Nhiều thành tích bất ngờ tại VKS Cấp cao tại Đà Nẵng

Trong dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập ngành kiểm sát nhân dân vừa qua VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã nêu ra nhiều thành tích nổi bật
Theo đó để thuận tiện cho việc nghiên cứu, giải quyết án, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng liên tục cập nhập thông tin mới nhất về án lệ do Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành tại trang web: https://vksndcc2.gov.vn.
Ngoài ra, để rút kinh nghiệm chung cho các bộ, công chức, Viện còn công khai tất cả những thông báo rút kinh nghiệm trong quá trình xét xử lên trang web trên. Đây cũng là cách để các VKS, tòa án địa phương trong khu vực tiếp cận để tránh sai sót trong công tác chuyên môn.

Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng Phạm Văn Cần

Qua năm năm triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014, cơ quan này đã đạt được nhiều kết quả. 
Cụ thể, viện thụ lý 7.390 đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại và lao động, trong đó, 26 đơn do cơ quan Đảng, Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyển đến.
Viện đã nghiên cứu giải quyết 6.793 đơn, phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng trong công tác xét xử và áp dụng pháp luật của tòa án cấp dưới.
Để khắc phục tình trạng trên, viện đã ban hành 669 kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm ở tất cả các loại án.
Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp theo trình tự phúc thẩm, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã thụ lý kiểm sát việc giải quyết 3.595 vụ, đã kiểm sát việc xử lý, giải quyết 3.270 vụ đạt tỷ lệ 90,96%.
Viện đã giải quyết nhiều vụ án tham nhũng, buôn lậu phức tạp như vụ Trịnh Thị Hoa và vụ Nguyễn Ngọc Tĩnh cùng phạm tội tham ô tài sản; vụ Trương Huy Liệu phạm tội buôn lậu; vụ Trương Thị Tính phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kịp thời phát hiện nhiều bản án chưa có hiệu lực pháp luật, vi phạm trong áp dụng pháp luật về nội dung và tố tụng nên đã ban hành tổng cộng 180 kháng nghị theo trình tự phúc thẩm trong các lĩnh vực.
Cơ quan này đã ban hành 220 kiến nghị các loại, 277 thông báo rút kinh nghiệm, tổ chức ba hội nghị chuyên đề cấp khu vực, bốn hội nghị tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ của cán bộ công chức trong đơn vị.
Với những thành tích đã đạt được, năm 2015, đơn vị được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; năm 2016, 2017, 2018 được tặng Cờ thi đua Ngành KSND. Đặc biệt trong năm 2019, viện vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất.
 

Quá trình phát triển của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng

Sau khi Miền Nam được giải phóng, năm 1975, VKSND Tối cao cử một đoàn cán bộ gồm năm người vào khu Trung Bộ thuộc khu ủy khu V để liên hệ phối hợp với các cơ quan ban ngành, chuẩn bị thành lập ngành kiểm sát khu Trung Trung Bộ.

Ngày 20-4-1976 Chính phủ Cách Mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam có Nghị định số 08/BTP thành lập VKSND phúc thẩm tại Đà Nẵng.

Viện trưởng VKSND Tối cao có quyết định số 128/TC ngày 7-8-1976 tiếp nhận và thành lập VKS xét xử phúc thẩm 2 thuộc VKSND Tối cao tại Đà Nẵng, đồng thời cử ông Nguyễn Đình Khang giữ chức vụ Quyền Viện trưởng.

VKS xét xử phúc thẩm 2 có chức năng nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trên địa bàn tám tỉnh Miền Trung gồm: Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Yên, Gia Lai - KonTum, Đăk Lăk, Lâm Đồng và Thuận Hải.

Năm 2003 Viện trưởng VKNSD tối cao có quyết định đổi tên đơn vị thành Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng. Phạm vi hoạt động gồm 12 tỉnh, TP tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.

Viện đã kết hợp chặt chẽ với Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử lý nghiêm minh các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia như: Phan Lữ, Tống Châu Khang, Linh mục Nguyễn Văn Lý và các vụ án về tham nhũng lớn như vụ Anh Hồng Phước, Công ty ôtô số 3 Bình Trị Thiên, Phạm Minh Thông, Công ty hợp doanh Quảng Nam - Đà Nẵng…

Đến năm 2015 VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng chính thức được thành lập. Viện được giao thêm nhiệm vụ mới là tiếp nhận, thụ lý và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm và tái thẩm đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh và cấp huyện.        

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm