Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào sáng nay 18-4, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đã đặt câu hỏi: “Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ học viên trung tâm cai nghiện trốn trại, phá trại gây mất trật tự an ninh ở địa phương, đâu là nguyên nhân, giải pháp giải quyết tình trạng này?”.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay tính hiện cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với cùng kỳ năm 2015. Hiện có khoảng 40.000 người nghiện đang cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện…
Về việc liên tiếp xảy ra các vụ học viên phá trại cai nghiện (như ở Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Hải Phòng…), Bộ trưởng Dung cho hay: Trước hết là do phần lớn học viên cai nghiện vào trại cai nghiện là do ý muốn của gia đình chứ không phải nguyện vọng của bản thân. Mặt khác nhiều địa phương vì lý do đảm bảo an ninh trật tự nên đã gom người nghiện vào các trung tâm.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH
“Đặc biệt do sự quá tải của các cơ sở cai nghiện khiến nhiều trung tâm cai nghiện quá tải, cụ thể như trung tâm cai nghiện ở Đồng Nai chỉ chứa được 500-600 người nhưng chứa tới 1.400 em. Trong khi đó lực lượng cán bộ của các trung tâm cai nghiện mỏng, trung bình mỗi cán bộ phục vụ tới 10 học viên…” - ông Dung nói.
Theo ông Dung chính vì sự thiếu, yếu về cơ sở vật chất này dẫn tới tình trạng ở chung giữa các đối tượng nghiện (giữa người cai bắt buộc và tự nguyện, giữa người có tiền án, tiền sự với người chưa từng vi phạm pháp luật…) khiến tình hình phức tạp.
Bên cạnh đó, ông Dung cho hay việc thiếu chế tài mạnh để xử lý học viên phá trại cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ việc liên tiếp xảy ra. “Tôi từng tiếp xúc với học viên sau vụ việc trốn trại cai nghiện ở Đồng Nai, Vũng Tàu. Các em nói: “Nếu trốn trại bị bắt lại thì tiếp tục ở trại thôi có gì đâu”.
Theo đó, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho hay bộ đã tập trung các giải pháp để giải quyết vấn đề này như: Nghiên cứu xây dựng quy định về tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở cai nghiện đồng bộ, thống nhất; thực hiện tốt việc phân loại học viên ngay từ khâu tiếp nhận để có phương án sắp xếp, bố trí theo các tổ, đội phù hợp với từng loại học viên; đảm bảo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho học viên trong thời gian chấp hành cai nghiện tại cơ sở cai nghiện; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm trật tự an toàn trong cơ sở cai nghiện cũng như địa phương nơi cơ sở cai nghiện trú đóng; đối với những đối tượng cộm cán không chấp hành nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện chuyển sang cơ sở giáo dục thuộc ngành công an; bố trí đủ kinh phí để thực hiện tốt công tác cai nghiện tại địa phương.