Mặc dù đã được cảnh báo trước nhưng khi bước chân vào khoa Hồi sức nội BV Nhân dân 115 TP.HCM, chúng tôi vẫn cảm thấy hơi khó chịu khi thoáng ngửi thấy mùi những chất thải từ cơ thể người bệnh. “Chính vì không chịu nổi áp lực công việc và môi trường làm việc ngột ngạt nên đã có nhiều hộ lý xin nghỉ việc” - bà Cao Thị Thanh Thủy (51 tuổi, hộ lý khoa Hồi sức nội BV Nhân dân 115 TP.HCM) tâm sự.
Chỉ cần bệnh nhân huơ tay là hiểu
Bà Thủy cho hay: Đa phần bệnh nhân nằm tại khoa Hồi sức nội rất nặng, luôn trong tình trạng hôn mê sâu nên hộ lý phải chăm sóc toàn diện. Từ làm vệ sinh răng miệng, lau mình, tắm rửa, thay tã cho đến đổ bô…
Đang trò chuyện với chúng tôi, bỗng một bệnh nhân chừng 54 tuổi gần đó huơ nhẹ tay phải, bà Thủy giải thích: “Bệnh nhân này vừa mới tiểu, anh chờ chút để tôi thay tã” rồi nhanh nhẹn đi về phía bệnh nhân. Thay tã vừa xong, quan sát thấy một bệnh nhân khác trở mình, hiểu ý bà Thủy lại nhanh tay lấy bô đặt phía dưới cho bệnh nhân đi tiêu. Xong xuôi, bà hối hả cầm bô vào phòng vệ sinh đổ rồi rửa sạch.
Vừa bước ra khỏi phòng vệ sinh, một bệnh nhân khác lại trở người nằm nghiêng. Bà Thủy bước tới, ân cần lấy khăn ướt lau mình cho người bệnh. Vừa làm bà vừa giải thích: “Phần lớn bệnh nhân nằm đây khá lâu nên tôi đều hiểu ý thông qua hành động của mỗi người. Nhiều bệnh nhân không thể nói nhưng chỉ cần thấy họ trở mình, huơ tay… là tôi hiểu họ đang cần gì và lập tức có mặt trợ giúp”.
Bà Thủy kể: Bệnh nhân tại khoa Hồi sức nội thuộc diện chăm sóc đặc biệt nên không cho người nhà vào hỗ trợ. Đến giờ thăm, người nhà chỉ được vào nhìn mặt, mọi sinh hoạt cá nhân đều do các hộ lý đảm nhiệm. “Nhiều khi đang đổ bô cho người này thì người kia đã trở mình, rồi tiêu ướt tã… Công việc luôn chân luôn tay, đôi khi vì chưa kịp thay tã chúng tôi lại bị người nhà càm ràm chậm chạp. Họ nhằn thì mình chịu chớ biết nói sao giờ” - bà Thủy trải lòng.
Chị Nguyễn Thị Bích Vân (37 tuổi, hộ lý khoa Ung bướu BV Nhân dân 115) cũng quần quật cả ngày. Mình chị phải chăm sóc cho 45 bệnh nhân. Buổi sáng, việc đầu tiên là chị phải thay drap, phát quần áo cho bệnh nhân. Ai không có thân nhân giúp, hộ lý sẽ giúp thay đồ.
“Nhiều người bị ung bướu, đau nhức nên nằm, ngồi đủ tư thế. Có người nằm nghiêng, có người nằm chống hai tay hai chân, cũng có người ngồi suốt… Do vậy, khi thay quần áo tôi phải cẩn thận từng chút một, tránh động vào vết thương làm bệnh nhân thêm đau” - chị Vân nói.
Ngoài ra, chị còn phải sắp xếp đưa bệnh nhân đi chụp X-quang, CT scan, siêu âm, đo điện tâm đồ… sau đó đợi lấy kết quả. Công việc của những nữ hộ lý cứ quay cuồng như vậy khiến nhiều ngày họ không có cả thời gian ăn trưa.
Hộ lý Cao Thị Thanh Thủy đang vệ sinh cho bệnh nhân. Ảnh: TRẦN NGỌC
Thường xuyên thay quần áo người chết
27 năm gắn bó với công việc hộ lý tại BV Nhân dân Gia Định TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Hằng (53 tuổi, hộ lý khoa Cấp cứu) bộc bạch: “Ngày nào cũng như ngày nấy, do bệnh nhân cấp cứu đông nên tôi phải liên tục đẩy họ đi chụp X-quang, CT scan, siêu âm… rồi đẩy ngược về khoa. Đợi 15 phút sau, tôi sẽ vòng lại lấy kết quả để bác sĩ chẩn đoán cho người bệnh rồi tiếp tục chuyển bệnh nhân lên các khoa để điều trị tiếp”.
Đưa tay quệt mồ hôi tươm ướt trán, bà Hằng kể khoa Cấp cứu là nơi tiếp nhận không ít nạn nhân vô gia cư. Trong số đó nhiều trường hợp tử vong do bệnh tình quá nặng. “Khi có người tử vong, tôi phải xuống nhà xác cách đó hơn 50 m đẩy thùng đựng xác lên. Sau khi lau chùi sạch sẽ, thay quần áo cho người chết, tôi khiêng người ta đặt vô thùng rồi chuyển xuống nhà xác. Hồi trước tôi giấu kín công việc này, không để người thân biết” - bà Hằng tâm sự.
Nhắc về ngày đầu tiên nhận công việc hộ lý, bà Nguyễn Thị Lệ Thu (49 tuổi, hộ lý khoa Hồi sức ngoại BV Nhân dân Gia Định) nhớ lại: Lần đó bà được giao phụ các bác sĩ điều trị một nữ bệnh nhân uống thuốc trừ sâu. Do lượng thuốc ngấm quá nhiều trong cơ thể nên bệnh nhân đã không qua khỏi. “Tôi cùng một hộ lý khác lau sạch, thay quần áo rồi khiêng người chết lên băng ca để chuyển ra xe đưa về nhà. Đêm đó tôi sợ, ám ảnh mãi vì lần đầu đụng vào người chết” - bà Thu kể lại.
Đến nay, sau hơn 18 năm làm hộ lý, bà Thu đã tiếp xúc với khá nhiều ca bệnh nhân tử vong. “Ban đầu thấy sợ, dần dần rồi cũng quen. Lần nào chuyển người chết ra để giao cho người nhà tôi cũng đều buồn cả. Chứng kiến cảnh người thân họ khóc vì đau đớn, tôi cũng thấy đau lòng” - bà tâm sự.
Đang trò chuyện, thấy một bệnh nhân cựa mình, bà Thu lật đật chạy đến đỡ nằm nghiêng rồi liên tục vỗ nhẹ tay lên lưng. “Bệnh nhân nằm lâu khó chịu, lại dễ hầm lưng và bị loét. Vì vậy cần được vỗ lưng cho thoáng, dễ chịu” - bà Thu vừa làm vừa nói.
Công việc của một hộ lý thực sự cực nhọc nhưng tôi nghĩ nếu mình không làm việc này thì ai làm. Người bệnh cần chúng tôi, chúng tôi phải làm hết sức mình vì người bệnh. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, những hộ lý như chúng tôi chỉ mong người bệnh và thân nhân hiểu rõ, thông cảm công việc chúng tôi. Đây sẽ là động lực để chúng tôi tận tâm và gắn bó với công việc đã chọn. Bà NGUYỄN THỊ LỆ THU, hộ lý tại khoa Hồi sức ngoại Có đi sâu mới biết hết nỗi vất vả của hộ lý trong bệnh viện. Công việc của họ hầu như không ngơi tay. Hộ lý (còn gọi là y công) là những người chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân mê man, bất tỉnh. Nếu không có hộ lý, có lẽ bác sĩ và điều dưỡng sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác điều trị bệnh nhân. ThS NGUYỄN THỊ TUYẾT TRINH, Trưởng phòng Điều dưỡng BV Nhân dân 115, TP.HCM |