Sáng 27-2, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức hội thảo về tác động của các quy định mới trong Nghị định 99/2022 quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm.
Đông đảo ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đã trao đổi những vấn đề liên quan đến đăng ký giao dịch bảo đảm khi thực hiện nhận thế chấp tài sản.
Nhiều quy định mới
Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, cho biết trên cơ sở kế thừa các quy định tại Nghị định 102/2017 thì Nghị định 99/2022 đã bao quát được những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trong đăng ký giao dịch bảo đảm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng (trái) và ông Nguyễn Hồng Hải (giữa), hai Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, giải đáp thắc mắc của nhiều tổ chức tín dụng. Ảnh: THẾ GIANG |
Một số điểm mới về đăng ký giao dịch bảo đảm liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng có thể kể đến như bổ sung đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm là một trong các trường hợp đăng ký; quy định cụ thể hơn đăng ký bao gồm cả đăng ký thay đổi, xóa đăng ký.
Đối với các trường hợp đăng ký theo thẩm quyền, để minh bạch, thuận lợi trong đăng ký biện pháp bảo đảm theo từng loại tài sản, Nghị định 99/2022 đã bổ sung quy định về các trường hợp đăng ký thuộc thẩm quyền của văn phòng đăng ký đất đai (thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất…), Cục Hàng không Việt Nam (thế chấp, cầm cố máy bay, bảo lưu quyền sở hữu bay…), Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam (thế chấp, bảo lưu quyền sở hữu tàu biển), trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản (thế chấp động sản, cầm cố, đặt cọc, ký cược…).
Nghị định 99/2022 cũng bổ sung thêm quy định khi xóa đăng ký giao dịch bảo đảm thì thời điểm chấm dứt hiệu lực là khi cơ quan đăng ký ghi nội dung vào sổ đăng ký hoặc cập nhật vào cơ sở dữ liệu.
Ngoài ra, liên quan đến quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến, nghị định mới đã tách bạch về chức năng, cơ chế quản lý, sử dụng đối với “tài khoản đăng ký trực tuyến” và “mã số sử dụng cơ sở dữ liệu”.
Còn theo quy định cũ thì tài khoản đăng ký trực tuyến và mã số sử dụng cơ sở dữ liệu được cơ quan có thẩm quyền cấp chung trong một tài khoản và phần mềm cho phép tất cả người dùng sử dụng tài khoản để tra cứu, tìm kiếm thông tin.
Thuận tiện khi xử lý tài sản thế chấp
Nhiều vấn đề được bộ phận pháp chế, bộ phận xử lý nợ của các ngân hàng đặt ra cho lãnh đạo Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.
Theo đó, một trong các vấn đề được nhiều đơn vị quan tâm là quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định 99/2022 về đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm.
Hành lang pháp lý vững chắc
Nghị định 99/2022 có phạm vi điều chỉnh rất rộng vì điều chỉnh tất cả tài sản trong xã hội trong phạm vi đăng ký biện pháp bảo đảm.
Trong quá trình xây dựng nghị định, Bộ Tư pháp và các cơ quan chuyên môn đã cố gắng tối đa để các điều luật đầy đủ, có sự phối hợp giữa các cơ quan với nhau, tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm.
Ông NGUYỄN HỒNG HẢI,
Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm
Ông Hải cho biết việc đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm là một điểm mới khi mà một tài sản được dùng để đảm bảo cho nhiều nghĩa vụ (có nhiều chủ nợ) thì bên nhận bảo đảm nên đi đăng ký. Bởi lẽ khi đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm thì các chủ nợ khác có thể biết tài sản đang được bảo đảm cho nghĩa vụ khác.
Việc đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm là không bắt buộc và được thực hiện khi có yêu cầu. Tuy nhiên, việc đăng ký thông báo là cần thiết đối với các tài sản có nhiều chủ nợ, để thuận tiện trong việc kiểm tra thông tin, xử lý các tài sản thế chấp. Các văn bản hiện nay cũng không quy định đăng ký thông báo trong giai đoạn nào của việc xử lý tài sản bảo đảm.
Ngoài ra, những vấn đề về việc đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản gắn liền với đất cũng được thảo luận sôi nổi.
Ông Nguyễn Hồng Hải nhận định đây là vấn đề phức tạp và nằm ngoài sự điều chỉnh của Nghị định 99/2022 bởi có sự tham gia của nhiều cơ quan có thẩm quyền khác liên quan.
Một phần là do các cơ quan đăng ký đất đai chưa hiểu đúng về các quy định mới trong Nghị định 99/2022 dẫn đến việc áp dụng rập khuôn và gây cản trở đối với quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm.
Mặt khác, việc xác định quyền đối với các tài sản gắn liền với đất, đặc biệt là bất động sản hình thành trong tương lai đòi hỏi sự kết hợp của nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác nhau. Quyền của bên nhận bảo đảm đối với các tài sản này thường bị đe dọa và không được đảm bảo.
Bổ sung nghĩa vụ bảo đảm: Đăng ký mới hay đăng ký thay đổi?
Liên quan đến vấn đề đăng ký giao dịch bảo đảm khi bổ sung nghĩa vụ bảo đảm theo quy định cũ tại Nghị định 102/2017 có đưa ra nhiều tình huống cụ thể. Tuy nhiên, Nghị định 99/2022 đã quy định chung vào Điều 18 về đăng ký thay đổi.
Theo đó, trong trường hợp hợp đồng đảm bảo ban đầu đã đăng ký mà không có điều khoản bảo đảm cho các nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì khi bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm mới cần đăng ký thay đổi.
Nghị định 99/2022 đưa ra hai cơ chế để xử lý trong trường hợp này. Một là thực hiện đăng ký thay đổi; hai là nếu có yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm mới thì cơ quan có thẩm quyền vẫn thực hiện.
Đối với cơ chế đăng ký thay đổi thì khi điền phiếu yêu cầu chỉ kê khai những thông tin sửa đổi, bổ sung chứ không cần kê khai lại như cũ.
Bà NGUYỄN THỊ THU HẰNG, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký
quốc gia giao dịch bảo đảm