Những hiểu lầm về bệnh viêm phế quản

Viêm phế quản là bệnh có thể xảy ra quanh năm với mọi người, đặc biệt là trẻ em. Thế nhưng việc phát hiện bệnh viêm phế quản hầu hết là trễ vì khó nhận thấy những dấu hiệu đặc trưng và khó phân biệt với bệnh ho thông thường.

Phân biệt viêm phế quản và bệnh ho

Có thể coi ho như một cơ chế bảo vệ bộ máy hô hấp. Ho thường chia làm hai loại là ho khan và ho có đàm. Ho khan là loại ho hoàn toàn không khạc đàm. Nó làm cho người bệnh luôn cảm thấy đau rát họng, tức ngực và đôi khi đau ở vùng bụng. Ho khan thường gặp trong bệnh cúm, người nghiện thuốc lá, thuốc lào, người ngửi phải nhiều khói bếp như bếp than, bếp củi, khói rơm rạ và cũng có thể gặp trong một số trường hợp bị cảm lạnh đột ngột. Còn ho có đàm là khi người bệnh ho kèm theo biểu hiện khạc nhổ các chất nhầy được tiết ra ở niêm mạc đường hô hấp bị viêm. Ho có đàm thường gặp trong các bệnh lý viêm nhiễm ở đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản...

Bệnh viêm phế quản thường được biểu hiện bởi các dấu hiệu như ho thường xuyên, ho kéo dài dai dẳng, thường ho vào buổi sáng sớm khi mới ngủ dậy kèm theo khạc đàm. Lúc đầu có thể đàm có màu trắng, sau đó chuyển sang màu vàng hoặc màu xanh, khó thở, thở khò khè, người mệt mỏi, uể oải, có thể có sốt kèm theo ớn lạnh, đau ngực hoặc khó chịu, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.

 
Để tránh bị tái nhiễm viêm phế quản cấp, cần bỏ thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc lá, khói bụi.

Những sai lầm trong điều trị

Nhiều người lầm tưởng bệnh viêm phế quản chỉ là bệnh ho hoặc biết đúng bệnh mà vẫn coi thường nên dẫn đến ba sai lầm thường gặp trong điều trị bệnh viêm phế quản như sau:

- Tự mua và uống thuốc kháng sinh: Khi bị ho mà không cần biết nguyên nhân là gì thì theo phản ứng tự nhiên, người bệnh thường tự tìm đến các hiệu thuốc để mua thuốc kháng sinh điều trị. Trong một số trường hợp, các bác sĩ không có chuyên khoa về bệnh hô hấp cũng kê toa cho người bệnh dùng thuốc kháng sinh. Đây là một sai lầm hết sức tai hại, bởi việc sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định rất dễ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như lờn thuốc hoặc xảy ra phản ứng dị ứng rất nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp nếu viêm phế quản do virus gây ra thì kháng sinh lại càng không có tác dụng và thế là bệnh sẽ càng trầm trọng hơn.

- Tự ý mua và uống thuốc chống ho: Thông thường người bệnh viêm phế quản bị ho rất nhiều. Mỗi cơn ho có thể kéo dài và ho liên tục. Người bệnh rất khó chịu, mệt mỏi, đau tức ngực, đau bụng, ăn uống kém, ngủ kém và luôn mong muốn nhanh chóng khắc chế được cơn ho. Do đó người bệnh thường tự ý mua thuốc chống ho về điều trị. Ngay cả không ít thầy thuốc vẫn cứ cho người bệnh viêm phế quản dùng thuốc chống ho mà không biết rằng thuốc chống ho ngoài tác dụng ức chế cơn ho nó còn làm cho người bệnh khó khạc đàm. Đặc biệt với viêm phế quản ở giai đoạn ho có khạc đàm thì lượng đàm sau khi xuất tiết lẽ ra phải được tống thải ra ngoài qua phản xạ ho khạc nhưng vì thuốc chống ho đã làm mất phản xạ ho và đàm bị đặc quánh lại nên không ho khạc được. Đàm nhớt do đó sẽ bị ứ đọng lại trong đường hô hấp làm cho tình trạng nhiễm trùng càng trầm trọng hơn. Vì thế người bệnh tuyệt đối không nên tự tiện mua thuốc chống ho để điều trị khi không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

- Tự ý ngưng điều trị mà không theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa: Trong một số trường hợp, sau khi điều trị được vài liều, bệnh tình có thuyên giảm đôi chút như bớt sốt, giảm ho thì người bệnh lại tự ý ngưng điều trị mà không tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Đây là sai lầm rất lớn và rất thường gặp ở hầu hết người bị viêm phế quản, nguy hiểm nhất là trong trường hợp viêm phế quản do vi trùng phải sử dụng kháng sinh để điều trị. Khi đó vi khuẩn có thể mới bị tiêu diệt một phần hoặc chỉ bị suy yếu chứ chưa bị loại trừ hoàn toàn. Người bệnh bỏ thuốc thì vi khuẩn có thể sẽ tiếp tục sinh sôi, phát triển trở lại, tiếp tục gây bệnh và nguy hiểm hơn là chúng sẽ đột biến gây nên tình trạng lờn thuốc.

BS HỒ VĂN CƯNG

 

Phân biệt viêm phế quản cấp tính và mạn tính

Viêm phế quản cấp tính là tình trạng nhiễm khuẩn nhanh và ngắn hạn ở các phế quản. Viêm phế quản cấp tính gây ra sưng và tăng tiết dịch (đàm) gây ra khó thở. Có thể có ho và thở khò khè do lượng dịch xuất tiết nhiều trong phế quản. Còn viêm phế quản mạn tính là ho khạc lâu ngày, ít nhất là 90 ngày trong một năm và đã kéo dài hai năm liên tục, sau khi loại trừ các nguyên nhân khác (lao, apxe, giãn phế quản...)
Có ba loại viêm phế quản mạn tính chính: Thể đơn thuần ho khạc đàm nhày; thể đàm mủ (hay mắc đi mắc lại); và thể khó thở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm