Nữ bảo vệ dân phố 62 tuổi ngăn 'cái chết trắng'

Người mẹ đó là bà Lê Kim Chung, 62 tuổi, đang là tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố ở khu phố 6, phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

6 giờ sáng mỗi ngày, người đi ngang qua chốt dân phòng nằm trên đường Vạn Kiếp (khu phố 6, phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đều quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ khỏe mạnh mặc bộ đồng phục, đeo bảng hiệu, đội mũ tươi cười chào hỏi bất cứ ai đi ngang qua.

Từ nỗi đau mất con

Bà Lê Kim Chung quê Hà Nội, xuất thân là một nghệ sĩ biểu diễn xiếc. Bà vào Sài Gòn từ năm 1975, kết hôn và có hai người con. Sau khi chồng mất, bà bỏ nghề, một mình nuôi hai con khôn lớn. Nhìn bà vui vẻ, hoạt bát, chẳng ai ngờ bà từng trải qua nỗi đau mất đứa con trai vì nghiện ma túy.

Bà Chung kể: “Nó mất lúc 15 tuổi. Lần cuối cùng tôi theo dõi con, thấy nó tụ tập với mấy đứa bạn. Sau lần đó thì nó đi. Đau đớn lắm!”.

Từ nỗi đau ấy, bà Chung quyết tâm phải làm điều gì đó để nhiều bà mẹ khác không phải bất hạnh như mình. Bà tình nguyện làm bảo vệ dân phố. Rất nhiều lần bà Chung xin vào đội tuần tra giữ gìn an ninh cho khu phố nhưng vì là phụ nữ nên bà không được sự đồng ý của người chỉ huy lúc đó. Vài năm sau, thấy bà quá nhiệt tình, người chỉ huy thời điểm kế tiếp đã cho phép bà vào đội. Từ đó bà bắt đầu hành trình săn tội phạm ma túy trên địa bàn.

Chiến công đầu tay của bà là phát hiện một phụ nữ mua bán ma túy trong khu trọ. Khi đang tuần tra, vì nghi ngờ nên bà tiến thẳng đến đối tượng vừa thăm dò vừa kiểm tra. Thấy người này cứ lén lút giấu bàn tay trong người, bà yêu cầu đưa thẳng tay ra, mở từng ngón tay trong lòng bàn tay để xem xét. Thấy có hai gói bột trắng, bà Chung lập tức khóa tay cô ta lại, đưa lên xe chở về phường xử lý.

Bà Lê Kim Chung đang hỏi han một người đã cai nghiện thành công về cuộc sống hiện tại. Người này luôn gọi bà là má.  Ảnh: THANH TUYỀN

Bà Lê Kim Chung trong lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng cao cả” vào ngày 26-11-2016. Ảnh: TL

Vừa là khắc tinh, vừa là bà má bao dung

Những lần theo dấu và truy bắt tội phạm, bà Chung bảo không có cảm giác sợ hãi hay ghét bỏ những người nghiện. “Tụi nó như con cháu mình thôi mà” - bà Chung nói. Với những người trở về sau cai nghiện, bà Chung còn tặng gạo, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Có lẽ chính vì tình thương đó mà dù bị chính bà Chung đưa đến công an phường, bắt đi cai nghiện, nhiều người sau đó vẫn gọi bà là má mỗi khi gặp nhau.

Đứng ở chốt dân phòng, bà Chung nhấc điện thoại gọi cho HTH, một người đã cai nghiện thành công. Đầu dây bên kia nói với vẻ hớn hở: “Má gọi con có gì không má ơi, cuối năm con hơi nhiều việc tí…”. “Mày vào đây chơi với má xíu đi. Tao trực một mình buồn thiu” - bà Chung đáp. Chỉ vài phút sau đó, người thanh niên này có mặt, hai má con trò chuyện thân tình, vui vẻ.

H. biết đến bà Chung khi bà tiếp nhận quản lý sau cai cho H. Có chuyện gì H. cũng tìm bà Chung. Sau khi cai nghiện, H. dành dụm tiền mở tiệm sửa xe trên đường Vạn Kiếp. Anh dự tính sẽ cưới vợ trong năm nay. Lúc anh về, bà Chung dặn với theo: “Chừng nào má phát chả thì alô mày qua lấy mấy đòn về ăn Tết nhé”.

“Còn có một cậu nhóc khác dễ thương lắm. Hai năm trước tôi bắt vì gặp nó cướp giật của người ta, nó phải đi cai một thời gian dài. Sau này đi ngang chỗ nó làm, nó í ới gọi: “Má Chung ơi, khỏe không, để con dắt má qua đường”. Tôi hỏi: “Mày không hận tao hả?”, nó cười bảo nhờ má mà nó mới có được cuộc sống như hôm nay” - bà Chung kể.

Những câu chuyện nhỏ như vậy được bà Chung cất giữ trong suốt hành trang săn bắt tội phạm của mình. Bà tâm sự: “Tôi làm vì thấy mình cần đưa tụi nhỏ ra khỏi bóng tối, làm lại cuộc đời”.

Năm 2005, thời điểm ma túy bùng phát trong khu vực, bà Chung đứng ra xin phép thành lập câu lạc bộ Lá chắn, tập hợp tất cả phụ huynh trong phường cùng chung nỗi đau có người thân vướng vào tệ nạn ma túy.

Ban đầu thành lập chỉ có vài người tham gia, dần dần câu lạc bộ có trên 50 người ủng hộ và đến sinh hoạt định kỳ. Sau này vì có những người nghiện qua đời nên số lượng thành viên có giảm theo. Song song đó, bà Chung còn tình nguyện cảm hóa các đối tượng ở địa bàn, làm thủ tục đưa họ đi cai nghiện hoặc uống Methadone tại địa phương.

Những ngày cuối năm 2016, để giúp nhiều người nghèo đón Tết ấm áp hơn, bà Chung đã tự bỏ tiền ra để mua quà bánh tặng. Bà đã phát gần 700 phần quà cho người nghèo ở nơi mình làm việc (khu phố 6, phường 3, quận Bình Thạnh) và nhiều người dân ở nơi sống hiện tại của bà (đường Lê Văn Khương, phường Thới An, quận 12).

Sáng 26 Tết, bà còn tận tay phát từng đòn chả. Với bà, niềm hạnh phúc lớn nhất bây giờ là làm sao để nhiều người không bước vào con đường lầm lỗi, là nhìn thấy mọi người xung quanh có cuộc sống ấm no hơn.

Bà Lê Kim Chung từng là một trong số 25 cá nhân được tuyên dương trong lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TP lần thứ hai do UBND TP.HCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức vào tháng 11-2016.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới