Những ông bụt của bệnh nhi

(PLO)- Đó là những bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ, ngày đêm lặng lẽ, tìm cách để biến những ước mơ tưởng chừng không thể thành hiện thực, đem lại niềm tin và hy vọng cho bao người.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ThS-BS Bùi Thị Thanh Huyền, điều hành khoa Chăm sóc giảm nhẹ BV Nhi đồng Thành phố, TP.HCM, cho biết khoa từng điều trị cho bé trai TP (hai tuổi) bị teo cơ tủy, phải đặt nội khí quản, thở máy liên tục. Suốt sáu tháng con phải điều trị, người mẹ không được bế con.

Ba tháng chuẩn bị cho điều ước 30 phút

Trong một lần nghe được ước mong của mẹ bé P là muốn bế con trong vòng tay, các bác sĩ (BS) đã lên kế hoạch để hai tuần sau đó, bé P được mẹ bế tại giường bệnh trong thời gian 5 phút, có BS đứng cạnh bóp bóng ôxy.

Các bác sĩ đưa bé C ra xe để về thở máy tại nhà. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Các bác sĩ đưa bé C ra xe để về thở máy tại nhà. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Sau đó người mẹ lại ước được cùng con đi dạo quanh khuôn viên BV. Với bệnh nhi thở máy, việc đưa ra khỏi giường bệnh cần phải chuẩn bị rất nhiều về mặt y tế. Cũng chính vì đi xa không đủ an toàn nên cuối cùng chúng tôi chuyển hướng để mẹ bế con ra cửa cùng ngắm cây thông Noel. Các BS đã mất khoảng ba tháng chuẩn bị cho điều ước kéo dài 30 phút của hai mẹ con” - BS Huyền chia sẻ.

BS chăm sóc giảm nhẹ không chỉ hoàn thành nguyện ước cuối hay giúp đỡ bệnh nhân lúc tuyệt vọng mà còn đem lại niềm vui và hy vọng sống, giúp bệnh nhân có thể điều trị lâu dài. Trước đây tôi đưa các bệnh nhi về bằng xe cấp cứu 0 đồng là khi đã hết hy vọng, riêng bé C khi được đưa về nhà là thêm hy vọng sống. Đây là động lực để tôi tiếp tục giúp đỡ, tài trợ máy thở, máy CPAP, trang thiết bị y tế bắt buộc trang bị tại nhà cho các bệnh nhi khác.

Ông HOÀNG VĂN THẮNG (65 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM), người tài trợ máy thở cho bệnh nhi C

Cũng theo BS Huyền, sau khi được sự đồng ý của ban giám đốc BV, hành trình ngắm cây thông Noel được chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhân sự, trang thiết bị, bộ dụng cụ cấp cứu, kế hoạch di chuyển, dự trù các tình huống xảy ra. Có ba BS và một điều dưỡng khoa Chăm sóc giảm nhẹ cùng một BS khoa Gây mê hồi sức tham gia.

“Đây là trường hợp thở máy đầu tiên được tổ chức đi dạo nên chúng tôi muốn đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nếu có sai sót, sợ sau này rất khó để tổ chức cho các bé khác” - BS cho hay đồng thời bộc bạch ánh mắt trong veo của các bệnh nhi và nụ cười hạnh phúc của cha mẹ chính là động lực để các BS tiếp tục thực hiện nhiều điều ước khác.

Bệnh nhi đã thể thở máy tại nhà

Đầu tháng 4-2023, BS Huỳnh Duy Quang, khoa Chăm sóc giảm nhẹ, là BS điều trị và trực tiếp đưa bé KC (ba tuổi, ngụ Sóc Trăng) về thở máy tại nhà. Bé C mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp. Trải qua quá trình hậu phẫu kéo dài, bé có phục hồi nhưng mắc chứng não, ho khạc kém do sốc - thiếu ôxy não. Bé đã cai máy thở, đang thở CPAP (thở áp lực dương liên tục) xen kẽ ôxy, tiên lượng lệ thuộc ôxy kéo dài.

“Bệnh nhi đã nằm viện ba năm, được về nhà một lần nhưng nhanh chóng quay lại BV do sức khỏe chưa ổn định. Biết nguyện vọng của mẹ bệnh nhi là được cùng con về nhà, chúng tôi đã tìm giải pháp và kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ máy thở cho bệnh nhi. Đây là trường hợp đầu tiên khoa lập kế hoạch cho thở máy tại nhà” - BS Quang chia sẻ.

Cũng theo BS Quang, bệnh nhi C có lợi thế lớn vì cha là nhân viên y tế, có kiến thức, kỹ năng và khả năng tiếp cận nguồn lực y tế chăm sóc con thở máy tại nhà. Tuy nhiên, vẫn có rào cản khác như các thành viên trong gia đình chưa được đào tạo về kỹ năng sơ cấp cứu, tình trạng điện không ổn định…

Từ cuối năm 2022, mỗi ngày một chút, các BS bắt đầu giúp bệnh nhi đạt được các tiêu chuẩn thở máy tại nhà, song song đó đào tạo cho mẹ bệnh nhi cách hồi sức cấp cứu, xử trí khi con bị tím. “Ở thời điểm xuất viện, bệnh nhi và gia đình đã hoàn tất các tiêu chuẩn an toàn theo kế hoạch. Chúng tôi trực tiếp đưa bệnh nhi về Sóc Trăng để đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển và thiết lập hệ thống máy thở tại nhà. Máy thở CPAP do nhà hảo tâm tài trợ, đã được sử dụng một tuần tại BV để theo dõi, khắc phục các trục trặc” - BS Quang cho hay.

Chị Trần Thị Diễm Mi (mẹ bệnh nhi C) chia sẻ khi về nhà bé được tiếp xúc với ông bà nên phản ứng của bé nhạy hơn và đã có thể cười. Được tận tay chăm sóc bé tại nhà, ông bà mừng phát khóc. Dù bé ở BV khá lâu, coi BV như ngôi nhà thứ hai nhưng được ở nhà lúc nào cũng thoải mái hơn. “Dù con chưa cai được máy thở nhưng được về nhà là vui lắm rồi. Tôi vẫn luôn hy vọng con có thể tự thở, tự ăn và chạy nhảy như bao đứa trẻ khác” - chị Mi bộc bạch và bày tỏ lòng biết ơn những người đã giúp mẹ con chị thực hiện ước mơ tưởng chừng như không thể ấy.

Tiên phong trong hoạt động chăm sóc giảm nhẹ

Khoa Chăm sóc giảm nhẹ của BV Nhi đồng Thành phố được thành lập năm 2017, đến nay đã hỗ trợ chăm sóc giảm nhẹ cho hơn 500 bệnh nhi. Đây cũng là khoa chăm sóc giảm nhẹ đầu tiên và duy nhất tại các BV nhi của TP.HCM.

Hiện khoa tập trung hoạt động chính là giảm đau, lồng ghép sớm chăm sóc giảm nhẹ vào quá trình điều trị, hợp tác đơn vị tâm lý khoa sức khỏe trẻ em để kịp thời hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhi và gia đình. Sắp tới, khoa sẽ tập trung hỗ trợ các bệnh nhi thở máy nằm lâu được về nhà. Trong tương lai, BV sẽ xây dựng khoa Chăm sóc giảm nhẹ có giường nội trú để bệnh nhân được chăm sóc trực tiếp tại khoa. Hiện đề án này đã được Sở Y tế TP.HCM phê duyệt, đợi khoa đảm bảo nguồn nhân lực điều dưỡng sẽ triển khai.

ThS-BS BÙI THỊ THANH HUYỀN,điều hành khoa Chăm sóc giảm nhẹ BV Nhi đồng Thành phố, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm