Những quy định sắp hiệu lực có lợi cho dân

Từ ngày 1-4, một số quy định mới về lao động nước ngoài tại Việt Nam, đăng ký nghĩa vụ quân sự, nâng mức bồi thường bảo hiểm… là những chính sách mới sẽ có hiệu lực.

Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự: Được hưởng lương, tiền ăn…

Nghị định (NĐ) 13/2016/NĐ-CP ngày 19-2-2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự có hiệu lực từ 8-4-2016.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết NĐ 13/2016/NĐ-CP có những quy định mới bảo đảm quyền lợi cho công dân khi đăng ký, tham gia bảo vệ Tổ quốc. “Cụ thể, công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự; khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện được hưởng nguyên lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe đi, về theo quy định hiện hành. Việc chi trả do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện” - luật sư Chánh nói.

Đối với công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước thì được thanh toán tiền ăn bằng mức tiền một ngày ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh; tiền tàu xe đi, về theo quy định; do ban chỉ huy quân sự cấp xã chi trả. Các chế độ chính sách này được thực hiện với cả trường hợp công dân trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị nhưng do ban chỉ huy quân sự cấp huyện chi trả.

Thanh niên TP.HCM lên đường nhập ngũ năm 2016. Ảnh: HTD

Tăng mức bồi thường bảo hiểm bắt buộc

Liên quan về những quy định mới của Thông tư 22/2016/TT-BTC về quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có hiệu lực từ ngày 1-4, luật sư Trương Xuân Tám, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết mức trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm đối với thiệt hại về người và tài sản đều được nâng cao hơn so với quy định cũ. “Đây là sự thay đổi mang tính định lượng trên cơ sở phù hợp với các điều kiện kinh tế-xã hội khi thu nhập, mức sống người dân được nâng cao hơn, các chi phí cấp cứu, điều trị thương tật do tai nạn và chi phí sửa chữa tài sản, phương tiện cũng đã tăng lên. Theo đó, tăng mức trách nhiệm bồi thường từ 70 triệu đồng/người/vụ lên 100 triệu đồng đối với thiệt hại về người; từ 70 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với thiệt hại về tài sản ô tô, xe máy…” - luật sư Trương Xuân Tám nhận định.

Điều đáng mừng cho các chủ phương tiện xe cơ giới là dù quyền lợi tăng nhưng mức phí bảo hiểm mà các chủ phương tiện phải đóng hầu như được giữ nguyên, cá biệt có 13 dòng xe có tỉ lệ tai nạn, rủi ro cao, bao gồm xe 16, 24 và trên 25 chỗ ngồi; xe tải 8-15 tấn, trên 15 tấn và một số loại xe khác (taxi, xe chuyên dùng, đầu kéo rơmoóc, xe máy chuyên dùng)… thì mức phí bảo hiểm phải đóng tăng 10%-20%.

Chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam: Giảm hai năm kinh nghiệm

“Nếu như NĐ 102/2013/NĐ-CP buộc chuyên gia là người lao động nước ngoài tại Việt Nam phải có năm năm kinh nghiệm thì NĐ 11/2016/NĐ-CP ngày 3-2-2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, có hiệu lực từ 1-4-2016, chỉ yêu cầu ba năm. Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” - luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) lưu ý.

Người lao động nước ngoài làm việc tại vị trí chuyên gia quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong một năm không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Giấy phép lao động còn thời hạn ít nhất năm ngày nhưng không quá 45 ngày sẽ được xét cấp lại, thay vì chờ giấy phép hết hạn mới cấp lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới