Mọi người hồ hởi mong sớm đến đảo để có thể thăm hỏi và cảm nhận những khó khăn mà lính đảo đang đối diện. Chuyến đi kéo dài, chúng tôi đã được chứng kiến đủ mọi cung bậc cảm xúc, đặc biệt là khi đặt chân tới Cô Lin và vùng biển Gạc Ma.
Bật khóc khi tới Cô Lin
Vừa đặt chân tới Cô Lin, trước mắt chúng tôi là sự đối lập giữa một Cô Lin bé nhỏ mà kiêu dũng và bên kia Gạc Ma bị Trung Quốc cưỡng chiếm vào năm 1988 đã xây dựng, cải tạo, bồi đắp trái phép để biến nơi đây thành một pháo đài quân sự với những khối nhà cao tầng, hệ thống ra đa, cầu cảng... khổng lồ.
Chúng tôi, ai cũng nghẹn lòng vì sự gian khổ và sự so sánh quá khập khiễng giữa Cô Lin với Gạc Ma. Nhiều người đã bật khóc nức nở vì thương cho Cô Lin và căm giận kẻ đã cướp mất Gạc Ma của Tổ quốc thân yêu.
Đoàn công tác của Quỹ học bổng Vừ A Dính và Câu lạc bộ "Vì Hoàng Sa-Trường Sa thân yêu" tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cô Lin. Ảnh: LÊ PHI
Chỉ huy đảo Cô Lin Vũ Tiến Dũng, rắn rỏi báo cáo với đoàn về những khó khăn mà anh em trên đảo đang đối mặt nhưng luôn luôn vững lòng bảo vệ từng tấc đất, tấc biển chủ quyền tổ quốc. Mấy hôm nay Trung Quốc liên tục diễn tập ở khu vực đảo Gạc Ma, có cả máy bay quần thảo trên bầu trời. Nhưng đối với các anh đó là chuyện bình thường và các anh luôn vững chắc tay súng, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ.
Có một điều đặc biệt. Trên đảo Cô Lin có một bàn thờ thường xuyên hương khói để sưởi ấm cho 64 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến với Trung Quốc vào ngày 14-3-1988. Các chiến sĩ trên đảo Cô Lin tâm sự rằng các anh luôn cảm thấy 64 liệt sĩ vẫn đang cùng mình đứng canh giữ biển, đảo Tổ quốc.
Ông Nguyễn Đức Quang, Giám đốc Quỹ học bổng Vừ A Dính thắp hương tại bàn thờ cho 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma năm 1988 được đặt tại đảo Cô Lin. Ảnh: LÊ PHI
Trung úy Ngô Thế Nam (quê Thạch Hà, Hà Tĩnh), tâm sự anh được tăng cường ra Cô Lin được một năm nay. Theo Trung úy Nam, cũng giống như các đảo khác, cái thiếu thốn nhất của Cô Lin vẫn là rau xanh, nước ngọt... và luôn muốn được gặp người từ đất liền, đặc biệt nếu đó là người thân thì món quà đó quý giá vô cùng.
“Ở đây anh em mỗi người mỗi quê nhưng quý mến và yêu thương nhau còn hơn anh em ruột thịt” - Trung úy Nam chia sẻ.
Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình và các thành viên trong đoàn biểu diễn văn nghệ cùng các chiến sĩ trên đảo Cô Lin. Ảnh: LÊ PHI
Tiết mục văn nghệ do Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình cất lên. Những ca khúc bi tráng về Trường Sa vang vọng cả vùng biển trời Gạc Ma - Cô Lin. Tay trong tay, lính đảo và người đất liền hòa chung một nhịp đập thổn thức về một phần chủ quyền Tổ quốc đang bị ngoại bang chiếm đóng trái phép.
Tạm xa lính đảo Cô Lin trong bịn rịn. Đoàn công tác thông báo tàu 996 sẽ neo lại ngay trên vùng biển Gạc Ma - nơi đã diễn ra trận hải chiến 1988, để làm lễ tượng niệm, thả hoa đăng cho 64 người con ưu tú của dân tộc đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Nơi các anh nằm xuống
16 giờ ngày 11-5, Đại tá Đoàn Huy Tòng (Phó Chủ nhiệm Hậu cần Bộ Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam) đã đọc điếu văn tưởng niệm 64 liệt sĩ đã ngã xuống trong trận hải chiến năm 1988. Nhiều người nghẹn ngào khi Đại tá Tòng trầm hùng đọc những câu điếu văn đau thương đầu tiên.
Đại tá Tòng xúc động: “Trên vùng biển này, cách đây 28 năm, đã diễn ra cuộc chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của cán bộ chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam vì sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. Trong giờ phút thiêng liêng xúc động, với lòng thành kính tiếc thương vô hạn, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam anh hùng đã hiến trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc thân yêu”.
Lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ được tổ chức trang trọng ngay trên vùng biển Gạc Ma nơi các anh nằm xuống vì Tổ quốc thân yêu. Ảnh: LÊ PHI
Theo Đại tá Tòng, trong lịch sử dựng nước hàng ngàn năm của dân tộc ta thì biển, đảo luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt và có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Bằng máu xương, công sức, mồ hôi và nước mắt, các thế hệ người Việt đã xác lập, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia trên biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa.
Những ném hương ngưỡng vọng của thế hệ trẻ hôm nay dành cho các anh bằng tất cả sự thành kính. Ảnh: LÊ PHI
Đầu năm 1988, để ngăn chặn ý đồ của Trung Quốc đánh chiếm một số bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa, với ý chí quyết tâm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh của trái tim, các lực lượng hải quân đã dũng cảm vượt mọi khó khăn, chạy đua với thời gian để củng cố thế đứng của ta trên khu vực quần đảo Trường Sa...
Thả hoa đăng tưởng niệm các anh. Ảnh: LÊ PHI
“Song bất chấp công lý và lẽ phải, ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã bất ngờ tấn công đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Trong cuộc chiến đấu không cân sức, giữa cán bộ chiến sĩ của ta trong tay chỉ có cuốc, xẻng với lực lượng tàu chiến đấu hùng hậu của Trung Quốc có trang bị vũ khí hiện đại đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của các cán bộ chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng. Dẫu biết rằng có thể sẽ hy sinh nhưng trước sự đe dọa và hành động dã man của Trung Quốc, các anh không hề run sợ, không lùi bước, đã dũng cảm, ngoan cường chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển đảo đến hơi thở cuối cùng” - giọng Đại tá Tòng nghẹn lại.
Không khí đau thương, uất hận của 28 năm trước như đang ùa về trên vùng biển Gạc Ma.
Tạm biệt Cô Lin và hẹn gặp lại. Ảnh: LÊ PHI
Đại tá Tòng tiếp nối dòng cảm xúc: “Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương (Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma) đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh mình động viên đồng đội không được lùi bước, để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng. Đó là anh hùng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc đã mưu trí chỉ huy tàu HQ 505 vừa chiến đấu vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm”.
Đêm đó, tàu 996 và chúng tôi đã neo lại trên vùng biển Gạc Ma-Cô Lin để được gần thêm với anh linh 64 người con ưu tú của dân tộc. Một số người đã ngâm thơ cho các anh nghe trong đêm trăng vằng vặc giữa tháng năm. Trong đêm xanh thẳm giữa biển trời bao la sóng vỗ, các anh nằm đó nhưng tấm gương hy sinh anh dũng của các anh sẽ mãi là ngọn lửa thắp lên lòng yêu nước không bao giờ tắt trong mỗi người đang sống...