Thời gian tỉnh táo của anh Đặng Hoàng Phú (44 tuổi, nhà ở ấp Tam Hạp, xã Thái Bình, Châu Thành) nhiều hơn lúc anh lên cơn bệnh nhưng người má già yếu vẫn không dám mở xích cho anh vì bà biết sức mình không kềm nổi mỗi khi con trai lên cơn. Lúc tỉnh anh luôn dằn vặt bản thân đã làm khổ người thân. Nếu được chăm sóc tốt hơn, cơ hội khỏi bệnh cho anh là có.
Từ một tai nạn bất ngờ
Anh Phú từng là một người đàn ông khỏe mạnh, đi làm mướn gánh vác gia đình. Sống bên nhà vợ, anh chăm chỉ đi nhổ mì, coi công thợ mướn. Việc gì cũng làm để lo cho hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học.
Cách đây bốn năm, trong một lần ba anh bị ốm, anh từ nhà vợ chạy xe máy về thăm thì bị một chiếc máy cày quẹt vô té bất tỉnh. Anh phải nằm bệnh viện một thời gian, chủ xe có tới thương lượng nhưng anh nghĩ mình sẽ mau khỏe nên xuề xòa cho qua. Một thời gian sau, sức khỏe của anh không hồi phục mà anh còn có dấu hiệu hoảng loạn, bất an, lảm nhảm như người bị tâm thần. Rồi ba anh mất, bệnh anh trở nặng thêm, má anh đành xích anh vào cột nhà.
Anh Đặng Hoàng Phú và má mình. Ảnh: HM
Má anh nói: “Vợ nó gửi nó về cho tui nuôi, sợ nó lên cơn gây ra chuyện. Vậy là nó về ở với tui. Tui già rồi, không ai mướn làm việc”. Má anh Phú, bà Nguyễn Thị Còn năm nay đã 75 tuổi, bị bệnh tim, gầy gò khắc khổ nhưng ngày ngày vẫn ngược xuôi với xấp vé số để kiếm tiền mưu sinh và chữa bệnh cho con.
Cách đây vài ngày, anh Phú năn nỉ má tháo dây xích để anh về nhà vợ thăm vợ con. Sáng anh đi, chiều anh về với nhiều vết thương trên tay. Hỏi, anh nói đánh lộn với hàng xóm. Má anh thở dài: “Trước đây nó hiền lắm, từ hồi nó bệnh, nó hay nổi khùng đập phá đồ, đánh người ta. Không biết nó lên cơn lúc nào nên từ giờ tôi không dám thả ra nữa”.
Người đàn ông này ngày nào cũng nói với má là nhớ vợ con, muốn được về thăm. Má anh thì không hiểu rằng với căn bệnh này, cần tránh những cú sốc tinh thần. Vậy nên bà hay nói: “Vợ mày nó bỏ mày rồi, con mày nó cũng có chịu về với mày đâu. Giờ chỉ có má sống với mày”. Hàng xóm họ hàng qua nhà thăm cũng hay nói vậy. Không ai hiểu những câu nói vô tình ấy sẽ khiến anh đau khổ hơn, lên cơn nhiều hơn.
Mong hết bệnh để gánh vác gia đình
Những lúc tỉnh anh hiền lành như cục đất. Thấy má mình sáng đi bán, chiều đi hốt phân bò để chắt chiu có tiền đưa anh đi chữa bệnh, anh xót. Gọi má mở xích để anh làm giúp. Anh còn muốn đi nhổ mì kiếm tiền: “Một ngày sức tui làm bằng mấy lần má, vậy mà giờ phải ngồi đây để mọi người cực khổ quá”.
Má anh thì không dám mở xích, bà muốn yên tâm đi làm kiếm tiền. Anh động viên: “Giờ má ráng thuốc thang cho tui khỏi bệnh, sau này tui nuôi má, lo cho má, tui còn phải lo cho gia đình nữa. Sức tui làm được mà giờ bị cột chân vầy”.
Cuộc sống sa sút, tinh thần đau đớn, anh sút ký, gầy gò. Những lúc tỉnh táo anh nhắc má thăm hỏi mấy đứa cháu nội và “đừng trách gì vợ con nữa, vợ con chịu khổ nhiều rồi, má nói tội nghiệp nó”. Nhắc đến vợ con, anh luôn nói bằng giọng rất tình cảm. Anh luôn mong hết bệnh để quay trở về gánh vác gia đình, lo cho vợ con.
Căn nhà mưa dột khắp nơi má anh không dám sửa, tiền bạc dồn hết để chữa bệnh cho anh. Bà kể, trước khi anh bệnh bà đã già yếu, chỉ làm việc túc tắc. Nhưng từ khi anh bệnh bà “không được phép” ốm, ngày nào cũng tất tả đi bán vé số và lượm phân bò từ sáng đến tối. Họ hàng, anh em thỉnh thoảng cũng giúp một ít nhưng không đáng bao nhiêu vì nhà ai cũng nghèo.
Những ngày đi chữa bệnh ở Biên Hòa và Sài Gòn, cô ruột anh phải lên đi cùng, vì má anh già rồi, sợ có chuyện gì không xoay xở kịp. Má anh mua cho anh một chiếc áo thun mới để mặc đi khám bệnh. Thấy anh xúc cơm chan nước tương ngồi trong góc nhà nhai trệu trạo, có hạt cơm rơi ra, anh phủi vội vì sợ dơ áo, bà ứa nước mắt. Anh mới hứa với bà sẽ không “quậy” nữa, ráng hết bệnh để “sống đàng hoàng như người ta”.
Thì hứa vậy, biết đâu sáng hôm sau, cánh cửa gỗ lại long ra bởi cơn giận dữ của anh, vì có ai đó lại vô tình khơi gợi nỗi đau. Thế nào anh cũng ngồi thẫn thờ: “Tại tụi nó nói em khùng nên vợ em bỏ em rồi…”.
MINH NGÔ