Nội quy phiên tòa gây khó nhà báo

LTS: Hôm nay (16-6), Thông tư 01/2014 của TAND Tối cao về nội quy phiên tòa có hiệu lực. Theo đó, nhà báo muốn dự tòa để đưa tin phải cùng lúc trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác của cơ quan. Quy định này vô hình trung đã gây khó khăn cho nhà báo, gián tiếp hạn chế quyền được thông tin của công chúng về hoạt động xét xử của tòa.

Ba ngày trước khi thông tư 01/2014 của TAND Tối cao  có hiệu lực, quy định của nó đã được một thẩm phán chủ tọa phiên tòa ở tỉnh Bình Phước áp dụng nhằm hạch sách phóng viên.

Phải chăng có một bộ phận thẩm phán lâu nay khó chịu với hoạt động của báo chí? Phải chăng công cụ công khai, minh bạch này nhiều khi đã đem lại sự phiền toái cho công việc của họ? Chẳng thế mà tại cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND tổ chức năm ngoái, nhiều thẩm phán đã xem việc “đưa tin sai sự thật về hoạt động tòa án” và “tác nghiệp khi chưa được phép” là hành vi nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm minh. Dự thảo pháp lệnh này sau đó bị dư luận xã hội phản ứng gay gắt và không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua do các điều khoản nói trên đã “lấn sân” hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, vốn được quy định tại Luật Báo chí và các nghị định liên quan.

Các nhà báo đợi vào tác nghiệp trước cửa phòng xử án tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Nhưng lần này TAND Tối cao lại đưa vào Thông tư 01/2014 một số thủ tục mới cho hoạt động báo chí. Từ nay nhà báo muốn tác nghiệp tại tòa buộc phải được thẩm phán chủ tọa cho phép. điều kiện để cho phép là nhà báo phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác do cơ quan báo chí cấp để tham dự phiên tòa!

Thực tế ai cũng biết Nghị định 51/2002 hướng dẫn thi hành Luật Báo chí đã nói rõ nhà báo tác nghiệp “chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo”. Khi tác nghiệp tại tòa, nhà báo được bố trí chỗ ngồi, được gặp gỡ những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng để phỏng vấn... Một số phóng viên mới vào nghề, chưa được cấp thẻ nhà báo chỉ cần xuất trình giấy giới thiệu.

Dù luật quy định như vậy nhưng tình trạng đẻ ra thủ tục, “giấy phép con” trong hoạt động báo chí vẫn diễn biến phức tạp.

Trong lĩnh vực tư pháp nói chung và xét xử nói riêng, gần đây xuất hiện nhiều vụ việc oan khuất, sai sót gây chấn động dư luận, như những vụ tù oan ở Bắc Giang, Sóc Trăng hay nương nhẹ tội phạm ở Phú Yên. Các vụ việc này ít nhiều đều do báo chí phát hiện, phân tích, cảnh báo và đã được cơ quan tố tụng tiếp thu. Chính vì thế trong chiến lược cải cách tư pháp, việc tham gia của người dân, báo chí trong công tác giám sát được coi là một trong nhiều giải pháp để phòng, chống oan sai.

Trở lại với Thông tư 01/2014 của TAND Tối cao, rất nhiều phóng viên thường trú tại địa phương của các báo đã vô cùng lo lắng. Lo lắng vì họ dù có thể có thẻ nhà báo nhưng họ không thể đào đâu ra giấy giới thiệu “nóng hổi” của cơ quan báo chí khi ở cách xa cả ngàn cây số. Bởi ngay trong văn bản này tòa đã nói rõ: “Lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa và thi hành quyết định của chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ người gây rối trật tự phiên tòa theo quy định của pháp luật”. Mà nhà báo ghi âm, chụp ảnh khi chưa thực hiện thủ tục nói trên rất dễ bị tòa coi là “người gây rối” hay đại loại như thế.

Một thông tư chắc chắn không thể đẻ ra thủ tục và giấy phép mới so với nghị định, không thể đi ngược lại tinh thần của Luật Báo chí, càng không thể trái với quy định của Hiến pháp. Thiết nghĩ chánh án TAND Tối cao, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét, chỉ đạo sửa đổi thông tư này. Có như thế mới tạo điều kiện thuận lợi cho tác nghiệp, thông tin đến bạn đọc, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tham gia giám sát hoạt động điều tra, truy tố và xét xử của cơ quan tố tụng.

BẰNG LĨNH

Đã từng góp ý khi công bố dự thảo

Ngày 12-3, TAND Tối cao công bố dự thảo thông tư ban hành nội quy phiên tòa. Theo đó, tại Điều 2 nội quy phòng xử án quy định: “Các nhà báo, phóng viên được tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa hình khi được sự đồng ý của chánh án tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhưng phải xuất trình thẻ nhà báo, thẻ phóng viên cho thư ký phiên tòa…”.

Ngày 19-3, báo Pháp Luật TP.HCM có bài “Dự thảo nội quy phiên tòa làm khó nhà báo”. Bài báo nêu băn khoăn của nhiều chuyên gia về việc quy định này hạn chế quyền hành nghề của báo chí, cản trở quyền được thông tin và giám sát của người dân, dễ gây tùy tiện và lạm quyền đối với các cơ quan tố tụng.

Ngày 28-4, TAND Tối cao chính thức ban hành Thông tư 01/2014/TT-CA kèm nội quy phiên tòa. Trong đó, ở Điều 4 về hoạt động thông tin, báo chí tại phiên tòa quy định: Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho thư ký phiên tòa…

____________________________________

Theo tôi, quy định báo chí tác nghiệp tại tòa phải có thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác là không thể hiện đúng tinh thần của Luật Báo chí, làm hạn chế quyền hành nghề, từ đó dẫn đến hạn chế sự giám sát của truyền thông và xã hội.

Đối với phóng viên chưa được cấp thẻ thì giấy giới thiệu được xem như một thẻ hành nghề do cơ quan cấp để có thể tác nghiệp với tư cách nhà báo. Còn đã xuất trình thẻ nhà báo mà đòi thêm giấy giới thiệu nữa thì giống như một loại đòi hỏi “giấy phép con”.

Thẻ nhà báo là một chứng nhận hành nghề rồi. Nhà báo được quyền hành nghề trên toàn quốc, tư cách nhà báo tồn tại trong mọi lĩnh vực xã hội. Tại sao trong lĩnh vực pháp đình, tòa án lại đặt ra những quy định hạn chế quyền hành nghề? Tại sao tòa lại đặt ra quy định khác biệt? Tuy rằng lĩnh vực này có phần đặc thù nhưng chính bản thân tòa cũng cần tuyên truyền phổ biến pháp luật mà. Quy định mới này khi còn là dự thảo đã có nhiều ý kiến góp ý, phản biện không đồng tình nhưng không hiểu sao lại không được tiếp thu.

Luật sư-nhà báo NGUYỄN MINH TÂM,
Tổng Biên tập tạp chí
Luật Sư

Người bị thiệt là công chúng

Theo tôi, quy định mới này sẽ gây thêm khó khăn cho hoạt động tác nghiệp của nhà báo, đặc biệt là các phóng viên trên lĩnh vực nội chính, pháp đình. Theo thông tư này, ngoài giấy giới thiệu, phóng viên muốn tác nghiệp tại tòa bắt buộc phải có thẻ nhà báo. Như vậy những phóng viên mới vào nghề hay chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo sẽ không có cơ hội tác nghiệp tại tòa.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu nhà báo phải có thêm giấy giới thiệu của cơ quan báo chí mới được tác nghiệp tại tòa là một hình thức “giấy phép con” - một thủ tục hành chính gây thêm nhiêu khê.

Tất nhiên, trong những sự kiện lớn như Đại hội Đảng toàn quốc, họp Quốc hội…, các nhà tổ chức thường có quy định về hoạt động báo chí và hình thức “giấy phép” hoạt động cho nhà báo chính là thẻ đeo. Ngành tòa án cũng từng tổ chức họp báo và cấp thẻ cho PV tham dự các phiên tòa đặc biệt. Nhưng với các phiên tòa bình thường, theo tôi phóng viên chỉ cần có thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu là được dự tòa.

Tôi lo ngại tinh thần của thông tư có thể bị lạm dụng hoặc vận dụng sai và người chịu thiệt thòi không phải là nhà báo mà chính là công chúng khi quyền được thông tin của họ vô tình bị tước đoạt.

ThS-nhà báo PHAN VĂN TÚ,
khoa Báo chí-Truyền thông ĐH KHXH-NV TP.HCM

Sao phải ngại nhà báo?

Nhà nước đang có xu hướng đơn giản thủ tục hành chính nhưng quy định này lại “đẻ” thêm thủ tục.

Nó không chỉ làm khó cho phóng viên mà còn gây phiền cho cả tòa nữa. Nếu vụ án có 20 phóng viên hoặc hơn nữa đến dự, chẳng lẽ trước khi xử tôi phải kiểm tra tới 20 thẻ nhà báo và 20 cái giấy giới thiệu à? Tôi nghĩ làm vậy là không cần thiết.

Một phiên tòa công khai, mọi thứ phải minh bạch, nếu một HĐXX làm tròn trách nhiệm của mình thì sao phải ngại nhà báo? Chẳng phải nhờ họ mà sự thực được phơi bày sao, mình sai thì phải thẳng thắn thừa nhận và tiếp thu chứ.

Còn cứ lo giấu giếm thì những người trong ngành tố tụng làm sao hoàn thiện, giỏi nghề được. Phóng viên không có thẻ nhà báo, chỉ có giấy giới thiệu phải nhờ đồng nghiệp thay thế vô tình đẩy họ phải lách luật...

Một thẩm phán ở tỉnh Đồng Nai

P. Loan - N.Nga ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới