Những cặp thực phẩm - thuốc tuyệt đối không dùng chung

Kháng sinh và sữa

Khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn, người bệnh cần phải uống thuốc kháng sinh để diệt khuẩn. Tuy nhiên, để thuốc hấp thụ tốt và đạt hiệu quả điều trị, người bệnh cần tránh sử dụng cùng lúc với sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai...

Nguyên nhân là do canxi trong sữa kết hợp với thuốc kháng sinh tạo ra muối canxi không tan trong nước khiến thuốc không phát huy được tác dụng chữa bệnh vì đã bị canxi kìm hãm. Hậu quả là bệnh không được chữa khỏi, vi khuẩn không bị tiêu diệt. Bên cạnh đó, sữa và các phế phẩm từ sữa còn có thể làm nặng nề thêm cho đường ruột, làm trầm trọng thêm triệu chứng tiêu chảy, một tác dụng phụ khi uống kháng sinh.

Những cặp thực phẩm - thuốc tuyệt đối không dùng chung ảnh 1
Thuốc làm loãng máu không nên kết hợp với xà lách.

Thuốc làm loãng máu và xà lách

Vitamin K được tìm thấy với hàm lượng lớn trong các loại thực phẩm như cải xoăn, rau diếp, bông cải xanh và đậu xanh, có thể là mối nguy hiểm đối với những người đang sử dụng thuốc chứa warfarin làm loãng máu.

Nguyên nhân là do hàm lượng vitamin K cao có thể làm bất hoạt warfarin, gây tăng nguy cơ đông máu, nguy hiểm cho người bệnh.

Thuốc hạ huyết áp và cam thảo

GS. Dennis Goodman, tại Đại học New York, Mỹ cho biết, cam thảo có chứa glycyrrhizian, làm tăng huyết áp nên không được dùng cho người đang phải dùng thuốc để hạ huyết áp vì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc điều trị và có thể gây huyết áp cao nguy hiểm.
Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng thuốc huyết áp, người bệnh, đặc biệt là người bị ức chế ACE, chất có tác dụng co mạch và giảm thải Na+ qua thận, cũng cần phải tránh một số thực phẩm khác có thể tương tác bất lợi với thuốc như thực phẩm chứa nhiều kali có thể gây ngừng tim, hạt lựu gây choáng váng hoặc chóng mặt do huyết áp quá thấp bởi tương tác này gây khuếch đại tác dụng của một chất ACE.

Không nên dùng thuốc hạ huyết áp chung với cam thảo. Ảnh: Internet.

    Statin và nước ép bưởi

    Statin được chỉ định cho những người bị tăng huyết áp bởi loại thuốc này có thể giảm nguy cơ đau tim đột ngột trong một thời gian dài. Khi sử dụng thuốc này, người bệnh cần đặc biệt chú ý không sử dụng cùng lúc hay cách xa với nước ép bưởi vì có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan và có thể dẫn đến suy thận.

    Nguyên nhân là do nước ép bưởi có thể làm tắc nghẽn hoạt động của CYP3A4, một enzym quan trọng giúp chuyển hóa thuốc, do đó, thay vì bị chuyển hóa, thuốc sẽ đi vào máu và ở trong cơ thể lâu hơn. Kết quả làm tăng nồng độ thuốc trong cơ thể.

    Gần đây, nhiều nghiên cứu trên thế giới còn phát hiện nước ép bưởi làm giảm tác dụng của thuốc do làm thay đổi sự trao đổi chất, ảnh hưởng đến các protein vận chuyển thuốc (các protein này giúp thuốc di chuyển vào trong tế bào để hấp thu) trong cơ thể... làm giảm hấp thu thuốc. Điển hình của sự tương tác này là fexofenadine (allegra) có tác dụng làm giảm các triệu chứng dị ứng theo mùa.

    Statin được chỉ định cho những người bị tăng huyết áp không dùng cùng với nước ép bưởi. Ảnh: Internet.

    Thuốc chống trầm cảm và pho mát, rượu

    Thuốc ức chế MAO có tác dụng chống trầm cảm như giảm buồn rầu, thất vọng, tăng hoạt hóa tâm thần. Thuốc ngăn chặn một loại enzym quan trọng giúp phá vỡ tyramine, một axit amin có trong phô mai, chuối chín, bia, bơ, thịt hun khói và rau bina. Tyramine có thể làm tăng huyết áp nếu không bị phá vỡ, vì vậy khi những người dùng thuốc ức chế MAO ăn các loại thực phẩm này, họ có thể bị tăng huyết áp nghiêm trọng…

    Bên cạnh đó, nếu sử dụng thuốc này cùng với rượu còn có thể gây đau đầu, buồn nôn. Chính vì vậy, khi sử dụng thuốc, người bệnh cần tránh các loại thực phẩm giàu tyramine, chất kích thích khác - kể cả caffeine vì chúng có thể khuếch đại tác dụng của thuốc.

    Hiện nay, với sự ra đời của thuốc ức chế MAO chọn lọc thì loại thuốc MAO không chọn lọc ít được sử dụng nhưng một số bác sĩ sử dụng chúng để điều trị mắc bệnh Parkinson giai đoạn đầu.

    Một số hóa trị liệu và nước cam

    Thuốc etoposid được dùng đơn độc hay thường kết hợp với các thuốc diệt khối u khác trong điều trị ung thư tinh hoàn kháng trị đã qua phẫu thuật, hóa trị liệu và điều trị bằng tia xạ; trong điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ, u não, u đường tiêu hóa, buồng trứng, tuyến ức...

    Tuy nhiên, khi được sử dụng loại thuốc này để trị ung thư, người bệnh không nên uống nước cam hay nước ép quả việt quất vì có thể ngăn chặn sự hấp thụ, giảm tác dụng của thuốc.

    Làm thế nào để hạn chế tương tác thuốc - thực phẩm?

    Mỗi cơ thể có cách phản ứng khác nhau với các loại thuốc nên trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh nên tham vấn kỹ bác sĩ điều trị về chế độ ăn uống cũng như thời điểm uống thuốc trước hay sau bữa ăn để thuốc đạt hiệu quả điều trị tốt nhất và an toàn nhất. Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa những rủi ro khi có sự tương tác giữa thuốc và thực phẩm, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn, khuyến cáo, lưu ý về sự tương tác được in trên toa thuốc lẫn bao bì trước khi sử dụng.

    Ngoài ra, cần lưu ý thêm, nên uống thuốc với một ly đầy nước (hoặc bác sĩ sẽ hướng dẫn nếu có những yêu cầu khác); không nên trộn dược phẩm vào thức ăn do sẽ làm thay đổi hoạt động của thuốc; không nên hòa thuốc vào thức uống nóng vì nhiệt sẽ làm mất tác dụng của thuốc. Đặc biệt, không được uống rượu, bia khi đang uống thuốc.

    Theo Nguyễn Lê Phương (Suckhoedoisong)

    Video đang xem nhiều

    Đọc thêm