Khai sai thuế tự phát hiện vẫn bị xử phạt
Từ ngày 1-8, người nộp thuế không khai hoặc khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng… trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhưng đã tự phát hiện và khai bổ sung trước thời điểm thông quan hàng hóa vẫn sẽ bị phạt 10% số tiền thuế khai thiếu.
Sửa đổi quy định, phạt 1-3 triệu đồng đối với người xuất cảnh không khai hoặc khai sai số ngoại tệ, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng mang theo vượt mức quy định khi xuất cảnh tương đương 5-30 triệu đồng (quy định hiện hành là 10-30 triệu đồng mới bị phạt).
Nghị định 45/2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan; có hiệu lực từ ngày 1-8 quy định.
Xử phạt về in hóa đơn
Theo Nghị định 49/2016/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-8, mức phạt đối với hành vi đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng bằng văn bản sẽ giảm từ 2-4 triệu đồng xuống còn từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng.
Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đặt in hóa đơn khi cơ quan thuế đã có văn bản thông báo tổ chức, doanh nghiệp đó không đủ điều kiện đặt in hóa đơn sẽ bị phạt tiền 2-4 triệu đồng; đồng thời buộc phải hủy các hóa đơn đã đặt in không đúng quy định.
Cấm cắt ghép tác phẩm nhiếp ảnh
Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động nhiếp ảnh không được sửa chữa, cắt ghép tác phẩm nhiếp ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm mục đích xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa; vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Không được mua bán, sử dụng, phổ biến tác phẩm nhiếp ảnh vi phạm pháp luật hoặc đã có quyết định đình chỉ lưu hành, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Nghị định 72/2016/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8 quy định.
Căn hộ nhà ở xã hội có diện tích tối thiểu 25 m2
Từ ngày 15-8, mỗi căn hộ, căn nhà xã hội do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua phải đảm bảo các tiêu chuẩn: Diện tích căn hộ tối thiểu là 25 m2; diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 10 m2;
Chiều rộng thông thủy không dưới 2,4 m, chiều cao thông thủy chỗ thấp nhất không dưới 2,7 m; phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ đảm bảo yêu cầu thông gió và ánh sáng tự nhiên; mái nhà không được lợp bằng vật liệu dễ cháy và bảo đảm không bị thấm dột…
Khu đất xây dựng nhà ở xã hội phải phù hợp với quy hoạch xây dựng; không thuộc khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập úng, bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, bãi rác, nghĩa trang; không lấn chiếm đất công và không có tranh chấp về đất đai.
Thông tư 20/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8 quy định.
Nhà thầu phải từ chối xây dựng công trình sai với thiết kế
Từ ngày 15-8, nhà thầu xây dựng phải thi công đảm bảo chất lượng theo thiết kế đã được phê duyệt và giấy phép xây dựng.
Nhà thầu phải từ chối thực hiện khi công trình không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng hoặc khi chủ đầu tư yêu cầu xây dựng sai với thiết kế và nội dung giấy phép xây dựng được cấp và thông báo cho cơ quan có trách nhiệm khi chủ đầu tư yêu cầu xây dựng không đúng với thiết kế, nội dung giấy phép xây dựng được cấp; bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Thông tư 15/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng, có hiệu lực từ ngày 15-8 quy định.
Tăng mức xử phạt về giao thông Tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-8-2016, Chính phủ đã quyết định tăng mức phạt tiền đối với một loạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Từ ngày 1-8, nhiều hành vi vi phạm về giao thông đường bộ sẽ có mức phạt mới cao hơn mức phạt hiện hành khi Chính phủ quyết định tăng phạt nặng đối với các hành vi gây nguy hiểm khi lưu thông trên đường như vượt đèn đỏ, điều khiển xe có nồng độ cồn, đeo tai nghe khi điều khiển xe máy, cầm điện thoại nghe khi đang lái ô tô… Cụ thể, người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ máy trợ thính) sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng (quy định cũ chỉ phạt 60.000-80.000 đồng). Trường hợp điều khiển xe ngược chiều hoặc điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà) bị phạt 300.000-400.000 đồng (quy định cũ chỉ phạt 200.000-400.000 đồng);
Tăng phạt nặng từ 2-3 triệu đồng lên 5-6 triệu đồng đối với hành vi gây tai nạn giao thông mà không dừng lại, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn. Bổ sung quy định mới về việc xử phạt đối với hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường, mức phạt 600.000-800.000 đồng… |
Còn tiếp...