Em Trần Sơn, học sinh lớp 5 đến tham gia diễn đàn một mình, không đi cùng cha mẹ. Cả hội trường lặng đi khi nghe em bày tỏ: “Con muốn ba mẹ dành thời gian đi chơi một, hai ngày với con. Ba mẹ cứ lo làm ăn không để ý tới con. Lần cuối cùng con được đi chơi với ba mẹ là năm con học lớp 4”. Đối với một cậu bé tiểu học, việc cả năm trời không được đi chơi với cha mẹ dường như là một điều cực kỳ nghiêm trọng.
Tâm sự của Sơn đã khiến nhiều phụ huynh trong hội trường ngỡ ngàng. Chị Hồng Hà (phường 6, quận 3) bày tỏ: “Tôi đã cố gắng dành ra một, hai buổi chơi với con mỗi tuần. Nhưng nhìn vào mắt con, tôi vẫn thấy nó buồn”.
TS tâm lý Lê Thị Linh Trang chia sẻ chị thường khuyên các bậc phụ huynh hãy cố gắng dành thời gian cho con càng nhiều càng tốt, bất cứ khi nào có thể bởi những đứa trẻ sẽ rời xa vòng tay cha mẹ một ngày nào đó, lúc đó muốn dành thời gian cho con cũng không có nhiều cơ hội nữa.
Các em học sinh trò chuyện với TS tâm lý Lê Thị Linh Trang. Ảnh: H.MINH
Một em học sinh 14 tuổi rụt rè đưa cánh tay lên để hỏi chuyên gia tâm lý, giọng nói như sắp khóc: “Con hay hỏi cha mẹ con sinh ra từ đâu, cha mẹ luôn nói: “Tao nhặt mày từ bãi rác…””. Chỉ những lời nói đùa vô ý như vậy mà khiến cậu bé cảm thấy quá tổn thương. TS tâm lý Linh Trang cho rằng đây chính là những câu chuyện mà phụ huynh cần rút kinh nghiệm trong ứng xử với con. Tại sao không nói cho trẻ biết mẹ mang nặng đẻ đau để sinh con ra, để đứa con nó thương mẹ hơn. Tình cảm mẹ con cũng gắn bó hơn. Nếu cứ nói nhặt con từ bãi rác, nó sẽ cảm ơn ông công nhân gom rác.
Một câu chuyện nghiêm trọng khác là cha mẹ cấm con ra ngoài chơi nhưng không giải thích. Điều này khiến các em cảm thấy ức chế. Nghe vậy, một phụ huynh ở quận Gò Vấp đã giúp các bậc cha mẹ thanh minh: “Thực ra cha mẹ muốn các con ở nhà cho lành vì ra ngoài đường bây giờ mất an toàn quá”. Ngoài đường thì giao thông nguy hiểm, tệ nạn xã hội đầy rẫy, chị biết làm con buồn nhưng đành… làm ngơ.
ThS tâm lý Đào Lê Hoài An khuyên các bậc cha mẹ khi cấm con làm việc gì cũng phải dành thời gian giải thích rõ ràng cho con hiểu, tránh sự ức chế cho con. Khi trẻ cảm thấy được tôn trọng, trẻ sẽ dễ chấp nhận những giải pháp của cha mẹ. Nhìn lại thì tất cả nguyên nhân trên đều là do thời gian của cha mẹ ở bên con quá ít ỏi. Vậy nên, đừng tưởng trẻ con ở đô thị là sướng!