo 2 phương thức là điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và kết quả học bạ THPT.

Đặc biệt, trong đó có đến 4 ngành nhận xét tuyển bổ sung với điểm số rất cao ở cả 2 phương thức và đều là nhóm ngành đào tạo giáo viên, gồm giáo dục mầm non (ngành bậc ĐH và CĐ), giáo dục tiểu học và sư phạm Toán học.

Điểm xét tuyển từ 24,68-26,88 với điểm thi tốt nghiệp THPT và từ 25,09-27,53 điểm với xét học bạ.

Cụ thể như sau:

xet-tuyen-bo-sung-dai-hoc (3).JPG

Còn với Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội), trường tuyển bổ sung cho 14 ngành học và theo ba phương thức.

Với xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, điểm sàn nhận hồ sơ của trường đều ở mức cao. Không tính 2 ngành có môn nhân hệ số 2 (ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Nhật), các ngành còn lại điểm xét tuyển từ 19-26,62 điểm.

Dẫn đầu trong các ngành là Truyền thông đa phương tiện, kế đến là Luật kinh tế với 25,8 điểm ở tất cả tổ hợp (A00, A01, C00, D01), ngành Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh…

Chi tiết điểm từng ngành như sau:

xet-tuyen-bo-sung-dai-hoc (4).JPG
xet-tuyen-bo-sung-dai-hoc (5).JPG

Một số trường khác cũng có điểm nhận hồ sơ khá cao như Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Công nghệ kỹ thuật Cần Thơ, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Lương Thế Vinh…

Còn tại TP.HCM, hiện có hơn 10 trường ĐH thông báo tuyển bổ sung. Những đơn vị cần tuyển nhiều chỉ tiêu chủ yếu là trường ngoài công lập như Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM…

Mức điểm nhận hồ sơ của các trường chỉ ở mức trung bình, từ 15-18 điểm, ngoại trừ nhóm ngành sức khỏe do phải đạt điểm sàn theo quy định của Bộ GD&ĐT nên sẽ có điểm cao hơn.

Theo kế hoạch điều chỉnh của Bộ GD&ĐT, thời gian gia hạn xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Bộ đến 17 giờ ngày 31-8 thay vì đến 17 giờ ngày 27-8 như trước đó.

Việc này nhằm tạo điều kiện cho những thí sinh gặp khó khăn khi xác nhận hoặc gặp trục trặc, sai sót khi thực hiện xác nhận nhập học trên hệ thống.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2024 có 733.652 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH và CĐ ngành Giáo dục mầm non. Sau quá trình lọc ảo, cả nước có 673.586 thí sinh trúng tuyển ĐH chính thức trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, tính đến 17 giờ ngày 27-8, chỉ có 551.479 thí sinh xác nhận nhập học (đạt 81,87%). Với số liệu này, có đến hơn 122.000 thí sinh trúng tuyển nhưng từ chối nhập học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm