Nhiều tên nước ngoài đố mà đọc nguyên gốc được

Đầu tiên với luận điểm tác giả cho rằng "học sinh đủ thông minh để nhớ và tiếp cận ngôn ngữ nước ngoài nên người soạn sách không cần phải băm nát các từ ra như thế" thì xin mời tác giả và tất cả bạn đọc cứ để nguyên tên gốc mà đọc. Chẳng hạn tôi lấy ví dụ nhà văn lỗi lạc của Nga "Алекса́ндр Серге́евич Пу́шкин", hoặc phiên âm sang tiếng Anh sau đó hướng dẫn cho con em của mọi người cách đọc của tên đó xem.

Tiếp tục làm vậy với khoảng một chục từ khác và sau đó hỏi lại các em. Tôi chắc chắn rằng với một học sinh có năng lực ngoại ngữ ở mức trung bình sẽ gặp rất nhiều khó khăn với việc nhớ được hết các tên riêng địa danh, người nước ngoài như trên và nhất là các em học sinh bậc phổ thông.

Mặt khác, nhìn trên thực tiễn tôi nhận thấy chính chúng ta - những người lớn, kể cả những người có một chút kiến thức về ngoại ngữ - cũng không nhất quán trong việc phát âm các tên nước ngoài, mỗi người một kiểu. Việc "Việt hóa" các tên riêng này hay việc Latin hóa các tên nước ngoài hóa khác như Jackie Chan, Lee Byung Hun,... hay thậm chí chính cái tên Aleksandr Sergeyevich Pushkin mà tác giả đưa ra hoàn toàn là vì lý do tiện cho việc đọc. 

Một cái tên của nền văn hóa khác khi được đưa sang nền văn hóa Việt thì phải "nhập gia tùy tục", phải được Việt hóa để dễ dàng tiếp cận với nền văn hóa Việt. Ngược lại, khi người Việt lại giao lưu với nền văn hóa khác, tôi lấy ví dụ là Mỹ, thì sẽ phải gọi nhà văn Nga trên là ông "Aleksandr Sergeyevich Pushkin", sang Nga lại phải gọi là "Алекса́ндр Серге́евич Пу́шкин" và về Việt Nam thì gọi là Pu-skin.

Điều thứ hai tác giả Gia Nghi nói "áp đặt cách phát âm tên nước ngoài theo tiếng Việt của người viết sách" là hoàn toàn sai. Sau một thời gian dài tranh cãi, các giáo sư đầu ngành nghiên cứu về ngôn ngữ học cuối cùng cũng đi đến nhất trí để trình Chính phủ và hình thành nên tiêu chuẩn Việt Nam về việc phiên chuyển tên riêng nước ngoài sang tiếng Việt. Mời tác giả bài viết và bạn đọc tham khảo cuốn sách "Lịch sử và thực tiễn phiên chuyển tên riêng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt" được giới thiệu qua trang web: http://www.bachkhoatoanthu.gov.vn/newsdetail.aspx?param=E3B0aWQ9NjImZ3JvdXBpZD0wMjAy.

Chi tiết về cách tra cứu các phiên âm nước ngoài bao gồm các địa danh & tên riêng có thể được tra cứu tại mục Tham khảo tra cứu phiên âm tiếng nước ngoài của từ điển Bách khoa toàn thư: http://www.bachkhoatoanthu.gov.vn/news.aspx?param=E5E0Z3JvdXBpZD0wNSZwYXJlbnRncm91cD0=.

Lê Đại Hoàng (lehoang...@gmail.com)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm