Thí sinh chỉnh sửa giấy báo thi tại Phòng Đào tạo trường ĐH Cần Thơ.
Ảnh: N.NAM
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng ban Chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, cho biết các Hội đồng tuyển sinh các trường tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh đến làm thủ tục dự thi. Số thí sinh phải chỉnh sửa những sai sót trong giấy báo dự thi không nhiều. Tại các địa điểm thí sinh đến làm thủ tục dự thi không có hiện tượng ùn tắc giao thông. Điện, nước được cung cấp ổn định ở tất cả các Hội đồng thi.
Tại Hà Nội: Sáng 3-7 các thí sinh tập trung tại điểm thi để nghe phổ biến quy chế thi và làm những thủ tục cần thiết. Những sai sót hoặc nhầm lẫn về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, khối thi, khu vực ưu tiên, ngành học… được các Hội đồng thi sửa cho thí sinh. Các giám thị dành nhiều thời gian phổ biến quy chế thi và hướng dẫn kỹ cách làm bài thi trắc nghiệm cho thí sinh. Để tạo điều kiện cho các thí sinh đến muộn chưa làm kịp thủ tục, nhiều trường đã bố trí phòng trực đón thí sinh đến cuối buổi chiều.
Hướng dẫn tận tình cho các thí sinh. Ảnh: Huy Hà
Cũng trong buổi sáng 3-7, Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ quốc gia năm 2014 đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra tại một số Hội đồng coi thi nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vướng mắc trong khâu tổ chức thi của các trường. Kiểm tra tại điểm thi trường ĐH Công đoàn, ĐH Thủy Lợi, ĐH Công nghệ Giao thông vận tải (Hà Nội), Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ quốc gia năm 2014 đánh giá cao công tác chuẩn bị của các trường.
Một cán bộ của Trường ĐH Cần Thơ cho biết, danh sách hơn 2.000 trường này có nhiều hơn số xã được quy định trong hai QĐ 447 và 539 nêu trên và trường đã đề nghị Bộ hướng dẫn nhưng chưa có câu trả lời cụ thể. Do đó, trường vẫn áp dụng theo quy chế tuyển sinh mà Bộ ban hành.
Tại Thừa Thiên - Huế: Trong ngày tập trung làm thủ tục dự thi (3-7), tại hội đồng tuyển sinh ĐH Huế có 17.073 thí sinh trong tổng số 20.573 hồ sơ đăng ký có mặt làm thủ tục dự thi, chiếm 83%. Trong đó, khối A có 12.546 thí sinh (chiếm 81,20%), khối A1 có 4.178 thí sinh (chiếm 88,14%), khối V có 349 thí sinh (chiếm 91,12%).
Đợt này, ĐH Huế điều động 1.569 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh tại 23 địa điểm thi với 560 phòng thi. Có 500 sinh viên ĐH Huế hoạt động tình nguyện tại các điểm thi, nhà ga. Hơn 3.000 chỗ ở miễn phí đã được khai thác phục vụ thí sinh và người nhà. Công tác an ninh tại tất cả các điểm thi được đảm bảo
Trong sáng cùng ngày, đã có 35 thí sinh phải đến ĐH Huế điều chỉnh hồ sơ dự thi.
Tại Vinh (Nghệ An): Trong các ngày 3 và 4-7, hơn 1.9000 thí sinh (TS) phải làm thủ tục dự thi và làm bài thi trong thời tiết nắng nóng gay gắt. Nhiều TS cho biết, do thời tiết nắng nóng, quá oi bức nên khi làm bài sẽ đổ nhiều mồ hôi và lo sợ ảnh hưởng đến tâm lý làm bài.
PGS-TS Đinh Xuân Khoa-Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh- Trưởng Cụ thi liên trường cụm thi Vinh (TP Vinh, Nghệ An) cho biết, trong ngày 3-4, có hơn 19.000 TS trong tổng số hơn 28.200 TS (ở bốn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) đăng ký dự thi tại Cụm thi Vinh đăng ký dự thi đến làm thủ tục dự thi (đạt 67,5%).
Trường ĐH Vinh là trường có TS đến làm thủ tục dự thi vào đông nhất với hơn 6,733 TS (đạt 75,9%), số còn lại dự thi vào 46 trường Đại học tại Hà Nội và vào 33 trường ĐH ở TP Hồ Chí Minh.
Do năm nay số TS đăng ký dự thi ở cụm thi Vinh giảm nhiều nên sẽ không có hàng ngàn TS phải sang Hà Tĩnh dự thi như kỳ thi năm 2013 mà chỉ dự thi ở TP Vinh và huyện Nghi Lộc (Nghệ An) nên TS và người nhà đỡ vất vả hơn.
HUY HÀ - THÙY DUNG - VIẾT LONG - ĐẮC LAM
Những chuyện bên lề Nữ thí sinh xin đội mũ vải khi làm bài thi. Đó là thí sinh đặc biệt Trần Thị Nhi (18 tuổi, trú xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) dự thi vào Khoa Thú y, Trường ĐH Nông nghiệp 1 (Hà Nội). Sáng 3-7, Nhi được mẹ là Nguyễn Thị Hoa đưa đến điểm thi là Trường THCS Hưng Dũng (thuộc cụm thi Vinh, Nghệ An) để làm thủ tục dự thi. Tại đây, Nhi lột chiếc mũ vài trên đầu ra, trình bày xin: “Khi làm thủ tục dự thi và khi làm bài thi cho em được đội mũ vải vì em là thí sinh nữ nhưng tóc đã rụng trọc đầu”.
Năm lên 11 tuổi, Nhi bắt đầu bị căn bệnh rụng tóc. Ban đầu tóc rụng ít, rồi rụng dần đến khi trọc đầu. Từ đó, hằng ngày ở nhà và đến trường học Nhi phải đội chiếc mũ vải che đầu. Bảy năm qua, bố, mẹ Nhi cũng đã đưa Nhi đến nhiều bệnh viện, thầy thuốc mong cứu chữa nhưng mái tóc vẫn không mọc lại, đầu vẫn trọc. Nhi cũng cho biết: “Từ nhỏ em rất yêu động vật. Em sống và học ở làng quê sống nhờ vào ruộng vườn, chăn nuôi, em ước mơ muốn học ngành bác sĩ thú y thật tốt để trở về giúp sức cho gia đình, làng xóm, người dân quê mình”. Đ.LAM Tổ chức cầu nguyện chúc thi sinh may mắn. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, trụ trì chùa Bằng -Linh Tiên Tự (Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 nhà chùa dành 150 chỗ ăn, ngủ miễn phí cho sĩ tử và người nhà thi ở những điểm gần chùa. Nhà chùa cũng sẽ hỗ trợ đưa đón thí sinh đến những điểm thi. Tối 3-7, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã tổ chức một buổi cầu nguyện may mắn cho các sĩ tử trước khi bước vào kỳ thi.H.HÀ Có thí sinh đăng ký đến 7 bộ hồ sơ. GS-TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), cho biết sau khi rà soát hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, nhà trường đã loại 1.282 hồ sơ đăng ký ảo. Khi nhập dữ liệu vào máy tính thấy những hồ sơ trùng lặp họ tên, ngày tháng năm sinh, trường học, nơi đăng ký hộ khẩu. Những thí sinh ảo này đăng ký vào nhiều ngành khác nhau của trường, thậm chí có thí sinh đăng ký tới bảy bộ hồ sơ. Trong ngày làm thủ tục dự thi, nhà trường cho phép thí sinh chốt lại ngành thi trong nhiều ngành đăng ký. Ông Trung cho biết trường sẽ hỗ trợ 1.200 suất ăn miễn phí, 2.000 suất bánh Kinh đô và sữa, 500 chỗ ở cho thí sinh và người nhà. H.HÀ 12 năm đến trường bằng đôi chân bố, mẹ. Mắc bệnh chậm phát triển hệ thần kinh vận động bẩm sinh, không đứng được, không thể ngồi thẳng lưng, đôi bàn tay yếu ớt, suốt 12 năm học phổ thông, bố và mẹ là đôi chân để em đến trường. Đó là thí sinh Nguyễn Thị Mai Phương (Hà Nội) dự thi vào ngành công nghệ đa phương tiện, HV Công nghệ bưu chính viễn thông (Hà Nội). Phương là tấm gương về nghị lực và sức học. Mặc dù không học thêm, nhưng từ lớp 1-9 Phương đều là học sinh giỏi. Lên cấp 3, kiến thức nhiều hơn, đôi bàn tay Phương lại yếu ớt, không viết nhanh được, nhưng em vẫn đạt thành tích rất đáng nể với điểm tổng kết luôn ở mức 7,8 điểm, xấp xỉ loại giỏi. Ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, cho biết trường hợp của Phương, nếu có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ bệnh tật thì nhà trường sẽ xét tuyển thẳng cho em vào học. HUY HÀ |