Những đứa trẻ thèm ngửi mùi thịt cá

Năm đứa trẻ kéo đến đứng lặng lẽ ở một góc trước cửa quán cơm bình dân, ngay sát bên tủ bày thức ăn và khu vực xào nấu của quán. Mặt mũi chúng đều sáng sủa dễ coi mặc dù buồn xo, quần áo không đến nỗi rách rưới. Rõ ràng chúng không phải là đám trẻ ăn xin nhưng cũng không có cái vẻ sốt ruột của người đứng đợi mua cơm.

Hít và dòm một bữa ngon

Cả chủ quán, phục vụ và những người khách ngồi bên trong đều phớt lờ trước sự hiện diện của lũ nhóc, ngay cả khi bé gái nhỏ nhất đám cứ nhìn chằm chằm vào miệng ông khách đang ngồi ăn cơm bên trong. Ba đứa lớn hơn nhìn chăm chú những khay đồ ăn bày trong tủ kính. Thằng bé áo vàng nuốt nước miếng. Riêng cô bé lớn nhất đám vừa liếc nhìn mấy đứa nhỏ, chốc chốc quay mặt ra đường như cảnh giác một điều gì. Khoảng 15 phút sau, một người đàn bà khoảng hơn 50 tuổi, người nhỏ thó, mặt xanh xao bước nhanh tới, trên tay cầm cây roi nhấp nhấp và gọi lớn: “Thu, dắt em về!”. Đám trẻ quay ra, cụp mắt líu ríu bước về theo bà.

Hỏi chuyện chị Thanh - chủ quán cơm thì được biết đám trẻ kia là năm chị em ruột, sống ở dãy phòng trọ chỉ cách quán cơm mấy chục bước chân. Người đàn bà cầm roi là cô ruột của chúng. “Mấy năm nay rồi, cứ buổi trưa tụi nhỏ thường kéo nhau ra đây để hít mùi thịt cá với dòm miệng khách cho đỡ thèm. Cũng tại nghèo quá mà ra nông nỗi nên tui cũng không nỡ đuổi. Bà cô thì sợ tụi nhỏ làm phiền chỗ tui buôn bán, mỗi lần bả phát hiện đám nhỏ ra đây là bả lại lôi về”.

Tìm đến nơi ở của sáu cô cháu vừa xuất hiện tại quán cơm, chúng tôi lọt vào một căn phòng trọ nhỏ xíu nằm ở cuối dãy trọ dành cho công nhân thuộc ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ở đó rải rác những khu nhà trọ, chủ yếu dành cho công nhân.

Thu (áo hoa) cùng các em đứng ở quán cơm để ngửi mùi thịt cá và dòm miệng khách. Ảnh: HT

Phòng nền gạch, bốn bề vách tôn, mái tôn bít la phông sơ sài và nóng như rang. Người cô và năm đứa cháu đang ăn cơm trưa. Trên nền gạch bày ra gọn lỏn một chiếc nồi cơm điện, một chén tương chao mà tuyệt không có bất kỳ một thứ gì khác. Sáu con người xúm xít xung quanh, cầm chén đũa lùa hầu như là cơm trắng và nuốt trệu trạo. Chị Hương - người mà đám nhỏ gọi là cô Hai vội chào khách để tất tả đến công ty.

Căn phòng hiện có Thu - chị cả, 14 tuổi và các em Thanh, Bình, Tiến và bé út là Mi, sáu tuổi. Ngày thường lẽ ra căn phòng có đến tám người ở nhưng mấy tháng nay, bà nội của các em trở bệnh phải chuyển về Cà Mau nằm bệnh viện cho đỡ chi phí. Hồng - cô em gái sinh đôi với Thu cũng theo về chăm sóc bà nội. Thứ đáng giá nhất trong phòng là cái quạt máy và nồi cơm điện thì cũng do chủ nhà cho mượn. Qua Thu - cô bé có nước da trắng trẻo, đôi môi tái mét và đôi mắt đượm buồn, chúng tôi biết đến những nỗi khổ ải tận cùng chồng chất của một gia đình, đem đến nhiều mất mát và thiệt thòi cho bầy trẻ.

Mẹ tâm thần, cha câm điếc và chết tức tưởi

Bốn năm trước, cả gia đình Thu sinh sống ở thị xã Cà Mau. Chị Nhung - mẹ của em vốn là người mắc bệnh tâm thần từ nhỏ nhưng là loại tâm thần nhẹ, khờ khạo trong suy nghĩ và vụng về trong cư xử, hành động. Còn anh Phúng - cha của em thì bị câm điếc bẩm sinh. Có lẽ do đồng cảm tật nguyền thua thiệt mà cả hai thành vợ thành chồng với nhau. Trong ký ức của Thu, anh Phúng là ông bố hiền lành và rất mực cưng chiều vợ con đến mức chị Nhung không phải động tay vào bất cứ công việc gì trong nhà như nấu cơm, cho con ăn, tắm rửa cho con... Người mẹ khờ ấy chỉ làm mỗi một việc là sinh ra đàn con, bồng ẵm và cưng nựng chúng. Là trụ cột mưu sinh của cả nhà, anh Phúng quần quật đi làm thuê làm mướn, từ làm phụ hồ, làm cỏ vườn, lượm ve chai... mà vẫn không lo đủ cơm áo cho vợ con.

Từ khi nhận thức được hoàn cảnh bất thường của gia đình, thương các em đói khát nheo nhóc, Thu và Hồng đã biết cùng theo phụ cha đẩy xe cát cho các công trình, hốt mạt cưa cho người ta ủ giá đỗ hoặc đi lượm ve chai để kiếm thêm tiền nuôi các em. Thậm chí có những hôm các em bệnh, cặp chị em sinh đôi bấm bụng cùng đến các quán ăn năn nỉ khách xin tiền về mua thuốc cho em. Thu thật thà kể: “Hai đứa con cũng mắc cỡ lắm nhưng thương em thì phải ráng đi xin. Có người thương, cho được vài ngàn, cũng có người chửi, đuổi đi. Tụi con ráng chịu đựng, khi đến chỗ vắng người mới dám ngồi ôm nhau khóc”.

Một tối, trời đã khuya, anh Phúng chờ hoài không thấy hai đứa con gái lớn về nhà, anh sốt ruột đi tìm. Khi băng qua đường, do không nghe tiếng còi xe, anh bị một chiếc xe máy tông thẳng đến, chết tại chỗ. Thu kể em vẫn nhớ rất rõ cái buổi tối kinh hoàng đó. Khi đó hai chị em đang xin tiền ở một quán ăn thì có người trong xóm hớt hải chạy đến báo tin dữ. Hai chị em rụng rời, suýt ngất xỉu.

Trước cái chết đột ngột của chồng, chị Nhung vì quá đau đớn, lại sẵn tiền sử bệnh tâm thần đã phát rồ phát dại kêu khóc lảm nhảm suốt ngày. Thanh - đứa em kế của Thu và Hồng cũng vì quá đau buồn trước cái chết của cha mà phát bệnh động kinh rồi đâm ra ngớ ngẩn cho đến nay. Sau đám tang chồng vài tháng, chị Nhung bỏ đi biệt tích. Sáu đứa trẻ rốt cuộc không khác mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chỗ dựa vật chất và tinh thần duy nhất của các em lúc này là cô Hai nghèo xác xơ làm nghề gánh nước mướn và có một cuộc đời riêng cũng rách bươm. Năm đó Thu 10 tuổi.

10 tuổi trở thành người mẹ thứ hai

Được cô Hai dắt díu lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai, cuộc sống của sáu đứa trẻ thực sự lâm vào bần cùng bởi ngoài nhu cầu cơm áo, gia đình lúc này phải gánh số nợ quá lớn. Trước đó để lo cho em trai có được chỗ chôn cất đàng hoàng và có tiền thuốc thang, chạy chữa bệnh tâm thần cho em dâu với đứa cháu, chị Hương đã phải đứng ra vay mượn 50 triệu đồng. Bốn năm nay, chị Hương ngày làm tạp vụ cho một công ty tư nhân sản xuất đồ gia dụng, buổi tối đi rửa chén mướn cho các quán hoặc đi bán vé số, đi lượm ve chai; hai chị em Thu và Hồng được nhận vào làm trong công ty may quần áo xuất khẩu; Bình đi bán vé số. Vậy mà họ vẫn không ngăn được chuyện phát sinh thêm một khoản nợ. Thu tính: “Mỗi tháng cô Hai con phải đóng 1 triệu rưỡi tiền lãi ở Cà Mau, 1.300.000 đồng tiền lãi ở Sài Gòn này, thêm tiền trọ 1.200.000 đồng nữa. Trong khi tiền lương của cô Hai mỗi tháng 2.700.000 đồng, hai chị em con được trả công mỗi tháng cộng lại hơn 2 triệu đồng, em Bình kiếm mỗi ngày vài chục ngàn là nhiều. Mỗi ngày nhín nhút cũng chỉ đủ tiền mua gạo, chưa bao giờ con dám mua thêm thịt, cá cho các em”.

Từ lâu Thu đóng vai trò người mẹ nhỏ của các em, trong khi cô Hai bận tối mắt tối mũi và âu sầu với các khoản nợ nần. Để phụ giúp cô trả nợ, sau thời gian cắt chỉ trong công ty Thu đã cố gắng học hỏi để được giao may ráp quần áo theo công đoạn. Em nài nỉ ông chủ cho em được làm tăng ca mỗi đợt cần nhiều hàng. Vậy là một cô bé 12 tuổi đã chấp nhận làm việc liên tục từ 7 giờ sáng hôm trước đến tận 7 giờ sáng hôm sau, lắm lúc ngủ gục trên máy may, suốt cả tháng trời như vậy để được nhận hơn 2 triệu đồng đem về đưa hết cho cô Hai.

Hiện tại, thay cho nhiều mộng mơ của tuổi mới lớn, mở miệng ra Thu chỉ biết nói đến tiền và tiền, rồi đủ thứ lo lắng và thương xót. Em lo cho bệnh đau thận của cô Hai, bệnh động kinh của Thanh, bệnh tim của Mi. Em xót Bình phải cuốc bộ mười mấy cây số mỗi ngày bán vé số, về đến phòng là ngủ mê mệt. Những ngày trong tháng phải trả các khoản vay và trả tiền phòng cũng trở thành nỗi ám ảnh với em.

Niềm vui lớn của Thu mới đây là hai em Tiến và Mi được làng SOS quận Gò Vấp nhận nuôi dưỡng. “Hai em được ăn uống đàng hoàng, được học chữ, con mừng lắm” - Thu nói. Chỉ những khi các em bệnh hoặc cuối tuần thì làng mới trả về cho gia đình chăm sóc, như hôm nay.

Thu ưu tư nhắc chuyện do hai chị em thay nhau nghỉ làm để chăm sóc bà nội trong bệnh viện mà ông bà chủ công ty bực mình, mới đây họ thông báo cho hai em nghỉ việc. Điều em lo sợ nhất là một mai khi cô Hai kiệt sức nằm bệnh hoặc chết đi. Hỏi em sẽ làm gì khi đó, em trả lời không do dự: “Con sẽ làm bất cứ công việc gì để lo cho các em, miễn là không làm việc xấu. Nếu không xin vào được công ty may nào khác, con sẽ đi bán vé số, cùng đường thì con bán máu. Lúc trước cô Hai con cũng đi bán máu hoài để lo cho tụi con đó thôi”.

Nghèo vậy mà tự trọng lắm nghen!

Chị Thanh - chủ quán cơm thì kể: “Mấy đứa nhỏ ra đây hít mùi đồ ăn vậy thôi chứ ngộ lắm nghen, tui cho đồ ăn thì lại không lấy đâu. Công nhận bà cô Hai tụi nhỏ dạy cháu khéo thiệt. Riết rồi tui biết ý, cứ khi nào bán hết buổi mà còn dư đồ ăn, tui làm bộ nhờ thằng lớn xếp ghế, thằng nhỏ lau sàn nhà… linh tinh như vậy xong rồi cho thì tụi nhóc mới chịu nhận”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm