Các nhà khoa học thuộc Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ), quan sát thấy rằng, thay vì bơi theo một đường thẳng, các "tinh binh" dịch chuyển theo đường xoắn ốc để tới nơi dòng chảy thấp nhất. Họ cũng phát hiện, các tinh trùng có thể đã kết hợp với nhau thành nhóm, thay vì cạnh tranh, để đến đích cuối cùng.
Những kết luận trên được rút ra sau khi các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu về quá trình tinh trùng tìm đến với trứng.
Như chúng ta đã biết, trong số hàng trăm triệu "con giống" bắt đầu cuộc hành trình xuyên qua vòi trứng, chỉ có một vài trong số chúng cán đích. Những "tinh binh" này không chỉ phải bơi đúng hướng suốt khoảng cách xa gần gấp 1.000 lần chiều dài cơ thể của chúng, mà còn phải tiếp xúc với vô số hóa chất khác nhau dọc đường đi.
Để làm rõ cách thức tinh trùng đối phó với thách thức này, giáo sư Jorn Dunkel và các cộng sự thuộc Viện công nghệ Massachusetts đã thiết lập một "cuộc đột kích mini của tinh binh" trong phòng thí nghiệm, sử dụng hàng loạt ống dẫn kích cỡ khác nhau. Kết quả hé lộ, ở những tốc độ dòng chảy nhất định, các tinh trùng có khả năng bơi ngược dòng hiệu quả suốt nhiều phút.
Các tinh trùng có xu hướng tránh trung tâm ống dẫn, nơi có dòng chảy nhanh nhất, và ngọ nguậy dọc các tường ống dẫn theo cử động xoắn ốc. Nhóm nghiên cứu nghi ngờ chúng cũng làm điều tương tự trong ống dẫn trứng khi bơi về phía trứng. Ngoài ra, các "tinh binh" đã tập hợp lại thành mảng, có thể nhằm bơi nhanh hơn và tăng khả năng thụ thai.
Giáo sư Dunkel giải thích: "Quan niệm phổ biến cho rằng, giữa các tinh trùng có sự cạnh tranh, trong đó tinh bình nào khỏe mạnh nhất sẽ tiếp cận trứng đầu tiên. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây của chúng tôi và những người khác cho thấy, các con giống thực tế luôn tụ họp trên bề mặt của một ống dẫn. Đây có thể là sự hợp tác của chúng, nhằm bơi nhanh hơn".
Theo Tuấn Anh(VNN / BBC)