Thời gian gần đây, các doanh nghiệp (DN) trong ngành chế biến thực phẩm, đặc biệt là sản xuất nước mắm gặp khó khăn khi đăng ký công bố phù hợp an toàn thực phẩm.
Khiên cưỡng khi bắt dùng muối iốt
“Các DN nước mắm truyền thống đang lo sốt vó vì quy định đăng ký công bố phù hợp an toàn thực phẩm bắt buộc phải ghi muối sử dụng sản xuất nước mắm là muối iốt” - ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Công ty Nước mắm Hạnh Phúc, cho biết.
Theo ông Hùng, việc bắt buộc sử dụng muối iốt vào quá trình chế biến nước mắm truyền thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản phẩm. Cụ thể, nó khiến cho thời hạn sử dụng của nước mắm truyền thống ngắn lại, chưa kể nó làm thay đổi mùi vị, màu sắc… nước mắm.
Ngoài ra, khi đưa muối iốt thay muối biển vào quá trình ủ chượp nước mắm truyền thống buộc các cơ sở phải thay đổi nhãn hiệu, bao bì sản phẩm. Bởi bổ sung muối iốt tức là bổ sung chất mới và sản phẩm buộc phải cập nhật sự thay đổi với cơ quan chức năng và người tiêu dùng.
Tương tự, ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, cho rằng cả mấy trăm năm nay, nước mắm truyền thống sử dụng muối biển vào quy trình ủ chượp làm nước mắm. Nguyên liệu chỉ có cá cơm và muối biển mới cho ra hương vị nước mắm tự nhiên và được cha ông ta đúc rút kinh nghiệm bao đời. Trong khi đó lại chưa có nghiên cứu khoa học bài bản nào về sự ảnh hưởng của việc đưa muối iốt vào chế biến nước mắm truyền thống.
Do vậy, nếu bổ sung iốt vào nước mắm thì Nhà nước, bộ, ngành cần làm một chương trình riêng, khuyến khích, tuyên truyền đưa muối iốt vào thực phẩm, chứ không thể áp cho nước mắm truyền thống, ảnh hưởng rất lớn đến đặc sản của Việt Nam.
“Những sản phẩm tự nhiên dùng nguyên liệu tự nhiên thì mới mang đến chất lượng hương vị tự nhiên, bảo quản được lâu. Không thể dùng muối iốt để ướp cá cơm vì iốt sẽ làm thay đổi mùi vị, màu sắc, độ đạm… của nước mắm. Đó là điều chắc chắn. Khi hương vị, màu sắc nước mắm thay đổi thì nguy cơ người tiêu dùng từ chối, giảm mua là có thể xảy ra” - ông Tiến nhấn mạnh.
Nhiều cơ sở nước mắm truyền thống than đang gặp khó vì quy định phải có iốt. Ảnh: QUANG HUY
Sợ mất khách nước ngoài
Phó Giám đốc Công ty Nước mắm Hạnh Phúc, ông Nguyễn Quốc Hùng, lo ngại khi buộc nước mắm phải có chất mới là iốt sẽ khó bán cho đối tác nước ngoài. “Nước mắm truyền thống xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh .hưởng. Thậm chí khách hàng nước ngoài có thể sẽ ngưng mua, có thị trường sẽ không chấp nhận sự thay đổi đó. Vì vậy DN nước mắm truyền thống kiến nghị bỏ quy định này vì thiếu thực tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nước mắm truyền thống của Việt Nam” - ông Hùng nhấn mạnh.
Tán đồng quan điểm này, chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành nhận xét nước mắm làm từ cá biển và muối biển mà buộc phải dùng muối iốt thì quá khiên cưỡng.
“Iốt còn có nhiều trong các thực phẩm khác nữa như rong biển, tôm, cua, cá, mực, sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua. Sữa có iốt là do thức ăn gia súc đã bổ sung vi lượng iốt rồi. Ngay cả muối biển cũng có iốt, dù không nhiều. Do vậy nên bỏ luôn quy định dùng muối iốt trong chế biến thực phẩm công nghiệp chứ không riêng gì với nước mắm hay vài loại thực phẩm nào đó. Quy định này chỉ làm phiền phức, đẻ thêm cơ chế xin-cho làm khó DN. DN nào dùng muối iốt thì khai trên nhãn để người tiêu dùng lựa chọn” - ông Thành nhấn mạnh.
Chưa phù hợp thực tế
Trả lời thắc mắc của các DN, bà Trần Thị Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, cho hay trước đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng có buổi đối thoại với các DN, các bô,̣ ngành liên quan… về vấn đề trên. “Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng kết luận nếu DN gặp phải những trường hợp sản phẩm biến đổi màu, vị… thì mang lên Bộ Y tế để tìm cách tháo gỡ. Bản thân tôi cũng nghe DN phản ảnh (sản phẩm bị biến đổi màu, vị... - PV) nhưng chưa thấy ai mang sản phẩm có vấn đề lên gặp Bộ Y tế cả. Nếu DN mắc phải thì trao đổi tực tiếp với Bộ Y tế” - bà Nga cho hay.
Bị người tiêu dùng quay lưng Một số DN thông tin cách đây khoảng năm năm, khi thực hiện chủ trương bổ sung iốt vào nước mắm thì sản phẩm này mau xuống màu, có mùi tanh và phải sử dụng chai nhựa có màu trà để chứa. Khi sản phẩm ra thị trường bị người tiêu dùng chê, không chấp nhận. Vì vậy, có công ty phải đóng cả phân xưởng với hàng triệu chai nước mắm phải hủy. |
Tuy nhiên, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết Nghị định 09 chỉ yêu cầu bắt buộc bổ sung iốt vào muối ăn trực tiếp và muối sử dụng trong chế biến thực phẩm và kiểm soát việc bổ sung iốt tại các cơ sở sản xuất muối sử dụng cho hai mục đích trên.
Công văn số 1216 của Bộ Y tế trả lời ý kiến của DN khi triển khai thực hiện chủ trương trên lại khẳng định: “Các DN sử dụng muối trong chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối có tăng cường iốt”.
“Nội dung hướng dẫn tại Công văn 1216 của Bộ Y tế đã gây nhiều khó khăn, chưa phù hợp trong thực tế sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiện nay của Việt Nam” - bà Chi nói.
Tán đồng quan điểm này, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Việt Nam (VASEP) cũng cho hay nội dung hướng dẫn tại Văn bản 1261 của Bộ Y tế hoàn toàn chưa đúng với tinh thần của Nghị định 09 cũng như kết luận tại cuộc họp hồi tháng 3 của Phó Phủ tướng Vũ Đức Đam. Theo đó, không quy định bắt buộc các DN sản xuất thực phẩm phải sử dụng muối tăng cường iốt.
nước mắm làm từ cá biển và muối biển mà buộc phải dùng muối iốt thì quá khiên cưỡng- Ảnh: Quang Huy
Không nên áp đặt Chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành cho biết nhiều nước trên thế giới cũng có chương trình bổ sung iốt qua muối. Có điều họ chỉ khuyến khích nhà sản xuất chứ không ép phải sử dụng muối iốt trong chế biến thực phẩm nói chung và nước mắm nói riêng. Ông dẫn chứng ở Mỹ, chế biến thực phẩm công nghiệp vẫn dùng muối không iốt. Trường hợp nếu DN dùng muối iốt để sản xuất thì họ phải ghi trên nhãn sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn. “Ở các siêu thị Mỹ vẫn bán đầy muối có iốt và muối không có iốt để mấy bà nội trợ mua về muối dưa cải, dưa leo. Bởi nếu dùng muối iốt thì rau quả muối sẽ bị biến thành màu xỉn, không đẹp mắt... Do vậy, Bộ Y tế nên vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của muối iốt. Qua đó để bà con tự nguyện dùng chứ không nên áp đặt lên nhà sản xuất mà bất chấp khó khăn của họ về mặt thị trường” - ông Thành nhấn mạnh. |