Nói 'Từ 1-7, chồng không được phép ly hôn dù vợ mang thai, sinh con với ai' là thiếu chính xác

(PLO)- Bạn đọc thắc mắc thông tin "từ 1-7, người chồng bị hạn chế quyền ly hôn khi người vợ mang thai, có con với người khác" có đúng không, đúng đến đâu, trước ngày 1-7 thì sao...?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tôi mới đọc được thông tin về việc sắp tới đây, từ 1-7, chồng không được phép ly hôn dù vợ mang thai, sinh con với ai. Không biết điều này có đúng hay không?

Bạn đọc Nam Phương (TP.HCM) hỏi.

chồng không được phép ly hôn
Ảnh minh họa

Trả lời: Liên quan đến quyền ly hôn của vợ hoặc chồng, trước đây, Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình 1959, Điều 41 Luật Hôn nhân và gia đình 1986 quy định "Trong trường hợp vợ có thai, chồng chỉ có thể xin ly hôn sau khi vợ đã sinh con được một năm".

Sau đó, Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 quy định trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.

Tại Nghị quyết 02/2000, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã hướng dẫn Điều 85 nêu trên như sau:

Luật chỉ quy định "vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi"; do đó, khi người vợ đang thuộc một trong các trường hợp này (không phân biệt người vợ có thai với ai hoặc bố của đứa trẻ dưới 12 tháng tuổi là ai), mà người chồng có yêu cầu xin ly hôn, thì giải quyết như sau:

- Trong trường hợp chưa thụ lý vụ án thì Toà án áp dụng điểm 1 Điều 36 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự trả lại đơn kiện cho người nộp đơn.

- Trong trường hợp đã thụ lý vụ án thì Toà án cần giải thích cho người nộp đơn biết là họ chưa có quyền yêu cầu xin ly hôn. Nếu người nộp đơn rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Toà án áp dụng điểm 2 Điều 46 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Nếu người nộp đơn không rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Toà án tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và quyết định bác yêu cầu xin ly hôn của họ.

Như vậy, ngay từ thời điểm có Luật Hôn nhân và gia đình thì các luật đều không có quy định phân biệt bố của đứa trẻ mà người vợ đang mang thai sinh ra là ai khi áp dụng quy định về quyền yêu cầu xin ly hôn của người chồng. Điều này được khẳng định một lần nữa theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2000.

Tinh thần này của Nghị quyết 02/2000 cũng được áp dụng khi Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (có hiệu lực từ 1-1-2015) được ban hành mà chưa có Nghị quyết mới hướng dẫn, thay thế cho Nghị quyết 02. Bởi khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định tương tự: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Mới đây nhất, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có Nghị quyết 01/2024 để hướng dẫn khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nêu trên.

Theo đó, Nghị quyết 01 nêu: Người vợ “đang có thai” được xác định là khoảng thời gian người vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.

Trong khi đó, “sinh con” quy định tại khoản 3 Điều 51 nêu trên là thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(i) Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi.

(ii) Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con.

(iii) Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.

Người chồng không có quyền xin ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con tại trường hợp (i), (ii) hoặc ngày đình chỉ thai nghén thuộc trường hợp (iii).

Đáng chú ý, trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.

Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng cũng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.

Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì việc xác định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của chồng được chia làm hai tình huống.

Thứ nhất, chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Thứ hai, chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Có thể thấy, mặc dù Nghị quyết 01/2024 bắt đầu có hiệu lực từ 1-7 tới đây, nhưng việc người chồng không được yêu cầu ly hôn khi vợ đang có thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi đã có từ rất lâu, căn cứ theo quy định của các luật Luật Hôn nhân và Gia đình. Đây không phải là quy định mới, vì vậy nếu nói "Từ 1-7, chồng không được phép ly hôn dù vợ mang thai, sinh con với ai" là nói chưa đầy đủ, khiến người đọc hiểu sai, rằng trước ngày 1-7 thì chồng có quyền ly hôn...

Lưu ý là việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng chỉ thực hiện trong thời gian người vợ "đang" mang thai, sinh con, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm