Đầu tiên là dàn nhạc nước xây dựng cả năm trời, tốn cả mấy trăm tỉ đồng nhưng khởi động thử nghiệm đâu chỉ vài lần là bị trục trặc. Vả lại nhiều người Hải Phòng mà tôi tiếp xúc cũng chẳng ai thích thú gì cái dàn nhạc nước này. Cái dàn nhạc nước chưa xài đã hư, sét rỉ, nằm chễm chệ giữa cái hồ đẹp nhất TP - vốn do sông Lấp chặn lại - đã bị dư luận quần chúng và báo chí phê phán về sự lãng phí kinh khủng này. Và dàn nhạc nước đã bị dỡ bỏ, thậm chí lãnh đạo có liên quan phê duyệt công trình đã bị khiển trách nặng nề. Tiếp đến, tháng rồi Hải Phòng lại có thêm một “công trình văn hóa” khác là con rồng khổng lồ, đầu như đầu chó nên người dân gọi là “rồng đầu chó”, xuất hiện trên đại lộ Lê Hồng Phong (đường ra phi trường Cát Bi). “Con rồng quái dị” này chỉ tồn tại được một ngày. Bị người dân và báo chí chỉ trích về sự vô duyên, nó đã bị lãnh đạo TP ra lệnh tháo dỡ nhưng uy tín của TP đã bị mất không ít.
Thật ra không chỉ Hải Phòng, mà nhiều nơi, nhất là các thị xã, thị trấn mới “lên đời” không nhiều thì ít đều có những công trình “gọi là văn hóa” rất lãng phí. Họ chủ yếu đầu tư vào những công trình tiêu tốn bạc tỉ “nặng phần trình diễn”, mà ít chú tâm vào những công trình công ích phục vụ dân sinh. Ngay ở hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM mà chuyện “bức xúc” nhất, tức “đầu ra” dành cho lữ khách (cả khách du lịch và người dân đi trên đường) ít được quan tâm. Cho đến nay vẫn có rất ít nhà vệ sinh công cộng miễn phí, chỉ có một số ít nhà vệ sinh do tư nhân đầu tư và quản lý phân bố không đều, lữ khách lỡ đường, bức bối chẳng biết làm sao. Đó không phải là chuyện nhỏ mà là vấn đề bức bách quan tâm tới sức khỏe người dân và cả du khách, mà mấy mươi năm qua hai TP lớn này vẫn chưa quan tâm đầu tư đúng mức.
Nhắc tới chuyện xây dựng nhà vệ sinh công cộng, xin hoan nghênh TP Đà Lạt đã xây dựng hai công trình nhà vệ sinh công cộng tuyệt đẹp và tiện nghi miễn phí ở hai bên bờ hồ Xuân Hương, giúp du khách yên tâm đi tản bộ lang thang quanh hồ. Nhưng cũng phê bình TP Đà Lạt có mấy cái bồn hoa ở đầu đường Nguyễn Thị Minh Khai (đường vào chợ) quá xấu, từ bao nhiêu năm vẫn đơn điệu và có khi xơ xác, không xứng với tên “Thành phố ngàn hoa”. Ngoài ra ở khu vực đầu đường này và khu gần cầu thang bộ từ chợ lên phố, quanh năm lúc nào cũng hôi hám, du khách nhiều khi phải bịt mũi mà đi.
Đặc biệt những ngày lễ, Tết là dịp để người ta ra sức xây dựng những “công trình văn hóa” để mừng xuân mới. Những ngày này, hầu như TP nào cũng treo đèn kết hoa trên các tuyến phố chính. Chỉ một số tranh ảnh, áp phích về mùa xuân có đôi chút thẩm mỹ; còn hầu hết sặc sỡ, lòe loẹt, trùng lặp nhìn rất nhàm chán. Mặc dù một số công trình dọc các tuyến phố, kinh phí xây dựng, lắp đặt được xã hội hóa (dĩ nhiên đều có đính kèm tên các đơn vị đầu tư hay tên sản phẩm). Tuy tiền xây dựng là của doanh nghiệp nhưng vẫn sẽ lãng phí nếu các tranh ảnh, áp phích, biểu trưng thiếu tính thẩm mỹ, không mang lại sự tươi mới trong đời sống tinh thần của người dân mỗi khi ra phố.