Những lỗi phổ biến khi xử án kinh tế

TAND Tối cao vừa hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm trong vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa bà Đặng Thị Ái Hoa (chủ DNTN thương mại vận tải và dịch vụ Trung Hiếu) với Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội - Chi nhánh tỉnh Gia Lai.

Tranh việc của tòa khác

Theo hồ sơ, bà Hoa mua bảo hiểm xe cơ giới và trách nhiệm dân sự cho hai ô tô của DN tại chi nhánh công ty bảo hiểm trên. Sau đó sự kiện được bảo hiểm xảy ra tại tỉnh Kon Tum. Vì không thống nhất được vấn đề bồi thường, bà Hoa đã khởi kiện công ty bảo hiểm ra TAND tỉnh Kon Tum (nơi tai nạn xảy ra, cũng là nơi công ty của bà Hoa đặt trụ sở).

Sau khi TAND tỉnh Kon Tum thụ lý, phía công ty bảo hiểm liên tục có văn bản phản đối vì không đúng thẩm quyền. Bởi theo BLTTDS, trong trường hợp này TAND TP Hà Nội (nơi công ty bảo hiểm có trụ sở chính) hoặc TAND tỉnh Gia Lai (nơi công ty bảo hiểm có chi nhánh) mới có thẩm quyền giải quyết.

Tuy nhiên, TAND tỉnh Kon Tum vẫn tiếp tục giải quyết vụ án vì cho rằng nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết theo điểm g khoản 1 Điều 36 BLTTDS và Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Sau đó cấp phúc thẩm cũng y án sơ thẩm mà không xem xét lại.

Theo Tòa Kinh tế TAND Tối cao, trong vụ án này ngay từ đầu lẽ ra TAND tỉnh Kon Tum phải hướng dẫn đương sự đến tòa án có thẩm quyền để khởi kiện nếu chưa thụ lý. Trong trường hợp đã thụ lý thì tòa phải chuyển hồ sơ theo quy định ngay sau khi bị đơn có ý kiến về thẩm quyền giải quyết của tòa.

Tòa kinh tế phân tích: Các viện dẫn của TAND tỉnh Kon Tum để tiếp tục giải quyết vụ kiện là không đúng. Bởi theo điểm g khoản 1 Điều 36 BLTTDS, TAND tỉnh Kon Tum chỉ có thẩm quyền giải quyết vụ án khi các đương sự có thỏa thuận bằng văn bản là chọn tòa này giải quyết, trong khi ở đây hoàn toàn không có thỏa thuận. Mặt khác, tai nạn xảy ra tại tỉnh Kon Tum chứ không phải hợp đồng được thực hiện tại đây. Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm mà TAND tỉnh Kon Tum dẫn ra là quy định về giám định tổn thất chứ không phải quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm.

Tương tự là vụ tranh chấp hợp đồng mua bán sơn giữa Công ty Cổ phần Công nghiệp Hóa chất và Vi sinh (nguyên đơn) với ông Võ Minh Thuận, Giám đốc DNTN thương mại dịch vụ sản xuất TC&P, do TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm.

Theo quy định của BLTTDS thì tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp quận, huyện. Việc nguyên đơn khởi kiện bị đơn ra TAND TP.HCM (tòa cấp tỉnh) là không đúng thẩm quyền nhưng tòa vẫn thụ lý giải quyết. Sau đó tòa cấp phúc thẩm cũng không phát hiện ra sai lầm này của tòa cấp sơ thẩm mà vẫn giữ nguyên bản án. Vì vậy Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại cho đúng thẩm quyền.

Xử lý sai tài sản bảo đảm

TAND Tối cao cũng vừa hủy hai bản án sơ, phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Nghệ An giữa Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam với Công ty Cổ phần Xây dựng 16 - Vinaconex vì xử lý sai về tài sản bảo đảm của người liên quan.

Trong vụ án này, ông Trần Quốc Toản đem tài sản chung của vợ chồng ông để bảo đảm khoản vay cho công ty xây dựng nhưng vợ ông không biết. Tòa cấp phúc thẩm xác định tài sản đem bảo lãnh này là tài sản chung của vợ chồng ông Toản nhưng tuyên bố hợp đồng bảo lãnh “vô hiệu phần liên quan đến vợ ông Toản, phần còn lại vẫn có hiệu lực”.

Theo Tòa Kinh tế TAND Tối cao, việc nhận định và tuyên án như trên là không đúng. Bởi theo BLDS, tài sản chung của vợ chồng bị vô hiệu từng phần khi “một phần của giao dịch vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch”. Trong trường hợp này, tài sản mà ông Toản đem thế chấp, bảo lãnh do vợ ông Toản đứng tên trong giấy chứng nhận; tài sản này là tài sản chung hay riêng của vợ ông Toản chưa được các cấp tòa làm rõ; khối tài sản này không thể phân chia. Mặt khác, nếu xác định tài sản chung vợ chồng thì theo BLDS, “việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật”. Do đó nếu hợp đồng bảo lãnh chỉ có một mình ông Toản ký, vợ ông không ký và không biết việc chồng bảo lãnh khoản vay thì hợp đồng bảo lãnh này vô hiệu toàn phần chứ không phải một phần.

Vụ khác, bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết có đem quyền sử dụng đất của hộ gia đình để đảm bảo khoản vay cho ông Mai Trung Triều tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Vĩnh Long. Hợp đồng thế chấp này chỉ có bà Tuyết ký, chồng bà không ký nhưng vẫn được UBND phường chứng thực. Tòa cấp sơ thẩm xử hủy bỏ hợp đồng bảo lãnh trong khi tòa cấp phúc thẩm tuyên hợp đồng vô hiệu một phần.

Hai bản án này bị TAND Tối cao hủy với lý do nhà đất trong hợp đồng bảo lãnh là tài sản chung nhưng hợp đồng chỉ có bà Tuyết ký, chồng bà thì không và bà Tuyết cũng không được chồng ủy quyền cho ký. Vì vậy hợp đồng bảo lãnh này là vô hiệu toàn bộ. Tòa cấp phúc thẩm nhận định vô hiệu một phần và buộc bà Tuyết thực hiện việc thanh toán nợ vay cho ông Triều với giá trị nửa tài sản khi ông Triều không trả được nợ hay trả không đủ nợ là không đúng luật.

HOÀNG YẾN

 

Vận dụng hướng dẫn cũ

Một số tòa đang thắc mắc là có thể căn cứ vào Nghị quyết 05/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Trọng tài kinh tế) để xem xét thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu hay không khi hiện nay cơ quan có thẩm quyền chưa có hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại.

Theo Tòa Kinh tế TAND Tối cao, Pháp lệnh Trọng tài kinh tế đã hết hiệu lực từ ngày Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực (1-1-2011). Về nguyên tắc, các văn bản hướng dẫn thi hành pháp lệnh cũng hết hiệu lực, trừ trường hợp “các thỏa thuận trọng tài ký trước ngày Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực được thực hiện theo các quy định của pháp luật tại thời điểm ký thỏa thuận trọng tài” (khoản 3 Điều 81 Luật Trọng tài thương mại). Do đó với các thỏa thuận trọng tài ký trước ngày Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực thì khi chưa có hướng dẫn thi hành luật này, ngoài việc căn cứ theo các quy định của Luật Trọng tài thương mại, các tòa có thể tham khảo thêm hướng dẫn của Nghị quyết 05/2003 để xem xét thỏa thuận trọng tài có bị vô hiệu hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm