Những lỗi vi phạm mà người đi bộ thường bị xử phạt

(PLO)- Xin hỏi pháp luật quy định đối với người đi bộ tham gia giao thông ra sao? Nếu vi phạm thì bị xử phạt như thế nào?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện nay, nhiều người đi bộ đi không đúng phần đường, đi ngược chiều hoặc đi dưới lòng đường,… gây ảnh hưởng giao thông. Tôi đã chứng kiến một số vụ tai nạn mà nguyên nhân là do người đi bộ đã đi dưới lòng đường kiểu này.

Xin hỏi pháp luật quy định đối với người đi bộ tham gia giao thông ra sao? Nếu vi phạm thì bị xử phạt như thế nào?

Bạn đọc Văn Thuận (TP.HCM)

Luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:

Tại Điều 32 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã có quy định rất rõ về vấn đề người đi bộ tham gia giao thông phải thực hiện để đảm bảo an toàn. Nếu không tuân thủ quy định sẽ bị xử phạt theo pháp luật. Cụ thể như sau:

- Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.

- Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.

-Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

- Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

- Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.

Pháp luật đã quy định rất rõ là người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Ảnh: HUỲNH THƠ

Pháp luật đã quy định rất rõ là người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Ảnh: HUỲNH THƠ

Những trường hợp người đi bộ được nhường đường (theo khoản 4 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ) gồm có:

- Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

- Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.

Về mức xử phạt, căn cứ Điều 9 Nghị định 100/2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021) về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với các hành vi vi phạm: Không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn...

Ngoài ra, đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Như vậy, pháp luật đã quy định rất rõ về phần đường dành cho người đi bộ, về quyền và nghĩa vụ của người đi bộ khi tham gia giao thông cũng như các chế tài xử phạt. Vì thế mỗi người dân khi tham gia giao thông dù là đi bộ hay bất kỳ phương tiện nào cũng cần phải có ý thức chấp hành để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho mọi người xung quanh.

Trường hợp bạn hỏi (bạn thường thấy người đi bộ hay đi dưới lòng đường gây cản trở giao thông), pháp luật đã quy định rất rõ là người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Nếu không tuân thủ đúng điều này mà gây ra tai nạn giao thông thì người đi bộ vẫn phải chịu trách nhiệm hành chính, thậm chí là hình sự.

Cụ thể, nếu người đi bộ vi phạm giao thông như băng qua đường, đi dưới lòng đường (là nguyên nhân chính) dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 3 điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 thì có thể đối diện với việc bị phạt tù cao nhất là 15 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm