Nhiều ý kiến đồng thuận việc đổi tên dự án Luật Căn cước

(PLO)- Hầu hết các ý kiến đều đồng ý với sự cần thiết của việc đổi tên Luật Căn cước và tên thẻ căn cước, tuy nhiên vẫn có một số ý kiến bày tỏ băn khoăn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước. Một trong những nội dung được Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cơ quan thẩm tra dự án luật, xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH là về tên gọi của dự thảo luật và tên thẻ căn cước.

“Việc đổi tên luật và tên thẻ như Chính phủ trình là cần thiết”

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho hay có ý kiến cho rằng thời gian qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước. Vì vậy, ý kiến này đề nghị cân nhắc không đổi tên luật và tên thẻ thành thẻ căn cước.

Nhiều ý kiến đồng thuận việc đổi tên dự án Luật Căn cước
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Nêu quan điểm, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đánh giá việc thay đổi hình thức, nội dung, tên gọi của thẻ căn cước là phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.

Theo cơ quan thẩm tra, nội dung được bổ sung bao quát, toàn diện, đầy đủ thông tin trong thẻ căn cước và hình thức, phương thức quản lý số mang tính khoa học, đại chúng sẽ giúp cho Nhà nước quản lý chặt chẽ các đối tượng. Đồng thời, hỗ trợ người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia các hoạt động, giao dịch hành chính, dân sự, hoạt động xã hội tiện lợi, phù hợp với môi trường số, xã hội số.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH, cơ quan soạn thảo cơ bản nhất trí với những định hướng để hoàn chỉnh dự luật. Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh để tiếp tục tiếp thu, giải trình, trình QH xem xét, thông qua dự án luật.

Bộ trưởng Bộ Công an TÔ LÂM

Mặt khác, Luật CCCD hiện hành chỉ quy định về cấp CCCD cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên. Trong khi dự thảo luật, Chính phủ trình bổ sung đối tượng áp dụng là công dân dưới 14 tuổi và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam. Riêng đối với người gốc Việt Nam thì không cấp thẻ căn cước mà chỉ cấp giấy chứng nhận căn cước.

“Việc đổi tên luật và tên thẻ như Chính phủ trình là cần thiết, phù hợp với phạm vi và để bao hàm hết đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật” - ông Lê Tấn Tới nói.

Liên quan đến việc bổ sung điều chỉnh và cấp giấy chứng nhận căn cước cho đối tượng là người gốc Việt Nam, ông Lê Tấn Tới cho hay điều này nhằm tạo thuận lợi cho người gốc Việt Nam được hưởng các quyền cơ bản của công dân. Bởi thực tế hiện nay, do không có giấy tờ tùy thân nên họ rất khó khăn trong việc đi lại, giao dịch, lao động, sở hữu tài sản…

Ngoài ra, thực tế hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, các thế lực thù địch lợi dụng việc những đối tượng này khó khăn trong đi lại, giao dịch, lao động do không có giấy tờ tùy thân nên đã xuyên tạc chính sách của Nhà nước chưa bảo đảm nhân quyền.

“Trong những đối tượng này đã có một số người lợi dụng hoạt động để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Khi xử lý, truy nguyên, lực lượng chức năng rất khó khăn do những đối tượng này không có giấy tờ tùy thân” - theo báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

“Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ QH cho sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước như Chính phủ trình” - ông Lê Tấn Tới nói.

Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng thể hiện nội dung nói trên đang được báo cáo Bộ Chính trị. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Thường trực ủy ban này sẽ chỉnh lý dự thảo theo đúng tinh thần chỉ đạo.

Tăng tuyên truyền để tạo sự đồng thuận

Nêu ý kiến, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng báo cáo tiếp thu, giải trình hầu hết ý kiến đồng ý, chỉ có một số ý kiến cá biệt khác ở kỳ trước. “Họp vào sáng 14-11, Bộ Chính trị đồng thuận rất cao với việc đổi tên dự án luật này” - Chủ tịch QH nói và lưu ý nội dung này không cần phải giải trình quá nhiều.

Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương nói thảo luận tại hội trường, hầu hết đại biểu đều thống nhất với tên gọi. Tuy nhiên, sau thảo luận, một số đại biểu gửi văn bản đề cập đến việc thay đổi nhiều.

Ông Phương đề nghị phải có giải trình thêm về vấn đề này. Cụ thể, cần làm rõ thêm việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước và đổi tên thành thẻ căn cước sẽ tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước và thuận tiện cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch hành chính, dân sự.

Còn Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho hay một số đại biểu QH gửi văn bản bày tỏ băn khoăn về việc đổi tên luật, tên thẻ. Cho rằng việc tiếp thu, giải trình về nội dung này đã phù hợp, ông Định đề nghị tăng cường thông tin, tuyên truyền tốt để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm