NSND Thế Anh làm mọi người cười lăn mỗi khi hài hước, và cũng nghiêm túc đến tận cùng khi bàn đến những vấn đề cốt tử của điện ảnh. Ông cho chúng ta cảm giác về một người nghệ sĩ lúc nào cũng tràn trề năng lượng, tâm huyết với nghề, và chẳng chịu già khi đối mặt với tuổi tác.
NSND Thế Anh và NSND Như Quỳnh trong liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2010.
Trong buổi gặp gỡ 7 NSND của điện ảnh trước khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội mà Tổng biên tập Báo Công an nhân dân, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước tổ chức, mọi người đều trầm trồ về cái sự "kháu lão" của Thế Anh. So với các đồng nghiệp đều trên dưới U70 như NSND Hải Ninh, NSND Huy Thành, NSND Trà Giang, NSND Đoàn Dũng… NSND Thế Anh dường như vẫn giữ được trong con người mình một "đứa trẻ hồn nhiên".
Ông đùa, đôi mắt xếch của ông vẫn đủ làm... xiêu lòng các quý bà, quý cô. Và quả thật, trong buổi chiếu ra mắt phim "Cánh đồng bất tận" tôi đã được "mục sở thị" khả năng làm xiêu lòng phụ nữ của ông. Trong suốt cả giờ đồng hồ trước buổi chiếu, NSND Đoàn Dũng ngồi cạnh ông đã phải đứng lên nhường chỗ cho các quý bà, quý cô tranh nhau tới ngồi cạnh Thế Anh để chụp ảnh kỷ niệm. Có cô còn mạnh dạn: "Cho em ngả đầu vào vai anh chụp ảnh nhé. Em "mê" anh từ hồi xem phim "Nổi gió" mà hôm nay mới được gặp anh". Đáp lại tình cảm ấy, "Trung úy Phương" rất ga-lăng: "Em cứ ngả đầu vào vai anh như em muốn đi".
Nhìn Thế Anh vui vẻ chụp ảnh với khán giả hâm mộ, tôi chợt nghĩ, ông là người hạnh phúc khi giữ được tình yêu lâu bền của khán giả như vậy. Đó là nhờ những dấu ấn sâu đậm ông để lại trong lòng khán giả từ những vai diễn thành công. Nghệ sĩ, anh sẽ chẳng là gì nếu anh không "gieo" được hạt giống tình yêu ấy trên cánh đồng nghệ thuật bằng những vai diễn cụ thể, có sức ám ảnh lâu bền với công chúng. Ông tâm sự: "Các nghệ sĩ trẻ bây giờ thường mắc một sai lầm khi cho rằng, chỉ cần một hình thức bề ngoài long lanh là họ sẽ được khán giả nhớ đến. Nghề diễn viên cực nhọc và khó khăn hơn nhiều. Anh phải trau dồi không ngừng kiến thức, cũng như không ngừng rèn giũa tài năng của mình, như viên ngọc phải sáng lên mỗi ngày, may ra mới được khán giả để mắt đến. Tôi rất "dị ứng" với một số bạn trẻ làm nghệ thuật hiện nay, cứ đèm đẹp xinh xinh mà cái đầu rỗng tuếch. Đóng được một vài phim truyền hình các bạn đã tưởng mình là ngôi sao. Thực tế, để vượt qua sự nghiệt ngã của thời gian, các bạn phải chứng tỏ khả năng của người biết đi đường trường. Nghĩa là biết làm cho mình vĩnh cửu, ngay cả khi nhan sắc đã tàn phai. Tôi thích câu nói: "Tất cả đều nhàm chán, trừ học vấn và trí tuệ". Coi thường học vấn và trí tuệ thì chúng ta chỉ có những phim trung bình, nhàn nhạt thôi".
Nửa thế kỷ làm điện ảnh, gia tài của NSND Thế Anh đến nay đã là 60 vai diễn trong 60 bộ phim, chưa kể các vai trong sân khấu. Ông đã học được quá nhiều bài học từ các nhân vật của mình. Hai vai diễn để đời, làm nên tên tuổi nghệ sĩ Thế Anh là vai Trung úy Phương trong phim "Nổi gió" (đạo diễn Huy Thành) và vai Ba Duy trong phim "Mối tình đầu" (dạo diễn Hải Ninh). Dù tự hào về hai vai diễn đó, nhưng NSND Thế Anh vẫn cho rằng ông chưa có vai diễn lớn nhất trong đời như ông hằng mong muốn. Ông bàn về một giải Oscar cho điện ảnh Việt Nam, và mơ chúng ta sẽ có những tên tuổi đạo diễn như Trương Nghệ Mưu.
Một cách nghiêm túc, ông đề nghị tại diễn đàn Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, rằng phải cấp tốc cử các đạo diễn, diễn viên, kỹ thuật viên trong nước ra nước ngoài để được đào tạo. Vì điện ảnh là một nghề phải học. Không học sẽ không đồng bộ, sẽ lỗ mỗ, và chẳng bao giờ vươn ra tầm quốc tế được. Không ít cử tọa đã vỗ tay tâm đắc tại Hội thảo bàn về điện ảnh Việt Nam trong Hội nhập quốc tế, khi Thế Anh đau đáu một thực tế: "Chúng ta xuất khẩu gạo, tương, cà, mắm muối ra thế giới nhiều, nhưng lại chưa xuất khẩu được các sản phẩm văn hóa, đặc biệt là điện ảnh ra thế giới".
NSND Thế Anh có một câu nói đặc biệt hóm hỉnh: "Nghệ sĩ giỏi là người biết "thò tay" vào "bóp tim" khán giả". Nghĩa là anh không tạo ra xúc cảm cho khán giả để khiến họ vui buồn với mình thì anh cũng đừng hòng mong họ nhớ tới anh. Ông cắt nghĩa, điện ảnh chính là cuộc đời. Cái cuộc đời thật thì nhiều gai góc, có khi là lấm bụi. Nhưng điện ảnh chúng ta đang xa rời thực tế ấy. "Quá nhiều phim câu khách bằng "chân dài chân ngắn", vẽ ra một đời sống toàn chuyện giàu sang, lên xe xuống ngựa. Bao nhiêu phận người trong xã hội bị điện ảnh bỏ quên, mà cứ loanh quanh mấy đề tài có vẻ thời thượng nhưng thực tình là rất nhạt nhẽo".
Ông kể: "Hồi tôi vào vai Ba Duy trong phim "Mối tình đầu", tôi đi thực tế ghê lắm. Để đóng cho ra một "con nghiện", tôi đi lang thang nhiều đêm trên đường Hàm Nghi ở Sài Gòn, xem con nghiện vật vã, chứng kiến cảnh họ phê thuốc rồi làm tình ở ngoài đường. Rồi tôi tìm đến trại Fatima ở Bình Triệu, sống cùng những người cai nghiện. Bởi vậy, khi tôi đóng phim về, không ít người tưởng tôi nghiện thật. Mấy bà ngoài chợ gặp tôi còn xuýt xoa: "Tội nghiệp, sao đang yên đang lành lại ra nông nỗi này hả con? Mình không "diễn như thật" thì làm sao tạo ra được hiệu ứng đó?".
NSND Thế Anh là người rất giỏi ngoại ngữ. Ông có thể sử dụng tiếng Anh và tiếng Pháp trôi chảy như người bản địa. Trong Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, tôi thấy ông gặp nghệ sĩ nước ngoài nào cũng "tay bắt mặt mừng". Ông nói: "Mình là chủ nhà, mình phải tỏ lòng hiếu khách bằng việc gần gũi họ. Hơn nữa, trò chuyện với họ cũng là một cách để học hỏi về nghề. Với một nền điện ảnh còn lạc hậu như chúng ta, học hỏi chẳng bao giờ là thừa cả". Rồi ông tiếc: "Các bạn trẻ của chúng ta bây giờ ngoại ngữ kém quá. Họ cứ diện quần áo đẹp rồi đứng xúm xít với nhau, chẳng ai làm quen, bắt chuyện với bạn bè quốc tế cả. Họ mặc cảm về sự dốt ngoại ngữ của mình, thật tội nghiệp. Tôi ao ước một thế hệ trẻ giỏi giang hơn, tự tin hơn với thế giới. Mong mỏi một cơ hội được giao lưu, học hỏi, nhưng rồi khi có cơ hội, các bạn lại không biết tận dụng nó".
Nhìn lại cuộc đời làm điện ảnh của mình, NSND Thế Anh tổng kết trong 10 chữ M. Đó là: Mồ mả (nói về lòng hiếu nghĩa với tổ tiên), miệt mài (tức là lao động không ngừng nghỉ), may mắn (ông cho rằng mình có một ngôi sao may mắn chiếu mệnh, khi mà công sức lao động của ông được khán giả yêu mến và thừa nhận), mạnh mẽ (ý nói về sức khỏe Trời cho, để ông có thể thực hiện niềm đam mê của mình), và cuối cùng là mưu mẹo (rằng ông luôn biết chọn con đường hợp lý để đi tới đích mà không bị vấp ngã, trả giá quá nhiều. Thế Anh quan niệm "đường thẳng chưa phải là đường ngắn nhất").
Ai đó nói tuổi già thường buồn chán, riêng Thế Anh thì không. Giờ phút này ông vẫn cảm thấy mình chẳng có phút giây rảnh rỗi nào để mà buồn chán. Cứ có đạo diễn "ới" là ông đi ngay, vợ con đừng hòng cản. Ông bảo: "Nghệ thuật là nghiệp chướng của tôi, là máu chảy trong cơ thể tôi rồi. Có hôm tôi diễn xong, ngồi thở dốc, thằng con trai tôi bảo: "Bố ơi, sao bố lại "hành xác" mình đến thế. Bố ăn được bao nhiêu mà bố cứ bươn bả với công việc như vậy. Mấy đồng cátsê có đủ cho bố uống cà phê sáng không? Sao bố không ngồi nhà nghỉ ngơi để chúng con an lòng?”. Mặc dù con tôi có lý nhưng tôi không chiều theo nó được. Vì cuộc sống của tôi là điện ảnh, là sân khấu".
NSND Thế Anh quan niệm, làm người của công chúng thì phải trang bị cho mình những gì mới nhất, từ cách ăn mặc đến lối sống, kiến thức… Thời trang thì hẳn nhiên rồi. Lúc nào hình ảnh của nghệ sĩ Thế Anh trong mắt khán giả cũng rất "style". Còn kiến thức, là không một bộ phim mới nào của thế giới mà ông bỏ sót.
Có thể nói, NSND Thế Anh là một cuốn từ điển về điện ảnh. Nói đến bất cứ bộ phim nào, diễn xuất của ngôi sao điện ảnh nào trên thế giới ông đều có thể tranh luận đến cùng. Xem, đọc để học là điều ông tự rèn luyện mình. Khi nói về hiện tượng có nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay than rằng họ thường xuyên bị stress, chán chường, thậm chí có ý muốn tự tử, nghệ sĩ Thế Anh bày tỏ: "Khi chạy theo những thứ phù phiếm, hình thức, các bạn rất dễ lâm vào trạng thái chán chường. Nhưng nếu các bạn đọc sách nhiều, và lao động nghệ thuật bằng toàn bộ niềm đam mê của mình, không bị chi phối bởi sự vụ lợi nào đó, bạn sẽ đạt đến niềm vui và sự thỏa mãn. Sự lạc quan cũng từ đó mà ra".
Nửa thế kỷ làm nghề, vợ chồng NSND Thế Anh vẫn sống bằng căn nhà cha mẹ để lại. Thời của ông, các nghệ sĩ chỉ lo làm nghề bằng một thứ tình yêu mà ông gọi là "trong vắt", vô tư đến độ không ai nghĩ đến danh tiếng hay sự giàu sang vật chất. Ngoài thứ tình yêu trong vắt ấy, NSND Thế Anh đã không để mình phải chịu bất cứ một áp lực nào khi đến với nghệ thuật. Và, để bù đắp lại, nghệ thuật đã "trả công" xứng đáng cho ông, là một tình yêu rất lâu bền của nhiều thế hệ khán giả.
Theo Bình Nguyên Trang (VNCA)