Mới đây, trên mạng xã hội Facebook (FB) xuất hiện đoạn clip dài khoảng 3 phút về một nhóm người nước ngoài chạy xe đạp một bánh lạng lách bốc đầu kèm theo nhiều hành động nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông.
Đoạn clip đã thu hút hàng ngàn lượt xem kèm theo nhiều bình luận bày tỏ sự bất bình trước hành động trên. Nhiều người cho rằng, hành vi này làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Qua tìm hiểu, nhóm người nước ngoài điều khiển xe đạp trên phố Huế (thuộc quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).
Tài khoản FB Thanh Tuấn bình luận: “Quá xem thường pháp luật!. Không thể hiểu nổi hành động của nhóm người này, chạy xe lạng lách, đánh võng quay clip câu like bất chấp, không màng tới an ninh trật tự giao thông. Rất mong cơ quan chức năng xử phạt thật nghiêm minh”.
Tương tự tài khoản FB Trần Phong bình luận: “Hành vi này quá nguy hiểm, xem clip thôi mà tôi rất bất bình trước hành động của những người này. Không đồ bảo hộ, chạy xe một bánh, đánh võng, vừa chạy vừa quay clip…họ nghĩ đây là nơi biểu diễn chăng? Cần phải phạt thật nặng để có tính răn đe”.
Trao đổi với PV, luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời về hành vi trên: Tại Điều 31 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định đối với người điều khiển xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác không được thực hiện các hành vi sau đây:
- Đi xe dàn hàng ngang;
- Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;
- Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh;
- Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021) quy định xử phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe lạng lách, đánh võng; đuổi nhau trên đường;
b) Đi xe bằng một bánh đối với xe đạp, xe đạp máy.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi quy định còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện.
Căn cứ theo Điều 2 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Điều 2 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân liên quan đến giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, người nước ngoài khi vi phạm luật giao thông tại Việt Nam thì vẫn áp dụng hình thức xử phạt và mức xử phạt giống với công dân Việt Nam, không có sự ưu tiên nào.