Những nguyên nhân dẫn tới căng cơ, đau lưng cấp tính

Ngày 3-7, BV Đại Học Y Dược TP.HCM, cho biết BV vừa điều trị bệnh đau lưng cấp tính cho bệnh nhân Trịnh Xuân D, 30 tuổi, nhân viên văn phòng một công ty phần mềm.

Theo anh D, thời gian làm việc trên máy tính trung bình của anh khoảng 10 tiếng/ngày. Sau một  đêm thức dậy, anh D đột ngột bị căng cứng cơ ngay hông phía sau lưng, không cử động được, đau nhiều.

Đến khám tại BV ĐHYD, anh được bác sĩ cho thuốc giảm đau, giãn cơ kết hợp nghỉ ngơi thì tình trạng đau thuyên giảm. Các bác sĩ nhận định nguyên nhân có thể do anh đã ngủ sai tư thế hay do ngồi làm việc sai tư thế trong một thời gian dài dẫn đến tình trạng đau lưng cấp tính.

Nhiều người vẫn chủ quan với căn bệnh này

Trường hợp tiếp theo là của một bệnh nhân nữ  tên Mai Thị H, 28 tuổi, ngụ tại TPHCM, nhân viên kế toán công ty bất động sản. Do tính chất công việc nên chị H phải ngồi trước máy tính liên tục 8 tiếng/ngày. Thời gian gần đây, chị cảm thấy bị đau cổ gáy kèm tê tay trái, đi khám được chỉ định chụp X – quang cột sống cổ thấy thoái hóa cột sống, được điều trị thuốc giảm đau, giãn cơ kết hợp nghỉ ngơi tích cực nhưng cơn đau vẫn không thuyên giảm.

Sau đó, chị H được bác sĩ chỉ định chụp MRI thì phát hiện bị thoái hóa cột sống cổ ở độ tuổi rất trẻ và chỉ định phải phẫu thuật. Sau phẫu thuật, chị H được tập vật lý trị liệu, hiện tình trạng bệnh đã ổn định hơn.

Theo BS CKI. Cao Thanh Ngọc, Trưởng đơn vị Nội Cơ Xương Khớp, BV ĐHYD, hiện nay thoái hóa đĩa đệm – cột sống thường gặp ở lứa tuổi trẻ hơn, đặc biệt là đối với dân văn phòng. Mặc dù không phải làm những công việc nặng nhọc, nhưng người làm việc trong văn phòng thường ngồi lâu liên tục (trung bình 6 – 8 tiếng/ngày) hay ngồi không đúng tư thế như cúi người ra trước và hai chân co dẫn tới áp lực lên đĩa đệm gấp 5 lần trọng lượng cơ thể, tương đương việc cơ thể phải khiêng vật nặng 275 kg liên tục.

Được biết, tại phòng khám Nội Cơ Xương Khớp BV ĐHYD cũng thường xuyên tiếp nhận người bệnh làm việc văn phòng đến khám do đau cột sống cổ và cột sống thắt lưng.

Đối tượng thường gặp nhất là nhân viên văn phòng có tính chất công việc ngồi liên tục

Thoái hóa khớp là bệnh diễn tiến âm thầm trong khớp, bào mòn và phá hủy sụn khớp. Lúc đầu người bệnh thường có những cơn đau thoáng qua, nên thường chủ quan. Nhưng càng về sau thì các cơn đau trở nên dai dẳng và kéo dài hơn. Thoái hóa khớp gây đau nhức, biến dạng khớp, dính khớp làm người bệnh mất chức năng vận động khớp gây tàn phế và giảm chất lượng cuộc sống.

Theo tác giả Humphreys đăng trên tạp chí American Family Physician, các tư thế của cơ thể có tác động lên đĩa đệm với trọng lượng khác nhau. Trường hợp cụ thể (hình minh họa), đối với một người có trọng lượng 50kg, áp lực lên đĩa đệm khi nằm ngửa là 25kg, khi nằm nghiêng là 75kg, khi đứng thẳng là 100 kg, khi đứng cúi người là 150 kg, khi đứng cúi người và nâng vật nặng là 210kg, khi ngồi lưng thẳng và chân thẳng là 150 kg, khi cúi người ra trước và chân vuông góc là 200kg. Đáng lưu ý, khi cúi người ra trước và 2 chân co – Tư thế thường gặp của người làm văn phòng, áp lực lên đĩa đệm lên tới 275 kg.

Khoảng 80% xương trong cơ thể là xương đặc, còn lại là xương xốp có tỉ lệ phân bố không đồng đều giữa các xương. Nơi nào xương xốp nhiều thì bị loãng xương nhiều hơn, khớp nào chịu lực nhiều hơn thì sẽ thoái hóa nhanh hơn. Thoái hóa khớp thường gặp ở cột sống cổ, cột sống lưng, khớp gối, khớp háng, khớp cổ tay, khớp cổ chân,…Trong đó, thoái hóa đĩa đệm - cột sống thường xảy ra sớm hơn các mô xương khác và cũng là nơi dễ gặp tình trạng loãng xương nhất (có 75% xương xốp và 25% xương đặc). Tỷ lệ thoái hóa thường gặp 10% ở thiếu niên, 20% ở người 50 tuổi và 60% ở người 70 tuổi.

 

Nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh loãng xương và thoái hóa khớp, Đơn vị Nội Cơ Xương Khớp BV ĐHYD sẽ tổ chức chương trình tư vấn miễn phí “Những điều cần biết về bệnh loãng xương và thoái hóa khớp” với sự đảm nhiệm của đội ngũ bác sĩ có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn cao. Qua đó, giúp người dân có sự hiểu biết rõ ràng, đúng đắn về cách phòng và điều trị bệnh loãng xương - thoái hóa khớp. Đối tượng tham dự chương trình là người có quan tâm đến bệnh loãng xương hoặc thoái hóa khớp, người đang mắc bệnh có các biểu hiện đau nhức, sưng đau khớp hoặc cứng khớp.

Thời gian:  08h00, Chủ nhật, ngày 09/07/2017

Địa điểm:   Giảng đường 3A, lầu 3, khu A, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM,  215 Hồng Bàng, P.11, Quận 5, TPHCM

Điện thoại liên hệ: (08) 3952 5449 – (08) 3952 5422

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm