Nhớ hai nhạc sĩ giữ tâm hồn trẻ thơ

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân, hai nghệ sĩ với nhiều ca khúc cách mạng lẫn ca khúc cho trẻ em không hẹn mà đã cùng rời bỏ cõi tạm trong cùng một ngày (29-6). Linh cữu của cả hai nhạc sĩ đều được quàn ở Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM). Trong đại sảnh nhà tang lễ, linh cữu của hai nhạc sĩ nằm kề nhau.

Những ngày cách mạng đẹp ngời

Trong ngày viếng đầu tiên của hai nhạc sĩ, tang lễ trở thành nơi nhắc nhớ những ca khúc của thời cách mạng nở hoa. Đó là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu với Đoàn vệ quốc quân, Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh), Cuộc đời vẫn đẹp sao, Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây kơ nia (thơ Ngọc Anh)…

Và đó là một chàng trai gốc An Giang - Phan Nhân ra tập kết miền Bắc rồi đem lòng yêu Hà Nội để viết nên những ca khúc Hà Nội - Niềm tin và hy vọng, Xa Hà Nội, Tình ca đất nước…

Điều đặc biệt là hai ca khúc đầy tin yêu, hy vọng của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân là Cuộc đời vẫn đẹp saoHà Nội - Niềm tin và hy vọng đều ra đời những năm 1970-1972. Thế nên mỗi khi nhắc đến những ngày Hà Nội chìm trong bom B52 ai ai cũng cất lên những lời ca “Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô, nghe tiếng cười không quên niềm thương đau…” hay “Một sớm mai xuân trước cửa hầm dã chiến, thấy trời xanh xao xuyến, ở trên đầu, ta vẫn thầm hái hoa tặng nhau…”. Đó như là những niềm hy vọng cho Hà Nội thoát khỏi cảnh bom tàn phá, hy vọng cho đất nước thoát khỏi cảnh chiến tranh. “Cuộc đời vẫn đẹp sao mãi là tiếng cười lạc quan cách mạng, yêu đời, yêu người, lan tỏa cho thế hệ hôm nay và mai sau một niềm tin son sắt vào cuộc sống tươi đẹp” - như lời ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, ghi lại trong sổ tang nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Ca sĩ Mỹ Tâm đến viếng nhạc sĩ Phan Nhân. Ảnh: QUỲNH TRANG

Nhiều học sinh cũng đến viếng đám tang nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân. Ảnh: QUỲNH TRANG

Và những ca khúc cho mọi trẻ em

Bên cạnh những ca khúc cách mạng, cả hai nhạc sĩ đều có những ca khúc cho thiếu nhi mà nhiều thế hệ trẻ em đều thuộc và nhớ, như nhạc sĩ Phan Nhân với ca khúc Chú ếch con, Vườn cây của ba, Hàng cây ơn Bác… và Đội kèn tí hon, Những em bé ngoan… của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Trong ký ức của ca sĩ Đan Trường lẫn ca sĩ Mỹ Tâm thì những ca khúc thiếu nhi của hai nhạc sĩ gắn bó với tuổi thơ của họ. “Không chỉ tôi mà các anh em, con cháu trong nhà đều hát Chú ếch con, Vườn cây của ba, Đội kèn tí hon...” - ca sĩ Đan Trường nói. Còn với ca sĩ Mỹ Tâm, cùng là đồng hương với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thì mỗi khi hát ca khúc Quảng Nam yêu thương là mỗi lúc tình yêu quê hương dâng trào, “tình đồng hương là sợi dây vô hình, tôi may mắn khi được sinh ra cùng quê với bác Phan Huỳnh Điểu” - ca sĩ Mỹ Tâm chia sẻ.

Nhạc sĩ Phan Nhân từng chia sẻ mỗi ca khúc ông viết cho thiếu nhi là mỗi lúc ông hóa thân vào tâm hồn trẻ thơ, biến lý trí khô khan thành tình cảm. Ấn tượng những ca khúc thiếu nhi của nhạc sĩ Phan Nhân nên ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM, ghi lại trong sổ tang: “Những sáng tác của nhạc sĩ dành cho thiếu nhi sẽ tiếp tục lan tỏa, nuôi dưỡng tâm hồn các cháu, góp phần hình thành nhân cách, tình yêu đất nước”.

Còn nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu yêu thiếu nhi đến độ ngoài ca khúc, ông còn là một trong 12 gương mặt thành lập nên NXB Kim Đồng vào năm 1957. Một trong tám tác phẩm phát hành đầu tiên của NXB này là sách của chính nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, đặc biệt đây là sách về trò chơi khoa học mang tên Cá giấy biết bơi.

Cả hai nhạc sĩ đều thiết tha yêu đời, yêu người nhưng mỗi người lại để lại một kiểu cách riêng biệt khi người khác nhớ về họ. “Nếu người ta yêu mến nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vì sự gần gũi hiếm có, những câu chuyện hài hước thu hút thì người ta sẽ yêu nhạc sĩ Phan Nhân vì sự hào hoa, bất kể tuổi tác vẫn ngao du cuộc đời bằng xe máy” - nhạc sĩ Trần Long Ẩn chia sẻ.

Không biết có cuộc hẹn hò nào không mà cả hai đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam cùng ra đi một ngày, quàn chung một nơi và rồi sẽ cùng theo nghi thức hỏa táng… Như nhạc sĩ Lê Quang thì “hai ông già đáng kính, giống như hai ông tiên của Hội Âm nhạc TP.HCM đã cưỡi hạc về trời”.

______________________________

Trong ngày 30-6, các lãnh đạo nhà nước, ban ngành: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chánh án Trương Hòa Bình - TAND Tối cao, Bí thư Thành ủy TP.HCM - ông Lê Thanh Hải, Ban Tuyên giáo Thành ủy… đã đến viếng, gửi vòng hoa chia buồn đến gia đình nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân. Các ca sĩ Ánh Tuyết, Mỹ Tâm, Ngọc Ánh, Vân Khánh…; nhạc sĩ Lê Quang, Dương Thụ, Trần Long Ẩn…; nghệ sĩ Thành Lộc, diễn viên Kiều Trinh… đã đến viếng lễ tang hai nhạc sĩ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm