Những “thân vẹt” trước biển

Chuyện kể rằng cách đây mấy ngàn năm, khi Ngư Lộc chỉ là một vùng bãi bồi nhỏ, ngư dân thưa thớt nhưng luôn khát khao chinh phục biển khơi bất chấp bão giông và các thế lực siêu hình. Thế rồi có một năm, với mong muốn thay đổi cuộc sống, khoảng chục đàn ông trai tráng chung sức đóng thuyền ra khơi. Nhưng chính lần liên kết đầu tiên đó họ đã mãi mãi không trở về. Đau khổ, tuyệt vọng vì mất chồng, mất con, những phụ nữ nơi đây đã hóa thân thành những cây vẹt sống trong nước biển, nằm lẫn trong cát, bám rễ thật sâu vào lòng biển để đêm ngày được lắng nghe những hơi thở của chồng, con đã vĩnh viễn nằm lại với biển…”.

Bà Trần Thị Bảy, người có bốn người thân bị chết trong cơn bão năm 1996, kể về câu chuyện đau thương của làng mình bên bờ biển Diêm Phổ, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa).

Nỗi đau chồng chống nỗi đau

Da nhăn nheo, mái tóc màu muối tiêu, bà Bảy bắt đầu câu chuyện về cơn “đại hồng thủy” 16 năm về trước đã cướp đi 54 sinh mạng con dân Ngư Lộc chỉ trong một đêm. “Kể từ năm 1996 đến nay người dân Ngư Lộc chúng tôi vẫn chưa thể nguôi ngoai về nỗi đau kinh hoàng không gì có thể bù đắp nổi. Hôm đó trời mưa tầm tã nhấn chìm cả Ngư Lộc trong biển nước. Những ngôi nhà rệu rạo như muốn đổ ụp xuống bởi gió bão. Tôi cố gắng băng qua biển nước đi về phía bờ biển Diêm Phổ cùng hai con dâu và các cháu nhỏ với hy vọng bốn người thân (gồm hai con ruột, một người con rể và một cháu trai) sẽ bình an vô sự trở về. Đặt chân đến Diêm Phổ, các con dâu của tôi băng qua thuyền bè bị vỡ nát, lật tứ tung, vừa kêu gào, la thét gọi chồng khi những cơn sóng dữ tợn vẫn gầm rú đâm thẳng vào mạn thuyền, triền đê…”.

Lén gạt những giọt nước mắt, bà Bảy lặng người đi kể tiếp: “Không khí tang thương, đớn đau chưa từng thấy. Hàng trăm phụ nữ, trẻ con, người già khóc lóc thảm thiết khi lần lượt hàng chục xác ngư dân tìm thấy ngoài khơi được đưa lên bờ. Lúc đó chân tôi như ríu lại, chực ngã quỵ nhưng rồi tôi vẫn cố gắng lê từng bước hớt hơ hớt hải tìm cháu con trong số những ngư dân còn sống sót. Nhưng rồi tôi không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy xác những đứa con và cháu mình nằm ngay dưới chân sóng…”.

Những “thân vẹt” trước biển ảnh 1

Vượt trên nỗi đau, những người phụ nữ ở Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) vẫn luôn nở nụ cười lạc quan trong cuộc sống hằng ngày. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Kể đến đây bà Bảy lại nghẹn lời, nước mắt giàn giụa. Phải thật lâu bà mới nói được nên lời. “Đứa con dâu chạy đến ôm tôi khóc thét mà rằng: Mẹ ơi, chết hết cả rồi, không còn ai sống sót nữa…! Số người chết cứ tăng dần, từ 10 rồi 20, 30, 40, 50… Tôi đứng trân người nhìn hàng chục, hàng trăm phụ nữ và trẻ con khóc chồng, khóc con và khóc cha khi nước mắt mình không còn chảy ra được nữa. Tang thương bao trùm cả Diêm Phổ. Những đám tang cứ nối dài trên những triền đê, hết ngày này qua ngày khác…”.

Chưa hết, bà Bảy kể đến năm 2010 chiếc tàu cá của gia đình ông Đô Chữ ở thôn Chiến Thắng gồm chín thuyền viên lại bị mất tích. Trong đó gia đình ông Đô có ba người con trai đều đi trên chuyến tàu định mệnh đó. Rồi năm 2011, chiếc tàu đánh cá của ông Tăng Viết Xô ở thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc cũng theo sóng biển ra đi với đúng chín thuyền viên…

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau. Những người chồng, người con ra đi mãi mãi không về. Đến những ngày giỗ, những người mẹ, người vợ chỉ biết ra biển thắp nén nhang cúng vọng hương hồn, bởi thân xác chồng con họ đã hòa tan cùng biển cả.

Những mặn mòi, tanh tao của biển

Chúng tôi về Ngư Lộc đúng vào mùa biển động dữ dội. Những đợt sóng như những con thú dữ lao thẳng về phía ngư dân rồi ụp xuống như muốn kéo tất cả về phía biển. Những người phụ nữ góa bụa ở đây ban ngày phải tạm nén nỗi đau để bận rộn với cuộc mưu sinh, để rồi khi màn đêm buông xuống, những giọt nước mắt lại lăn dài trên những đôi má gầy gò, khô khốc, héo hon. Dù vậy, họ vẫn cố sức vượt qua nghịch cảnh để lăn lộn kiếm sống nuôi những đứa con thơ dại trưởng thành.

“Năm 1996, có người gọi bảo chồng tôi chết trôi dạt vào biển đang ở ngoài Diêm Phổ. Miếng cơm chưa kịp nuốt, tôi quẳng bát cơm tung tóe ra nền nhà rồi chạy về phía biển. Từ khi chồng mất, tôi chỉ còn biết vin vào ba đứa con làm niềm an ủi. Nhiều lúc tôi muốn buông xuôi tất cả nhưng nghĩ đến con tôi lại phải gượng đứng lên để nuôi chúng ăn học thành người” - chị Lê Thị Quyên tâm sự.

Những “thân vẹt” trước biển ảnh 2

Những “thân vẹt” ở Ngư Lộc vẫn ngày ngày mưu sinh trước biển. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Cũng như chị Quyên, 16 năm qua, chiều nào chị Nguyễn Thị Hải, người có chồng và ba con đã mất trong một lần đi biển, cũng đều ra biển để nhìn về chồng, con nằm lại. Chị khóc: “Khi nhận được tin cả chồng lẫn con bị nằm lại ngoài biển, trái tim tôi nát tan, người quặn đau từng cơn dữ dội. Nhưng khi nhìn đứa con thơ dại còn lại, tôi tự hứa với mình dù thế nào cũng phải sống để nuôi con, thờ chồng và chăm sóc mẹ già. Cũng may, ông trời không cướp đi tất cả, bây giờ con tôi đã học xong đại học. Đó chính là lẽ sống còn lại duy nhất của đời tôi”.

Phó chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, ông Nguyễn Hải Năm, cho biết Ngư Lộc là xã thuần ngư, có 319 phương tiện hoạt động khai thác với hơn 2.000 lao động chủ yếu làm nghề gắn liền với biển. “Người dân ở đây hằng năm đều chịu nhiều rủi ro, mất mát do thiên tai gây ra. Ngư dân phải chung lưng vay ngân hàng để mua tàu cả tỉ đồng. Khi tàu cá gặp nạn thì gia đình họ phải đối mặt với khoản nợ lớn. Tôi mong Nhà nước sẽ hỗ trợ cho ngư dân nhiều hơn để họ yên tâm bám biển và sống được với nghề đi biển” - ông Năm trải lòng.

Còn ngư dân Nguyễn Văn Tuấn, người có hơn 30 năm gắn bó với nghề đi biển thì tâm sự: “Dù là trai hay gái, dù còn trẻ hay đã già như tôi đều muốn gắn bó với biển. Những đứa con sinh ra ở vùng này từ bé đã quen với lưới, với những con sóng biển khơi. Sống với mặn mòi và tanh tao của cá, sống bám biển và giữ biển, dù biết rằng lên thuyền ra khơi là phó mặc số phận cho biển. Cái lẽ của những người con xứ này là vậy, từ xa xưa đã thế, đến giờ vẫn thế, không thể khác được”.

Ngày mới ở Ngư Lộc lại bắt đầu khi mặt trời ló dạng. Lúc này, những chuyến tàu khơi xa mang về cá tôm đầy ắp bắt đầu cập bến. Và những “thân vẹt” lại ra biển gồng gánh cá tôm để mưu sinh và thay chồng nuôi con ăn học thành người.

Họ vẫn ở vậy nuôi con…

Hiện xã Ngư Lộc có gần 200 phụ nữ đơn thân, góa phụ. Hầu hết các chị không đi bước nữa mà chấp nhận ở vậy nuôi con. Đến nay nhiều chị em đã có con học đại học. Có lẽ với các chị đó là niềm động viên, an ủi lớn nhất của cuộc đời.

Để giúp chị em, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với các đoàn thể địa phương hỗ trợ chị em vay vốn để phát triển sản xuất, tư vấn chuyển đổi ngành nghề. Dẫu biết rằng cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng các chị vẫn làm tròn bổn phận người mẹ, người con với gia đình, một số đã trở thành điển hình trong nuôi dạy con cái và phát triển kinh tế.

PHẠM THỊ HÀ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngư Lộc
(Hậu Lộc, Thanh Hóa)

ĐẶNG TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm