Ngày 6-8, vận động viên thể dục dụng cụ người Pháp Ait Said đã gặp chấn thương kinh hoàng khi đang thực hiện phần thi đấu của mình ở vòng loại môn nhảy ngựa. Chân của nam vận động viên 26 tuổi đã gãy gập lại. Âm thanh rùng rợn đó có thể nghe thấy rõ trong cả nhà thi đấu, tờ USA Today mô tả. Các khán đài khiếp vía không thốt lên lời. Đội ngũ y tế hối hả chạy đến bên Ait Said. Cả nhà thi đấu chìm trong lo lắng.
Quá khứ kinh hoàng lặp lại
Liên đoàn Thể dục dụng cụ Pháp sau đó cho biết Ait Said bị gãy cả xương ống chân chính và phụ. Ait Said sau đó hứa hẹn sẽ quay trở lại Olympic 2020 để giành lại huy chương vàng. Thế nhưng anh sẽ còn phải trải qua vô vàn khó khăn để vượt qua chấn thương lần này. Đã có nhiều vận động viên thể thao kết thúc sự nghiệp thi đấu vang dội vì không vượt qua nỗi cơn ác mộng chấn thương.
Theo tờ USA Today, hình ảnh vụ tai nạn của Ait Said có thể xếp ngang hàng với các hình ảnh chấn thương “kinh dị” của hai vận động viên nổi tiếng nước Mỹ: Joe Theismann (bóng bầu dục) và Kevin Ware (bóng rổ). Sự nghiệp của hai vận động viên đều vô cùng chật vật cũng sau hai chấn thương kinh hoàng tương tự.
Joe Theismann, vận động viên bóng bầu dục nổi tiếng nước Mỹ vào thập niên 1970-1980, cũng gặp chấn thương khi thi đấu và bị gãy cả xương ống chân chính và phụ. Ngày 18-11-1985, khi đội bóng của Theismann là Washington Redskins gặp đối thủ New York Giants, ông đã bị hai cầu thủ đội bạn vào bóng thô bạo. Một người đã chống cả đầu gối lên đoạn dưới ống chân phải của Theismann khiến đoạn xương bị gãy gập lại. Vết thương của Theismann không bao giờ bình phục. Chân phải của ông trở nên ngắn hơn chân trái do xương chân không thể phục hồi hoàn toàn. Ông buộc phải tuyên bố giải nghệ trong cùng năm đó. Khán giả kênh ESPN bình chọn chấn thương của ông là “Khoảnh khoắc sốc nhất lịch sử thể thao Mỹ”, còn tờ The Washington Post gọi đây là “Vụ tai nạn ai từng thấy sẽ không thể quên”.
Năm 2013, vận động viên bóng rổ trung học Mỹ Kevin Ware đã gặp chấn thương nghiêm trọng tương tự trong khi thi đấu. Trong lúc cố cản một cú ném bóng ghi điểm của đội bạn, Ware đã tiếp đất không đúng kỹ thuật và gãy xương ống chân. Anh sau đó phải trải qua một cuộc phẫu thuật gần hai tiếng đồng hồ để nối xương. Chấn thương của Ware đã khiến cả làng bóng rổ chấn động. Nhiều vận động viên NBA đã tìm đến để động viên Ware. Đến nay sự nghiệp thể thao của Ware vẫn vô cùng chật vật. Anh chỉ mới tìm lại được chút thành công tại một đội bóng nhỏ vào năm 2016.
Vận động viên bóng rổ Yao Ming đã phải kết thúc sự nghiệp tại NBA sau sáu năm chấn thương liên miên. Ảnh: GETTY
“Thần đồng” của bóng đá Đức Sebastian Deisler giải nghệ khi mới 27 tuổi vì ám ảnh tâm lý quá lớn. Ảnh: WEB.DE
Gã khổng lồ châu Á gục ngã
Không chỉ những vụ tai nạn kinh hoàng mới chấm dứt sự nghiệp một vận động viên. Những chấn thương dai dẳng do điều trị không đến nơi đến chốn cũng là nỗi ám ảnh của nhiều người.
“Gã khổng lồ châu Á” nổi tiếng trong giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) Yao Ming đã phải giải nghệ sớm vào năm 2011 ở cái tuổi 31. Một trung phong nổi tiếng khác của NBA là Shaqille O’Neal cũng giải nghệ cùng năm với Yao Minh nhưng anh dừng chân khi đã đến tuổi 40. Cuộc hành trình trên đất Mỹ của Yao Ming phải chấm dứt sớm 10 năm so với đồng nghiệp. Tất cả chỉ vì những chấn thương nặng nhẹ liên tiếp kéo dài suốt sáu năm trời ở cái chân trái “pha lê” của Yao Ming.
Kể từ khi đến NBA vào năm 2002 với vị thế của một “món hàng nóng” hàng đầu thị trường chuyển nhượng, trung phong của đội bóng Houston Rockets suốt chín năm trời vật lộn với bàn chân trái quá mẫn cảm với chấn thương. Đặc biệt trong sáu năm cuối cùng trước khi giải nghệ, Yao Ming liên tiếp gặp chấn thương và phải phẫu thuật chân trái nhiều lần. Anh phải điều trị gai xương bàn chân trái và ngón cái chân trái vào năm 2005, phẫu thuật gãy xương bàn chân trái và chấn thương đầu gối phải vào năm 2006, bị ép xương bàn chân trái vào năm 2008, nứt xương bàn chân trái vào năm 2009 và chấn thương mắt cá vào năm 2010, cũng ở bàn chân trái.
Vào mùa giải năm 2008, Yao Ming được chẩn đoán bong gân mắt cá chân. Sau khi được tiến hành phẫu thuật đoạn xương gãy ở bàn chân trái, chuyên gia y học thể thao Trung Quốc Duan Guihua cho biết: “Việc Yao Minh hết lần này đến lần khác gặp chấn thương cho thấy các đợt phẫu thuật trước đó của anh không thật sự thành công. Khó có cơ hội nào cho Yao Minh có thể hồi phục hoàn toàn được. Tôi lo rằng anh ấy sẽ sớm gặp phải chấn thương nghiêm trọng hơn”. Và mối lo ngại của vị bác sĩ này đã trở thành sự thật.
Yao Ming đã không thể thi đấu trong suốt mùa giải 2009-2010. Đội Houston Rockets chỉ cho phép Yao Ming thi đấu không quá 24 phút trong suốt mùa giải năm 2010-2011 sau đó. Tuy nhiên, chỉ mới chơi chưa đầy năm trận, Yao Ming đã bị rạn xương mắt cá do phải chống đỡ quá nhiều lực. Cuối cùng thì gã khổng lồ của châu Á cũng phải chấm dứt chuyến phiêu lưu của mình trên đất Mỹ. Tờ Tân Hoa Xã cho biết tổng số đinh ốc trong bàn chân trái của anh có thể nặng gần nửa ký. Bàn chân “pha lê” của vận động viên cao 2,29 m không thể chịu đựng nổi cường độ thi đấu của giải nhà nghề Mỹ.
Những chấn thương đã ám ảnh Yao Minh từ thời niên thiếu. Năm 1997, khi còn thi đấu cho đội học sinh Thượng Hải, Yao Ming đã gặp phải chấn thương nghiêm trọng. Anh bị gãy mắt cá chân trái vì sơ ý giẫm lên chân đối thủ. Thay vì được đưa đi điều trị một cách bài bản, Yao Ming chỉ nhận được sự chăm sóc sơ sài của ban tổ chức đội bóng. Hai năm sau đó, mắt cá chân của Yao Ming lại bị rạn. Ban huấn luyện của đội bóng tiếp tục từ chối điều trị đến nơi đến chốn cho Yao Ming. Tờ Tân Hoa Xã bình luận nếu như vận động viên này được phẫu thuật trong hai lần chấn thương đầu tiên khi còn trẻ, có lẽ sự nghiệp của anh tại sân chơi bóng rổ đỉnh cao đã kéo dài hơn chín năm và bàn chân trái của Yao Ming đã không trở thành “gót chân Achilles” của gã khổng lồ châu Á.
Quyết định “về hưu non” của Yao Ming đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích hệ thống đào tạo vận động viên trẻ tại Trung Quốc. Các vận động viên trẻ khi bị chấn thương thường không được điều trị đến nơi đến chốn khiến cho rất nhiều tài năng bị thui chột hoặc sớm chấm dứt sự nghiệp thể thao. Các huấn luyện viên thường là người có tiếng nói cuối cùng đối với việc điều trị chứ không phải các bác sĩ thể thao chuyên nghiệp.
Nỗi ám ảnh “giết chết” thần đồng
Không chỉ những chấn thương về thể xác mà cả những chấn động tâm lý cũng có thể kết thúc sự nghiệp của các vận động viên. Thần đồng một thời của bóng đá Đức là Sebasstian Deisler đã không thể vượt qua được chứng trầm cảm vì chấn thương để tiếp tục thi đấu chuyên nghiệp. Anh phải từ giã sự nghiệp quần đùi áo số của mình khi mới chỉ 27 tuổi, cái tuổi được xem là độ chín của nhiều cầu thủ.
Bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp tại giải Bundesliga khi mới 18 tuổi, cái tên Sebasstian nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả túc cầu nước Đức với những tố chất sáng giá thiên bẩm: Khả năng sáng tạo, kỹ thuật cá nhân, tốc độ đáng gờm. Thế nhưng sau khi chuyển đến Câu lạc bộ Hertha Berlin không lâu, Deisler đã dính phải một chấn thương đầu gối sẽ ám ảnh anh suốt sự nghiệp cầu thủ, cả về thể xác lẫn tinh thần.
Những chấn thương lớn nhỏ liên tục, đặc biệt là chấn thương năm 2002 khiến anh phải nghỉ cả năm trời đã đẩy chàng tiền vệ hào hoa của nước Đức vào căn bệnh trầm cảm. Cứ mỗi lần Deisler cố gắng vượt qua quá khứ tìm lại phong độ thì chấn thương quái ác lại tái phát. Chàng trai vàng nước Đức lần thứ năm dính phải chấn thương đầu gối trong một buổi tập vào tháng 3-2006. Giấc mơ dự World Cup đầu đời thêm một lần tan vỡ khiến Deisler mất đi niềm tin và quyết định chia tay sân cỏ. Cái tên Sebastian Deisler đầy triển vọng năm nào chìm vào lịch sử bóng đá một cách hụt hẫng và buồn bã.