Những chiếc hố 'tử thần' thường trực ở khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM

(PLO)- Hàng chục đoạn mương thoát nước không nắp đã trở thành những chiếc hố 'tử thần' sừng sững trên các tuyến đường ở khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh tới PLO, một số người dân sinh sống tại khu đô thị ĐHQG-HCM cho biết khu vực này có nhiều hố 'tử thần' xuất hiện do nắp của hệ thống mương ven đường bị hư hỏng hoặc bung, lật.

Theo đó, dọc tuyến đường giao thông chính nối từ Khu B, ký túc xá ĐHQG-HCM đến ngã tư Quốc phòng, ĐHQG-HCM xuất hiện gần 20 sự cố nắp mương ở hai bên đường, có những đoạn tạo nên hố dài và sâu đến 50cm. Bao gồm nắp mương bị mất, bị bung, hư hỏng.

Video: Những chiếc hố 'tử thần' thường trực ở khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM
ho-tu-than-1.jpg
Có hàng chục đoạn mương bị bung, vỡ hoặc mất nắp đã trở thành hố 'tử thần' trên tuyến đường 2km nối từ Khu B, KTX ĐHQG-HCM đến Nhà khách ĐHQG-HCM. Ảnh: NHẬT TRUNG
ho-tu-than-2.jpg
Hố sâu được tạo nên do nắp mương ven đường bị hư hỏng. Ảnh: NHẬT TRUNG

Mối đe dọa lớn

Mặc dù không nằm trên bề mặt đường nhưng việc xuất hiện các hố sâu trên lề đường đã gây cản trở và mất an toàn, mỹ quan đô thị.

Chia sẻ với PLO, một số sinh viên cho biết đã từng gặp tai nạn ở hố 'tử thần' khi lên xuống xe buýt và đi bộ trong khu vực.

ho-tu-than-3.jpg
Các hố "tử thần" bị cây cỏ phủ lấp, gây nguy hiểm cho người đi đường vì mất tầm quan sát. Ảnh: NHẬT TRUNG

Bạn Nguyễn Thị Thùy Linh (21 tuổi, Đại học KH-XH&NV TP.HCM) cho biết những nắp mương bị bung lên và vỡ như thế này là tình trạng xuất hiện rải rác, khá thường xuyên trong khu vực.

“Nếu bất đắc dĩ có sự cố trên đường khiến mình buộc phải đánh xe lên lề thì mình cũng không yên tâm khi ven đường chạy xe là những chiếc lỗ và những móc sắt nhô lên, không đảm bảo an toàn”- Thùy Linh bày tỏ.

Bạn Nguyễn Ngọc Quý (23 tuổi, ĐH Thể dục thể thao) cho rằng việc nắp mương bị vỡ sẽ ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, nếu ai không cẩn thận sẽ dễ bị vấp ngã gây tai nạn.

"Việc này còn tạo điều kiện cho rác thải tồn đọng, gây tắc đường mương thoát nước dẫn đến ngập úng ở mùa mưa. Ngoài ra, vấn đề này còn làm cho xấu mỹ quan môi trường của khu đô thị ĐHQG-HCM”- Ngọc Quý nói.

hố 'tử thần'
Rác thải tù đọng gây phản tác dụng mương thoát nước vào mùa mưa. Ảnh: NHẬT TRUNG
hố tử thần
Hàng loạt hố sâu ngay trước trạm xe buýt gây nguy hiểm cho sinh viên khi di chuyển lên xuống trạm. Ảnh: NHẬT TRUNG

Hằng ngày phải di chuyển qua các hố 'tử thần' nên Nguyễn Trương Quỳnh Mai (19 tuổi, ĐH KH-XH&NV TP.HCM) luôn phải dè chừng, cẩn thận quan sát sợ có tai nạn.

“Bến xe buýt đối diện Viện Môi trường và Tài nguyên TP.HCM có những cái hố khiến mình phải dè chừng khi vội vã lên xuống xe buýt”- Mai nói.

Nhiều bất cập, cần có biện pháp đồng bộ

Trao đổi với PLO, ông Trịnh Tấn Hoài, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển khu đô thị ĐHQG-HCM, cho biết thực trạng này đã diễn ra nhiều năm trên nhiều tuyến đường.

ho-tu-than-6.jpg
Những chiếc hố 'tử thần' chưa có dấu hiệu khắc phục từ cơ quan chức năng. Ảnh: NHẬT TRUNG

Được biết, các tuyến đường đẹp kết hợp với hồ đá trong khu vực đã tạo nên địa điểm lý tưởng cho việc câu cá và chụp hình. Do đó, Trung tâm đã có những biện pháp rào chắn hồ đá cùng biển báo cấm để hạn chế nguy hiểm.

"Nhưng có nhiều đối tượng cắt rào sắt đem đi bán, tạo ra các khoảng trống, thu hút người dân băng vỉa hè để đi sang hồ đá bằng xe máy và xe ô tô gây hư hỏng các nắp mương”- ông Hoài nói.

ho-tu-than-7.jpg
Các phương tiện giao thông liên tục di chuyển và đậu đỗ trên vỉa hè gây hư hại nắp mương ven đường. Ảnh: NHẬT TRUNG

Bên cạnh đó, ông Trịnh Tấn Hoài thông tin hiện có hơn 1.000 hộ dân vẫn chưa được giải tỏa khỏi khu đô thị ĐHQG-HCM nên còn gây khó khăn cho công tác quản lý. Theo ông, các hộ dân sống trong tâm thế sắp chuyển đi nên nhiều người không quá quan tâm, bảo vệ môi trường, mỹ quan đô thị, thường xuyên xả rác và đốt lửa trên nắp mương, vỉa hè.

Ngoài ra, việc không đảm bảo nguồn nhân lực, vật lực cũng như không có đủ thẩm quyền xử lý các sai phạm về trộm cắp sắt trên hàng rào, trên nắp mương vỡ đã gây ra nhiều bất cập cho Trung tâm, bất kể có camera giám sát.

Từ đó, ông Hoài đề xuất cần phải có phương án tổng thể, đồng bộ cho vấn đề này.

ho-tu-than-8.jpg
Các móc sắt lộ rõ sau khi lớp bê tông của những chiếc hố 'tử thần' đã vỡ vụn. Ảnh: NHẬT TRUNG

Ông Phạm Thanh Tú, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng (Trung tâm Quản lý và Phát triển khu đô thị ĐHQG-HCM), cho biết những vấn đề khẩn cấp, có thể xử lý được là Trung tâm kiên quyết xử lý ngay.

Riêng các vấn đề liên quan đến vỉa hè, mương nước luôn được kiểm soát thường xuyên, tuy nhiên ông cũng cho rằng để kiểm soát được một cách toàn diện thì phải đảm bảo tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.

“Trước mắt, những vị trí nguy hiểm, chúng tôi sẽ lấp lại nắp và khắc phục, còn những vị trí bị vỡ thì sẽ khoanh vùng, tiến hành đổ bê tông để xử lý trong vòng 10 ngày sau đó và chờ những phương án tổng thể”- ông Phạm Thanh Tú nói và khẳng định phía Trung tâm luôn thực hiện đảm bảo đúng trách nhiệm, thẩm quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm