Những bí mật của quán cơm từ thiện Nụ Cười

Tính đến nay chỉ riêng Sài Gòn đã có sáu quán. Chi phí hoạt động mỗi tháng rất lớn, một quán thôi đã đủ ngất ngư.

7 Nụ Cười mà không có Nụ Cười 5

Đâu mấy ai biết vào một buổi chiều nọ, cách nay hơn ba năm rưỡi, trong một buổi trà dư tửu hậu, mấy ông bạn chí cốt khích ông Nam Đồng (bút danh của nhà báo Nguyễn Minh Lộc, nguyên Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM) mở quán cơm từ thiện. Bởi những người thân thiết đều biết đây là ước mơ ông ấp ủ bấy lâu nay. Bạn của ông hứa nếu ông mở được quán thì mọi người sẽ chung một tay. Thế là ông hăm hở đi học hỏi, nghiên cứu mô hình quán ăn. Bạn bè nghe ông báo tin, người thì bao dàn bếp, người chịu trách nhiệm góp bàn ghế chén dĩa, người lo phần âm thanh ánh sáng, những người khác thì hùn tiền mặt.

Mọi người ước tính tổng số tiền huy động được ban đầu từ gia đình ông và bạn bè thân hữu có thể trang trải trong bốn đến sáu tháng, từ từ rồi tính tiếp. Dự án quỹ từ thiện Tình thương và quán Nụ cười bắt đầu triển khai. Ông nói ước sao quán phục vụ người nghèo vài tháng thì cũng vui rồi. Ai ngờ đâu quán được mọi người tín nhiệm nên xôm tụ quá chừng. Thế rồi ông lại ước nếu được năm quán thì có chết cũng mãn nguyện. Chẳng ngờ quán lại liên tục mở, tính đến nay đã là sáu quán. Tên quán thì nhảy cóc từ quán thứ 4 lên thẳng quán 6, 7 mà hổng có quán thứ 5. Mọi người không ai muốn điều ước này của ông thành sự thật nên nhất định không chịu đặt tên là quán Nụ Cười 5.

Rất đông người nghèo tìm đến quán cơm Nụ Cười 1 với bữa ăn ngon mà  giá chỉ từ 1.000 đến 2.000 đồng. Ảnh: THANH MẬN

Mọi đóng góp đều được trân trọng như nhau

Tôi còn nhớ ngày nhận mặt bằng mở quán thứ nhất, ông huy động những người thân thiết tới tham quan và sẵn phụ giúp trang trí, dọn dẹp. Người thì chà bàn rửa ghế, người thì chụp ảnh để làm tranh treo, người lo quét mạng nhện, quét vôi vách tường. Anh Trân, lính cũ của ông ở tuốt Ninh Thuận, cũng gửi vô mấy bình gốm Bàu Trúc đặt trên các ô cửa sổ cho quán thêm phần lãng mạn. Mọi việc suôn sẻ trôi chảy nên ông rất vui. Ông gọi điện thoại chia sẻ với bạn bè thân thiết xa gần. Người bạn thân từ thuở ấu thơ nơi quê nghèo nắng gió Quảng Ngãi của ông mừng muốn khóc.

Quán mở rồi, thỉnh thoảng tôi ghé qua. Mới rửa vài cái khay ăn cơm bằng inox, tôi đã rụng rời tay chân vì mỏi. Vậy mà đội ngũ tình nguyện viên làm miệt mài từ ngày này qua ngày khác. Có hôm tôi thấy một em bé mới học lớp 6 cũng được mẹ chở tới. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, em bé được giao công việc lau bàn. Bé làm việc hết sức nghiêm chỉnh. Mấy cậu ấm cô chiêu du học, làm việc ở nước ngoài lâu lâu về thăm nhà cũng nhào vô làm hay góp tiền ủng hộ. Thỉnh thoảng vài nghệ sĩ tên tuổi âm thầm đến đây phụ giúp, đóng góp.

Người bình thường có tấm lòng thì kể sao cho hết. Một lần, một anh nhân viên cũ đem đến gửi quán 10 triệu đồng. Ông hỏi sao hôm nay bảnh vậy, anh rưng rưng cho hay đây là số tiền người ta phúng điếu trong đám tang của mẹ anh. Ông bảo những ai mất niềm tin vào con người hãy đến đây để thấy có rất nhiều điều tốt đẹp, ấm lòng. Ông dặn mọi ủng hộ đều trân trọng như nhau, không được phân biệt ít nhiều. Kinh phí hoạt động của các quán đến giờ này đều từ đóng góp của những người hảo tâm.

Bà Mai Thị Hạnh, phu nhân của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, vui vẻ dùng bữa cơm với người nghèo tại quán. Ảnh: THANH MẬN

Khi khách VIP ăn cơm 2.000 đồng

Quán cơm từ thiện Nụ Cười tâm lý lắm! Cứ vào thứ Năm là quán đổi món, ông hay gọi là “Happy Day”. Hôm ấy không bán cơm mà bán bún, phở, hủ tíu… chỉ có 1.000 đồng/phần. “Bữa, có hai vợ chồng nọ, chồng lượm ve chai, vợ cũng lượm ve chai dẫn hai đứa con nhỏ tới. Họ đưa 4.000 đồng, hiên ngang kêu: Chú bán cho tui bốn tô phở bò. Cả nhà xúm xít hít hà trông ngon lành, vui vẻ lắm!” - ông kể mà vui còn hơn họ nữa!

Khách tới quán Nụ Cười còn có cả VIP. Một lần nọ, ông đang lui cui ở quán thì thấy trong dòng người xếp hàng nhận phiếu có một người quen quen. Người đó là bạn cũ của ông, bà Mai Thị Hạnh, phu nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lúc bấy giờ. Tình cờ bà đọc được thông tin về quán và âm thầm cùng người thân đến. Bà ăn mặc thật giản dị và gửi xe thật xa rồi đi bộ vào, mua phiếu rồi xếp hàng lấy cơm và ăn ngon lành như bao nhiêu người. Từ đó bà là một trong những mạnh thường quân của quán. Có doanh nghiệp rất lớn nọ ủng hộ quán một số tiền to. Họ nói bà bảo với họ rằng nếu có thể thì hãy đến giúp đỡ quán cơm Nụ Cười. “Quán có khó khăn gì, hãy gọi cho em” - bà bảo với ông Nam Đồng. Ông hiếm khi phải gọi cho bà nhờ vả chuyện gì vì quán được rất nhiều tấm lòng ủng hộ nhưng lời dặn dò chân tình của bà làm ông thấy vui.

Có người nghĩ người ta làm từ thiện vì muốn tích đức hay đánh bóng tên tuổi gì đó, thậm chí còn nghĩ bậy là để... “rửa tiền”. Tôi thì biết rõ ông làm từ thiện chỉ vì một điều duy nhất: Mong được nhìn thấy nụ cười trên những gương mặt khắc đầy những nỗi lo toan sầu khổ. Khi người nhận lẫn người cho đều cười, gánh nặng mưu sinh và những nỗi buồn trong cuộc sống sẽ ít nhiều vơi đi.

Sáng nay (26-11), UBND phối hợp với UBMTTQ TP.HCM tổ chức tuyên dương những tấm gương thầm lặng mà cao cả trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố. 138 tấm gương được vinh danh lần này có nhiều hoạt động giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn, ổn định bình yên cuộc sống xuất phát từ tinh thần tự nguyện tự giác, không vụ lợi toan tính cá nhân khi góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.


Lúc rảnh, ông Nam Đồng hay ghé quán cơm Nụ Cười 1 quan sát hoạt động của quán. Ảnh: THANH MẬN

Quán cơm Nụ Cười 1 (số 6 Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) là một trong số những địa chỉ được vinh danh. Bên cạnh đó còn có ông Nguyễn Ngọc Tương, phường Phước Long A, quận 9 nuôi heo đất và dùng tiền thu góp được để hằng năm mua xe đạp tặng học sinh nghèo của phường Phước Long và quận 9 trong suốt 10 năm nay. Thầy giáo Nguyễn Thanh Hải đã 70 tuổi khi về hưu đã tìm đến các mái trường xã hội tại quận 12 dạy học cho từng con em bị tật nguyền, mồ côi, kém may mắn. Thầy Hải còn vận động mỗi ngày được hàng chục ký gạo, đường, thức ăn cho các em ăn, vận động tiền để mua cặp, sách, tập vở, quần áo cho các cháu. Nhiều em đã biết đọc, biết viết, đã thoát mù chữ để học lên các trường THPT hay thi đậu vào các trường CĐ, ĐH…

________________________________

Sau này hệ thống quán Nụ Cười hoạt động rất bài bản và quy củ, ông Nam Đồng không phải lăng xăng mỗi ngày chạy tới chạy lui nên có nhiều thời gian để đi làm từ thiện những nơi xa. Gạo bà con tặng nhiều quá không dùng hết, để lâu thì hư mà chở đi cứu trợ thì tiền vận chuyển còn đắt hơn tiền mua gạo. Bởi vậy ông xin phép bán một phần để lấy tiền giúp đỡ những người khó khăn ở nơi xa, những người cần nhiều thứ khác chứ không chỉ là gạo. Tất cả mọi kinh phí đều công khai. Gần như tôi luôn được đi cùng. Có khi là một bản làng nghèo tả tơi mà bà con còn ăn khoai mì độn gạo ở miền núi Quảng Ngãi, khi thì tặng tập vở cho đám nhóc miền biên giới của tỉnh An Giang.

Vừa rồi, đợt lũ lụt ở miền Trung, ông lại cùng chúng tôi đi giúp đỡ mọi người. Hơn một năm qua sức khỏe ông xuống nhiều, đi lại khó khăn. Vậy mà ông vẫn chống gậy tập tễnh đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đến từng nhà, tìm hiểu từng hoàn cảnh để có thể chia sẻ và giúp đỡ đúng người cần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới