Monsanto là một trong những công ty hóa chất lớn nhất ở Mỹ từ khi được thành lập vào đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, trái với những tuyên bố về “đạo đức” của mình, những sản phẩm của công ty này hàng chục năm qua đã và đang gây nên những tác hại nghiêm trọng đến môi trường và con người trên toàn thế giới, trong đó có các tội ác hủy diệt môi trường và sức khỏe con người trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Chất cực độc PCBs
PCBs (tên thương mại khác là Aroclor) là loại hóa chất do Monsanto sản xuất từ năm 1930 với bốn đặc tính chính: Độc tính cao, khó phân hủy, khả năng phát tán xa và khả năng tích tụ sinh học cao. Hóa chất này từng được sử dụng rộng rãi như một loại phụ gia của chất cách điện trong các thiết bị điện như máy biến áp, tụ điện, trong chất lỏng thủy lực cho các thiết bị nâng hạ và một số ứng dụng dân dụng khác do ưu điểm nổi trội là cách điện tốt, không cháy nổ của nó.
Tuy nhiên, PCBs từ năm 1970 đã bị nhiều nước trên toàn thế giới cấm vì nó gây ra mối nguy hại nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người như ung thư, thần kinh, sinh sản, nội tiết… Điều đáng nói hơn cả là khi các bản ghi nhớ nội bộ công ty từ năm 1937 được phơi bày, người ta mới biết được rằng Monsanto đã biết về mối nguy hiểm của loại chất này từ rất sớm. Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn tiếp tục sản xuất và cung cấp loại chất kịch độc ra thị trường do “không thể mất một đồng USD lợi nhuận”.
Hãng này cũng thải trực tiếp chất PCBs ra các mương nước ở TP Anniston, tiểu bang Alabama của Mỹ và che giấu việc này hàng chục năm khiến hàng ngàn người dân ở đây mắc phải những căn bệnh nghiêm trọng như bệnh gan, rối loạn thần kinh và ung thư. Đến năm 2003, Monsanto đã phải bồi thường hơn 600 triệu USD cho các cư dân sau khi bị khởi kiện.
Năm 1979, PCBs bị cấm sản xuất ở Mỹ sau khi Quốc hội nước này công nhận PCBs là một chất độc gây hại cho môi trường và là chất gây ô nhiễm hữu cơ lâu dài. Tuy nhiên, thời điểm đó Monsanto đã có các nhà máy sản xuất chất hóa học ở nước ngoài, vì vậy tập đoàn này tiếp tục cung cấp chất PCBs ra thị trường cho đến khi bị Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cấm sản xuất trên toàn cầu vào năm 2001.
Các thẩm phán trong phiên “Tòa Quốc tế về Monsanto” tại La Hay, Hà Lan ngày 18-4. Ảnh: TWITTER
Cơn ác mộng “da cam”
Thuốc diệt cỏ và làm rụng lá cây 2,4,5-T còn được gọi bằng tên khác là chất độc da cam vì chúng được đặt trong các thùng màu cam. Loại chất này được quân đội Mỹ rải xuống các cánh rừng miền Nam Việt Nam từ năm 1961 đến 1971. Tập đoàn Monsanto là đơn vị chủ chốt trong 37 công ty hóa chất của Mỹ tham gia sản xuất chất hóa học 2,4,5-T. Hợp đồng với quân đội Mỹ cũng là hợp đồng có giá trị lớn nhất trong lịch sử kinh doanh của Monsanto. Ước tính có khoảng 75,8 triệu lít thuốc diệt cỏ 2,4,5-T đã được quân đội Mỹ sử dụng ở chiến trường Việt Nam.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chất độc da cam là nguyên nhân gây nên nhiều loại bệnh như ung thư, dị tật và rối loạn chức năng. Các cơ quan y tế ở Việt Nam ước tính đã có hơn 400.000 người thiệt mạng hoặc bị tàn tật, hơn 500.000 trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh, khoảng một triệu người bị tàn tật hoặc phải chịu đựng những vấn đề sức khỏe do ảnh hưởng của loại chất độc này, chưa kể đến những ảnh hưởng sâu rộng tới sức khỏe của hơn ba triệu quân nhân Mỹ và con cái của họ cho đến ngày nay.
Tương tự vụ chất độc PCBs, điều đáng sợ hơn cả là Tập đoàn Monsanto cũng đã biết tác hại của loại chất độc da cam này từ trước sau một vụ nổ do tai nạn xảy ra tại nhà máy sản xuất 2,4,5-T ở TP Nitro, tiểu bang West Virginia, Mỹ. Sau khi được các chuyên gia nghiên cứu về những công nhân nhiễm độc thông báo kết quả, Monsanto vẫn quyết định đưa 2,4,5-T ra thị trường và chuyển giao cho quân đội Mỹ. Tập đoàn này cũng ngăn cản các công ty hóa chất khác như Dow Chemical tiết lộ về ảnh hưởng đối với sức khỏe của 2,4,5-T trước khi giao chúng cho quân đội Mỹ. Thậm chí nồng độ chất độc loại hóa chất mà Monsanto sản xuất còn cao hơn so với nồng độ của loại mà Công ty Dow Chemical sản xuất.
Bò “quái dị”
Năm 1994, Monsanto đưa ra thị trường Mỹ sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gen đầu tiên là chất rBGH, một loại hormon tăng trưởng dành cho bò. Chất này được gọi dưới cái tên Posilac và theo Monsanto, nó có thể tăng lượng sữa của bò lên đến 20%.
Tuy vậy, vào năm 1989, tài liệu nghiên cứu của Monsanto do một người nặc danh cung cấp cho BS Samuel Epstein, lãnh đạo tổ chức Liên minh chống ung thư thế giới, đã cho thấy hormon tăng trưởng rBGH có ảnh hưởng tới buồng trứng và khả năng sinh sản của bò. Sữa từ con bò bị tiêm hormon tăng trưởng rBGH có khả năng gây nên các loại bệnh như ung thư vú, ung thư đại tràng và ung thư tuyến tiền liệt. Hormon rBGH sau đó đã bị cấm ở châu Âu và Canada. Tuy nhiên, với sự tác động của Monsanto, cho đến nay rBGH vẫn được sử dụng ở Mỹ.
Một loại chất độc khác của Monsanto cũng có tính độc hại không kém là thuốc diệt cỏ Roundup. Tập đoàn Monsanto đưa loại thuốc này ra thị trường năm 1974 và nó trở thành loại thuốc bán chạy nhất thế giới với khả năng có thể tiêu diệt cỏ dại sau một đêm.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng Roundup là loại chất hóa học có ảnh hưởng đến sự phân chia tế bào, có khả năng dẫn đến ung thư tế bào. Người nhiễm phải loại chất độc này có thể bị mắc các bệnh như ung thư, tiêu hóa, tiểu đường, tự kỷ, vô sinh và Alzheimer. Monsanto đã hai lần bị tòa án phán quyết là lừa dối trong quảng cáo về Roundup tại Mỹ năm 1996 và tại Pháp năm 2007.
“Tòa Quốc tế Monsanto” chỉ là giả lập Ngày 18-4 vừa qua, “Tòa Quốc tế về Monsanto” tại La Hay, Hà Lan đã đưa ra kiến nghị tham vấn kết luận Tập đoàn Monsanto đã kinh doanh các sản phẩm độc hại khiến hàng ngàn người thiệt mạng, trong đó có sự liên quan của tập đoàn này trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Tòa cũng đánh giá Monsanto đã vi phạm các quy định và xâm phạm các quyền cơ bản về bảo vệ môi trường, lương thực, y tế, tự do nghiên cứu khoa học, tự do tiếp cận thông tin… Kiến nghị tham vấn này được năm vị thẩm phán của tòa án công bố sau hai phiên điều trần hồi tháng 10 năm ngoái và nhiều tháng xem xét các bằng chứng, cũng như lắng nghe ý kiến của 30 nhân chứng và các chuyên gia từ năm châu lục. Tuy nhiên, Tòa Quốc tế về Monsanto không phải là cơ quan có thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc mà chỉ được nhóm gồm các tổ chức xã hội dân sự thành lập nên, do đó kiến nghị tham vấn của tòa không có giá trị ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, kiến nghị này được đánh giá là án lệ quan trọng, cung cấp một hồ sơ pháp lý đầy đủ cho các vụ kiện sau này chống lại Monsanto và các công ty hóa học tương tự. Bà Francoise Tulkens, chủ tọa phiên tòa, nguyên thẩm phán Tòa án Nhân quyền châu Âu, đánh giá rằng mặc dù Monsanto đã từ chối đến dự phiên tòa, kiến nghị tham vấn vừa công bố vẫn sẽ được giữ nguyên giá trị tham khảo. Bà Tulkens cũng cho rằng các nạn nhân của Monsanto cũng có thể tham khảo sử dụng các luận điểm pháp lý trong kiến nghị để bổ sung vào đơn khởi kiện Monsanto. “Tôi hy vọng kiến nghị tham vấn này sẽ thúc đẩy công lý quốc tế” - bà Tulkens nói. Kiến nghị tham vấn này sẽ được chuyển đến Liên Hiệp Quốc, Tòa án Hình sự quốc tế, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và cả Tập đoàn Monsanto. |