Ngày 14-12, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức hội thảo thực thi Nghị định 09/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Tuy vậy, nội dung chủ yếu của hội thảo lại là vấn đề liên quan tới bổ sung iốt.
Xuất ngoại ách tắc
Ông Nhữ Đình Ngọc, đại diện Công ty Nước mắm Thanh Hà (Phú Quốc, Kiên Giang), lắng nghe chăm chú đại diện của UNICEF, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và các chuyên gia về vấn đề iốt. Đến lượt mình phát biểu, ông Ngọc hỏi: “Chúng ta đã nghiên cứu nhu cầu iốt của người dân từng vùng hay chưa? Chẳng hạn như vùng cao thì có thể thiếu nhưng khi đánh đồng hết thì có thể iốt sẽ dư. Khi dư iốt thì rất có hại chứ không phải có lợi”.
Quay về vấn đề thực tế của công ty mình, ông Ngọc kể gặp nhiều rắc rối khi phải sử dụng iốt chế biến nước mắm, thực phẩm. “Chúng tôi có những khách hàng xuất khẩu, có nhiều thị trường nhập khẩu không chấp nhận sản phẩm bỏ thêm iốt, ví dụ thị trường Nhật. Bắt buộc chúng tôi phải cam kết với khách hàng là sản phẩm sẽ không sử dụng iốt. Họ còn yêu cầu các nhà cung cấp muối cho chúng tôi cũng không được sử dụng iốt bổ sung vào muối. Nhưng khi chúng tôi cam kết như vậy thì họ nói “anh không làm đúng quy định của nhà nước anh”. Lúc đó chúng tôi không biết trả lời ra sao. Đề nghị Nhà nước xem xét những khó khăn này”.
Ông Ngọc cũng khẳng định không chỉ riêng nước mắm mà các thực phẩm khác khi xuất khẩu mà sử dụng muối iốt để chế biến cũng gặp khó khăn tương tự.
Ông Phạm Văn Nhã, Chủ tịch HĐQT Công ty Nước mắm Cát Hải, sau khi nghe và nghiên cứu tài liệu của hội thảo đã nhận xét: “Tôi nhìn thấy số liệu các nhà nghiên cứu ở Thái Lan, Lào, Campuchia về vấn đề này. Nhưng ở nước ta thì chưa có một đề tài nghiên cứu nào về đưa iốt vào muối, mắm để nói tỉ lệ iốt hiện nay trong muối, mắm chiếm bao nhiêu % là hợp lý?”.
Doanh nghiệp lo ngại khi bổ sung iốt vào nước mắm thì sẽ làm thay đổi màu, mùi vị. Ảnh: QH
Ông Nhã cho hay các doanh nghiệp (DN) sẵn sàng đưa hàng loạt tấn cá để sản xuất nước mắm dùng muối iốt để có cơ sở chấp hành chính sách của Nhà nước. Đồng thời, các DN đều mong muốn cộng đồng đủ sức khỏe, trí tuệ để phát triển đất nước. Tuy vậy, vấn đề triển khai còn nhiều bất cập ở cơ sở.
“Mà không chỉ cơ sở sản xuất muối, nước mắm đâu mà thực phẩm chế biến rất nhiều. Do vậy, nếu buộc đưa tỉ lệ % iốt vào thì phải có văn bản quy định rõ mỗi ký muối cần bao nhiêu iốt, lúc ấy mới thực thi được. Các cơ quan nên có tầm nhìn hơn” - ông Nhã nói.
Tiến thoái lưỡng nan
Phó Chủ tịch VUSTA Nghiêm Vũ Khải sau khi nghe ông Ngọc trình bày đã thừa nhận đúng là DN lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. “Nhà nước yêu cầu bổ sung iốt mà nếu DN không thực hiện thì các nước phát triển sẽ phạt thẻ vàng, thẻ đỏ, rất phức tạp. Mà thực hiện thì lại khó xuất khẩu. Chúng ta phải lường được cả tác động trên bình diện quốc tế” - ông Khải nói.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc thì nói rằng phải thông cảm với các DN vì phải chuyển đổi trên một lĩnh vực đòi hỏi sự tinh tế và cả yếu tố truyền thống như sản xuất nước mắm. Ông nhấn mạnh: “Việt Nam đang cạnh tranh nhiều với các nước khác như Thái Lan. Tôi xin hỏi các loại nước mắm Thái Lan nhập vào nước ta có đảm bảo iốt không? Tại sao ta lại bắt DN Việt Nam làm như thế? Nếu ta quy định phải iốt thì không cho họ nhập nếu họ không có iốt trong nước mắm, được không?”.
Ông Quốc cũng đặt vấn đề iốt có thể bổ sung bằng nhiều nguồn, sao cứ nhất thiết phải là nước mắm. Dưới khía cạnh văn hóa, có những vấn đề ẩm thực phải đảm bảo tính truyền thống. Nước mắm với Việt Nam là một thứ truyền thống. DN, người dân có thể thay thế gia vị khác để đảm bảo iốt thì có được không? Sao ta không đặt vấn đề như thế?
“Mục tiêu mang lại sức khỏe cho dân là đúng nhưng cần hạn chế phương pháp áp đặt. Phải để người dân có sự lựa chọn giữa sản phẩm có iốt và không có iốt, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho người dân có quyền lựa chọn. Còn quan điểm cho rằng việc sử dụng iốt không ảnh hưởng gì tới chất lượng sản phẩm nhưng với một lĩnh vực tinh tế như ẩm thực thì chưa chắc đã đúng. Tôi ủng hộ khắc phục tình trạng thiếu iốt nhưng cách làm thì phải cân nhắc. Mỗi quốc gia có thể có cái chung, phổ quát nhưng vẫn có những cái riêng. Có những thứ không thể thay đổi” - đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến khác cũng nhìn nhận việc Nghị định 09 chưa đi vào cuộc sống. Giải thích cho vấn đề này, ông Phạm Quang Tùng, Phó Trưởng phòng Nghề muối - Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho rằng: Ngoài những lý do như các DN đã nêu thì các DN lo ngại khi sử dụng muối iốt để chế biến nước mắm sẽ làm thay đổi màu, mùi vị của sản phẩm. Trước đây một số DN đã bổ sung sắt vào nước mắm nhưng để một thời gian thì nước mắm trở nên rất tanh.
Bộ Y tế mới đây đã ban hành Công văn số 6134 về việc thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến muối iốt. Trong công văn này, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành nghiêm túc thực hiện chỉ đạo “chỉ kiểm tra các DN sản xuất muối iốt, không kiểm tra các DN sản xuất thực phẩm có sử dụng muối iốt”. Trước đó, DN phản ảnh một số sản phẩm thực phẩm như nước mắm truyền thống, sữa... nếu có thêm iốt trong thành phần sẽ gây biến màu, biến mùi, mất khả năng chống ôxy hóa… và đặc biệt sản phẩm không đảm bảo được chất lượng như công bố của nhà chế biến hoặc theo tiêu chuẩn thành phẩm. Khi sản phẩm ra thị trường bị người tiêu dùng chê, không chấp nhận. Vì vậy, có công ty phải đóng cả phân xưởng với hàng triệu chai nước mắm phải hủy. |